Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, doanh nghiệp gỗ đối mặt nhiều khó khăn

(Banker.vn) Khoảng 71% doanh nghiệp (DN) cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các DN, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN cho rằng nguồn thu của DN sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Tăng trưởng xuất khẩu thấp

Thông tin tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý III/2022, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) cho biết, giá trị xuất khẩu (XK) gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022 giá trị XK gỗ và lâm sản ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.

7 tháng đầu năm, gỗ và lâm sản XK sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường XK chính, tổng giá trị XK tại 5 thị trường ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90 % tổng giá trị XK của cả nước,

Theo đánh giá của TCLN, tăng trưởng XK 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó, nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh); các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh...

Theo Phó Tổng cục trưởng Bùi Chính Nghĩa, một số mặt hàng có tăng trưởng XK cao như dăm gỗ, tăng 29,8%; viên nén tăng 78% do nhu cầu thế giới tăng cao; giá XK các mặt hàng này cũng tăng cao, đạt trung bình 170 USD/tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, thị trường XK sang Hoa Kỳ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. XK sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trên 13%, do XK dăm gỗ và viên nén tăng.

Khảo sát nhanh đối với 52 DN mà Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) và nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends vừa tiến hành trong 2 tuần vừa qua cho thấy, trong 45 DN hiện XK đi Mỹ có 33 DN cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 DN cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).

Xu thế tương tự đối với thị trường EU khi trong số 38 DN tham gia thị trường này có tới 24 DN cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 DN cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 DN tham gia thị trường này thì 17 DN thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Đặc biệt, khoảng 71% DN cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các DN, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% DN cho rằng nguồn thu của DN sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

“Các con số nêu trên cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm…”- ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhận xét.

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn

Theo Chủ tịch Viforest, lạm phát tăng cao ở các thị trường Mỹ, châu Âu, Anh đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành gỗ.

“Ngành chế biến XK gỗ của Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Các thị trường chính XK của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành hiện nay…”, ông Lập nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Viforest, các DN hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cũng đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường...

Ông Võ Quang Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) cho biết, khảo sát nhanh cho thấy, trong tháng 7, giá các sản phẩm gỗ XK giảm 30%, cả thị trường nội địa cũng giảm, doanh thu của nhiều DN giảm một nửa, thậm chí một vài DN đóng cửa…. Cũng theo ông, khả năng tháng 8 còn tệ hơn…

Trước khó khăn này, đại diện Dowa kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, đồng thời thiết kế gói hỗ trợ DN….

“Các DN ngành gỗ rất mong ngành Ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp DN vượt qua khó khăn này…” ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cùng chung kiến nghị.

Thanh Thanh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục