Đơn vị quản lý, vận hành nói gì về việc tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt lên gấp 10 lần?

(Banker.vn) Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sẽ tăng giá vé vào cổng tham quan ga Đà Lạt kể từ ngày 01/10/2024.
Lâm Đồng hướng về các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 Yagi gây ra Lâm Đồng: Ga Đà Lạt với kiến trúc, công năng đặc biệt, ngày càng hút khách Lâm Đồng: Dự án sách “Xứ sở lạ lùng” bay xa đến với độc giả muôn phương

Chiều ngày 11/9, thông tin từ Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị vừa có Văn bản số 481/TB-CNSG về việc thông báo tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt - Trại Mát.

Đơn vị quản lý, vận hành nói gì về việc tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt lên gấp 10 lần?
Phương tiện của khách du lịch đến tham quan tại ga Đà Lạt dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2024. Ảnh: Lê Sơn

Cụ thể, theo thông báo trên, kể từ ngày 01/10/2024, giá vé vào cổng tham quan ga Đà Lạt dành cho người từ 6 tuổi trở lên sẽ là 50.000 đồng/lượt. Đơn vị khai thác ga Đà Lạt sẽ miễn phí vé đối với trẻ em dưới 6 tuổi có người lớn đi cùng và người khuyết tật.

Theo Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, để huy động các nguồn lực nhằm bổ sung kinh phí để thực hiện duy tu, sửa chữa, tôn tạo nhà ga cho phù hợp với công trình kiến trúc cấp Quốc gia và nâng cao hình ảnh ga du lịch cũng như tăng thêm các tiện ích phục vụ du khách khi đến tham quan ga Đà Lạt. Do đó, đơn vị quản lý, vận hành ga Đà Lạt sẽ tăng giá vé từ 5.000 đồng/lượt hiện nay lên 50.000 đồng/lượt kể từ ngày 01/10/2024.

Đơn vị quản lý, vận hành nói gì về việc tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt lên gấp 10 lần?
Khách du lịch trải nghiệm chuyến tàu đêm tại ga Đà Lạt. Ảnh: Lê Sơn

Giá vé này chỉ áp dụng cho việc tham quan, vui chơi và sử dụng một số dịch vụ miễn phí trong khu di tích kiến trúc ga Đà Lạt, không bao gồm phí vận chuyển trải nghiệm tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. Trường hợp nếu khách mua vé trải nghiệm tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát thì sẽ được miễn vé vào cổng (đã bao gồm giá vé vào cổng).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, sau khi nhận được thông báo tăng giá vé vào cổng ga Đà Lạt của Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị đơn vị này nghiên cứu, xem xét lại việc tăng giá vé cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng tăng giá vé đột ngột ảnh hưởng đến quyền lợi du khách và hình ảnh của ga Đà Lạt.

Ga Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc di sản tiêu biểu, đang là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Đà Lạt.

Ga Đà Lạt là nhà ga xe lửa cao nhất Việt Nam, vì nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển. Trước đây, tuyến đường sắt được xây dựng để kết nối giữa thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Tháp Chàm) với thành phố cao nguyên Đà Lạt, trong đó, có đoạn đường sắt răng cưa dài 16km, vượt độ cao 1.000m của đèo Sông Pha với độ dốc trung bình 12%.

Năm 1972, tuyến đường sắt bị chiến tranh tàn phá và đến năm 2001, ga Đà Lạt được công nhận là ''Di tích lịch sử cấp Quốc gia''. Hiện tại, nhà ga duy trì 1 đoàn tàu có 1 đầu máy và 4 toa, đi từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát (cách trung tâm Đà Lạt 7 km). Khách du lịch đi trên cung đường này được thỏa thích ngắm nhìn, chiêm ngưỡng phong cảnh ngoại ô Đà Lạt, đầy thơ mộng và hữu tình.

Bên cạnh đó, ga Đà Lạt là nhà ga cổ độc nhất Đông Dương, được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revêron và được thi công, thầu khoán bởi một người Việt tên Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200.000 Francs. Công trình (dài 66,5m; ngang 11,4m; cao 11m) được khởi công xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1938.

Ga Đà Lạt cũng là nhà ga xe lửa đẹp nhất Việt Nam, với một công trình kiến trúc cổ kính đẹp bậc nhất, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương. Trải qua biết bao thăng trầm, kiến trúc, đặc sắc, hài hòa với thiên nhiên, nhà ga vẫn còn nguyên vẹn và là một hình ảnh tiêu biểu của TP. Đà Lạt ngày nay.

Điều đặc biệt và thú vị tiếp theo là ga Đà Lạt sử dụng đầu tàu hơi nước và hệ thống bánh răng duy nhất tại Việt Nam. Mỗi đầu máy hơi nước thường có 1 lái tàu, 2 nhân viên phụ trách tiếp nước, đốt than. Để vượt đèo, mỗi đầu máy có lắp hệ thống bánh răng, khi lên đèo, lái tàu sẽ điều khiển cho hệ thống này “ngoạm” chặt vào đường răng cưa nằm giữa 2 đường ray để leo lên dốc.

Đồng thời, đây cũng là nhà ga với biểu tượng độc đáo nhất Việt Nam, là nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo. Nơi đây đậm dấu ấn văn hóa bản địa với 3 chóp nhọn, cách điệu ba đỉnh núi của cao nguyên Langbiang hoặc là mái nhà rông đặc trưng Tây Nguyên tùy theo góc nhìn và sự liên tưởng của mỗi người.

Qua rất nhiều đổi thay, ga Đà Lạt vẫn tồn tại và lưu giữ nhiều ký ức một thời của thành phố. Không chỉ là điểm tham quan hấp dẫn du khách mà nó còn chứa đựng nhiều giá trị của Đà Lạt nói chung và con người nơi đây nói riêng.

Lê Sơn

Theo: Báo Công Thương