Bất động sản xanh hấp dẫn nhà đầu tư có tầm nhìn Bất động sản thấp tầng vùng ven Hà Nội tăng vọt 74% Nhiều dự án bất động sản ‘ngủ đông’ rục rịch hồi sinh |
89% môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc hết hiệu lực
Theo Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, ngành môi giới bất động sản đang bước vào một giai đoạn thay đổi hoàn toàn, rõ rệt, khi Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, cùng với đó là các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, đặt ra yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, chuẩn hóa và chuyên nghiệp trong hành nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam.
Theo khảo sát, có đến 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực. Trong đó, 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo, 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ, và 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hiệu lực. Hiện chỉ có 11,3% đang sở hữu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực.
Điều này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý hành nghề và cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ.
![]() |
TS Trần Xuân Lượng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam |
Bên cạnh đó, 93% người được khảo sát bày tỏ mong muốn tham gia kỳ thi sát hạch, thể hiện mức độ quan tâm rất cao đến việc tuân thủ quy định pháp luật và nhu cầu được chuẩn hóa kiến thức hành nghề. Đây cũng là tín hiệu tích cực, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tổ chức kỳ thi một cách bài bản, linh hoạt, đồng thời cần xem xét khả năng tổ chức theo hình thức trực tuyến để đáp ứng xu hướng số hóa và nhu cầu rộng rãi của lực lượng môi giới hiện nay.
TS Trần Xuân Lượng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho biết: “Thị trường đang tồn tại một nghịch lý: đội ngũ môi giới chưa được cấp chứng chỉ, doanh nghiệp chưa có nhân lực đạt chuẩn, nhưng lại không thể tổ chức thi. Nếu không sớm tháo gỡ, tình trạng "bế tắc pháp lý’"sẽ kéo dài”.
Ông Lượng cũng cho biết thêm, 88% người học cho biết họ không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức thi tại địa phương, điều này cho thấy sự rối rắm trong phối hợp giữa các bên. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò của lực lượng môi giới bất động sản như một “mắt xích quan trọng trong chuỗi giao dịch và phân phối sản phẩm ra thị trường”.
Nguy cơ ách tắc dòng chảy kinh tế của thị trường bất động sản
TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến những điểm nghẽn đáng lo ngại trong quá trình triển khai. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ được giao cho chính quyền các địa phương nhưng chưa có địa phương nào tổ chức; người hành nghề lúng túng, không biết học và thi ở đâu; doanh nghiệp đã, đang và dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực hợp pháp để vận hành sàn giao dịch, kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản”.
TS Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, hiện tại hầu hết các địa phương trên cả nước vẫn “án binh bất động”, chưa có kế hoạch tổ chức thi, cũng chưa có hướng dẫn thống nhất hoặc chưa xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong việc tổ chức thi. Điều này đang gây tâm lý bất ổn, lo lắng của cộng đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản.
“Chúng tôi khẳng định, sự chậm trễ này đang cản trở sự vận hành của một chính sách đúng đắn – gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính ổn định của thị trường, quyền lợi của hàng nghìn doanh nghiệp, hàng vạn nhà môi giới bất động sản đang hoạt động trên thị trường. Thậm chí, có thể làm ách tắc dòng chảy kinh tế của thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Văn Đính cho hay.
![]() |
TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam |
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế về đào tạo chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Tùng Phương (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, ở các quốc gia phát triển, việc đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là điều kiện bắt buộc, nhằm chuyên nghiệp hóa ngành môi giới, đảm bảo minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các nước yêu cầu cấp phép cho đơn vị đào tạo như một bước lọc đầu vào quan trọng, từ đó kiểm soát chất lượng chương trình, giảng viên và nội dung giảng dạy. Đơn vị được cấp phép phải đáp ứng các tiêu chuẩn về khung chương trình, thời lượng, nội dung đạo đức nghề nghiệp, luật pháp và kỹ năng định giá, giao tiếp. Điều này góp phần phân tầng đội ngũ môi giới theo năng lực thực tế và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động môi giới.
TS. Nguyễn Thị Tùng Phương cho hay: “Về tổ chức thi và cấp chứng chỉ, nhiều nước giao quyền cho các hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức chuyên môn đủ điều kiện thực hiện sát hạch, cấp và quản lý chứng chỉ. Kinh nghiệm từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Úc… cho thấy việc liên thông đào tạo và thi sát hạch là bắt buộc, có sự kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và ứng dụng công nghệ để đảm bảo minh bạch, công bằng”.
TS. Phương đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn đào tạo, ứng dụng công nghệ trong thi cử, gắn việc cấp phép hành nghề với quản lý sau cấp. Quan trọng hơn, nên trao quyền thi – sát hạch cho Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và các đơn vị đào tạo được cấp phép để tháo gỡ nút thắt hiện nay.