Đồng hành cùng sự phát triển an toàn của các tổ chức tín dụng

(Banker.vn) Được thành lập từ năm 1999, đến nay, sau 25 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Được thành lập từ năm 1999, đến nay, sau 25 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
 

Hiện tại, BHTGVN bảo hiểm cho khoảng 123 triệu lượt người gửi tiền tại 1.278 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức này đều được BHTGVN cấp Chứng nhận tham gia BHTG và Bản sao Chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Một trong những nguồn thu chủ yếu của BHTGVN là phí BHTG. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng số phí BHTG đạt hơn 90 nghìn tỉ đồng, số phí do tổ chức tham gia BHTG nộp cho BHTGVN được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 111 nghìn tỉ đồng. Đây là nguồn lực được BHTGVN dùng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả theo quy định của pháp luật, cũng như cho vay đặc biệt khi tham gia kiểm soát đặc biệt các TCTD theo quy định tại Luật Các TCTD. 

BHTGVN thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nhằm tăng cường năng lực tài chính, đồng thời đảm bảo thanh khoản khi phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG và bảo toàn nguồn vốn của tổ chức BHTG. Đến hết tháng 9/2024, tổng nguồn vốn của BHTGVN đạt hơn 117 nghìn tỉ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng hơn 7% so với thời điểm ngày 31/12/2023. Với nguồn lực này, BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết, cũng như tham gia tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Thông qua các nghiệp vụ như: Giám sát từ xa, kiểm tra việc chấp hành quy định về BHTG và kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt; chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền và tuyên truyền chính sách BHTG, BHTGVN đã có những đóng góp nhất định đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. BHTGVN hiện có mạng lưới hoạt động với Trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước, sẵn sàng triển khai chính sách BHTG để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và củng cố niềm tin công chúng đối với hoạt động ngân hàng.

Trước những thách thức ngày càng lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi đã hội nhập sâu, đặc biệt, sau sự sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới thời gian gần đây, vai trò của BHTGVN trong tái cơ cấu các TCTD càng được chú ý nhiều hơn. Theo đó, Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTGVN tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém ngay từ giai đoạn can thiệp sớm.

Cụ thể, Luật cho phép BHTGVN cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, QTDND, tổ chức tài chính vi mô bị rút tiền hàng loạt trong cả giai đoạn can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt; quyết định cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của NHNN; tham gia xây dựng phương án phá sản QTDND được kiểm soát đặc biệt; tham gia đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền; vay đặc biệt từ NHNN trong trường hợp quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ chi trả cho người gửi tiền; xây dựng phương án tăng phí BHTG để bù đắp phần vay đặc biệt.

Đây có thể coi là cơ hội để BHTGVN phát triển lên một tầm cao mới, đồng thời thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của các cơ quan chức năng nhằm tận dụng nguồn lực BHTG, cho thấy vai trò và trách nhiệm ngày càng lớn đối với người gửi tiền cũng như tổ chức tham gia BHTG của BHTGVN. Tuy nhiên, cơ hội mới, nhiệm vụ mới cũng kéo theo những thách thức không nhỏ đối với BHTGVN cần phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu về việc sớm sửa Luật BHTG để phát huy hơn nữa công cụ BHTG trong cơ cấu lại các TCTD trong bối cảnh hiện nay.

Một dấu mốc quan trọng mở ra những định hướng lớn với tầm nhìn dài hạn cho BHTGVN, đó là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra giải pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hiện đại hóa hoạt động BHTG phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.

Trong thời gian tới, thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và triển khai Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, BHTGVN tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực trong tiến trình đổi mới, cơ cấu lại hệ thống các TCTD; tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Với nguồn nhân lực có chuyên môn được đào tạo bài bản, chuyên sâu, độ tuổi ngày một trẻ hóa, say mê lao động và khát khao cống hiến, BHTGVN cho biết sẽ tiếp tục phát triển bền vững, mang đến những giá trị thiết thực cho người sử dụng dịch vụ tài chính tại các tổ chức tham gia BHTG. Qua đó, tạo dựng vị thế tổ chức BHTGVN uy tín, vững mạnh để luôn sẵn sàng đồng hành cùng sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

PV
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục