"Dồn dập" thoái vốn, Pacific Holdings không còn là công ty mẹ của Vinaconex

(Banker.vn) Pacific Holdings vừa hạ tỷ lệ sở hữu từ 280 triệu đơn vị (tương ứng 52,4% vốn) xuống còn 241,2 triệu đơn vị (tương ứng 45,15% vốn) và không còn là công ty mẹ của Vinaconex.
Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings tổ chức có liên quan đến ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex (VCG) và Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông đã hoàn tất bán 39 triệu cổ phiếu VCG.

Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings tổ chức có liên quan đến ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex (VCG) và Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông đã hoàn tất bán 39 triệu cổ phiếu VCG.

Sau giao dịch, đơn vị này đã hạ tỷ lệ sở hữu từ 280 triệu đơn vị (tương ứng 52,4% vốn) xuống còn 241,2 triệu đơn vị (tương ứng 45,15% vốn) và không còn là công ty mẹ của Vinaconex. Thời gian thực hiện từ từ 6/8 đến 31/8.

Trên thị trường chứng khoán, tính trung bình thị giá VCG kể từ ngày 9/8 tới ngày 31/8 ghi nhận dừng ở mức 26.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tính theo mức giá trên, Pacific Holdings đã thu về khoảng 1.037 tỷ đồng sau giao dịch.

Theo tìm hiểu, năm 2018 là lần đầu tiên nhóm ông Nguyễn Xuân Đông và ông Đào Ngọc Thanh xuất hiện tại Vinaconex khi An Quý Hưng được cho là pháp nhân do 2 ông này làm cổ đông sáng lập, đã mua lại 254,9 triệu cổ phiếu VCG từ SCIC để trở thành cổ đông chi phối nắm khoảng 57,7% vốn điều lệ của Vinaconex.

An Quý Hưng đã mua với giá 28.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 36% so với giá khởi điểm của và 56% so với giá thị trường thời điểm 22/11/2018. Tổng giá trị An Quý Hưng mua là hơn 7.360 tỷ đồng.

Năm 2022, An Quý Hưng chuyển 277,8 triệu cổ phần VCG (sau đợt nhận chia thưởng bằng cổ phiếu hồi tháng 7/2021) cho Công ty CP Đầu tư Pacific Hodings nói trên. Đây là động thái chuyển quyền sở hữu chứng khoán để góp vốn bằng cổ phần vào doanh nghiệp.

Kể từ đầu năm nay Pacific Holdings đã liên tục thoái vốn khỏi Vinaconex. Tổng cộng số tiền thu về cho nhóm ông Đông và ông Thanh từ cổ tức và bán cổ phiếu tính đến nay là 2.034 tỷ đồng. Nếu tính thêm lần bán cổ phiếu vừa rồi số tiền này đã tăng thêm khoảng 3.100 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, Vinaconex liên tục chi tiền mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể: vào ngày 4/8, Vinaconex đã mua lại toàn bộ 120 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGH2126006 và 80 tỷ đồng trong số 220 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã VCGG2126007.

Hai mã VCGH2126006 và VCGH2126007 đều được phát hành vào ngày 15/6/2021, có thời hạn lần lượt là 60 tháng và 66 tháng. Các lô trái phiếu được Vinaconex phát hành để tham gia hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) phát triển dự án Cát Bà Amatina. Các tài sản liên quan tới dự án này cũng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trên.

Đây là lần thứ 4 trong tháng 8 VCG tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn. Nếu tính rộng ra từ tháng 4/2023 đến nay, Vinaconex có 11 lần thực hiện điều này với tổng giá trị là 1.400 tỷ đồng. Gần nhất là vào ngày 1/8 vừa qua, Vinaconex đã mua lại 200 tỷ đồng của các mã VCGH2125005 và VCGH2126006.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, doanh thu Vinaconex đạt 4.566 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 122% và cao hơn mức tăng doanh thu, các khoản chi phí phí khác đều tăng như chi phí tài chính tăng 24% đạt 245 tỷ đồng; riêng chi phí lãi vay là 213 tỷ đồng, tăng 10%; ngoài ra, chi phí bán hàng tăng gần 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 104 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2023 Vinaconex đạt 130,3 tỷ đồng, giảm 41,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận hợp nhất quý II/2023 của Công ty giảm là do giá vốn của hoạt động kinh doanh cùng với chi phí hoạt động tài chính đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex đạt 6.532 tỷ đồng doanh thu, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 139,2 tỷ đồng, giảm 81%.

Trong đó, cơ cấu doanh thu 6 tháng của Vinaconex chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp với 3.922 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh bất động sản đóng góp 1.659 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp là 337 tỷ đồng, kinh doanh giáo dục là 126 tỷ đồng, các khoản còn lại là 487 tỷ đồng.

Năm 2023, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8%. Với kết quả 6 tháng, Vinaconex đã hoàn thành 42% kế hoạch về tổng doanh thu và 15,3% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế cả năm.

Tính đến ngày 30/6/2023, Vinaconex có tổng tài sản đạt hơn 31.409 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so đầu năm. Trong đó, Vinaconex nắm giữ gần 1.274 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 26%. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 1.928 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó 67 tỷ đồng là khoản đầu tư trái phiếu.

Cổ đông lớn nhất của Vinaconex bán tiếp 19,6 triệu cổ phiếu VCG, dự thu 418 tỷ đồng

Nếu bán thành công, cổ đông lớn này sẽ giảm sở hữu tại VCG xuống còn 253,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 52,1% ...

77 mã cổ phiếu bị cắt margin trên HNX trong quý 2

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin) ...

Cổ đông chi phối Vinaconex bán không trọn lô cổ phiếu VCG đã đăng ký

Pacific Holdings trở thành cổ đông chi phối của VCG sau khi mua lại 277,8 triệu cổ phiếu, tương đương 62,9% vốn, từ Công ty ...

Tiểu Vy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán