Đối thoại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên mong mỏi được tăng lương

(Banker.vn) Đối thoại với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều giáo viên cho rằng, hiện thu nhập của họ còn quá thấp, dẫn đến thực trạng giáo viên muốn và đã bỏ nghề.
Giáo viên gửi hơn 6.200 ý kiến đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lo ‘sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng’ khi đối thoại

Lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống

Sáng nay 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Bày tỏ tâm tư tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận: Ngành giáo dục và đào tạo của chúng ta đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể. Bộ trưởng cho biết, việc quyết định tổ chức buổi gặp này để lắng nghe tâm tư, chia sẻ cùng thầy cô. Đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi để gần gũi và thấu hiểu nhau hơn. Một số ý kiến quan tâm đến tiền lương sau khi hoàn thành đào tạo trình độ đại học, xếp lương theo vị trí việc làm...

Tại buổi gặp gỡ, một trong những vấn đề "nóng" được nhiều giáo viên đề cập là lương. Các ý kiến cho rằng, hiện nay mức lương của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân. Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống cũng là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên muốn bỏ nghề và đã bỏ nghề rẽ sang hướng khác.

Đối thoại với Bộ trưởng Giáo và Giáo dục, giáo viên mầm non “than” lương quá thấp
Các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ

Theo một số giáo viên, thời gian qua, do vừa trải qua Covid-19 và tình hình kinh tế khó khăn, cùng với đó, giá cả nông sản, tiền điện, tiền nước tăng khiến cuộc sống của giáo viên vùng cao gặp một số khó khăn về thu nhập trang trải cuộc sống.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, thầy Đinh Văn Hải, giáo viên mầm non xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho hay: Lương giáo viên bây giờ chưa đáp ứng được chi tiêu trong cuộc sống. Thời gian giảng dạy nhiều, nên không có cơ hội làm thêm việc khác để tăng thu nhập. "Tôi mong muốn Bộ trưởng kiến nghị xem xét tăng lương cho giáo viên", thầy Đinh Văn Hải nói.

Còn cô Mùi Thị Ban, giáo viên mầm non thị trấn Bắc Yên, Sơn La bày tỏ: "Hiện, giáo viên chúng tôi lương không đủ sống, muốn làm gì thêm cũng không có thời gian. Tăng lương, ngành nghề nào cũng muốn nhưng do ngân sách Nhà nước có hạn nên còn chưa giải quyết được. Tôi kiến nghị, nên có cơ chế và giãn thời gian giảng dạy trên trường học, để tạo điều kiện cho giáo viên làm thêm tăng thu nhập".

Không chỉ Sơn La, nhiều giáo viên tại Hoà Bình cũng bày tỏ những trăn trở tương tự. Những năm qua, các trường học thuộc vùng nông thôn của tỉnh Hoà Bình gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy, do địa bàn có địa hình đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn. Cùng với đó, chính sách tiền lương và trợ cấp còn thấp nên không đáp ứng được chi phí sinh hoạt cuộc sống.

Cô Vì Thu Trang, giáo viên tiểu học - THCS xã Pà Cò, Mai Châu, Hoà Bình - mong muốn: "Từ khi đến công tác tại trường, tôi phải di chuyển quãng đường dài đến giảng dạy cho các em ở đây. Đường đi lại xa, nên tôi phải ăn ngủ tại trường. Tôi rất yêu nghề dạy học, tuy nhiên lương và trợ cấp chưa cao. Nếu có thể nhà nước có thể mở cơ chế và cho giáo viên chúng tôi dạy thêm thì cực kỳ tốt. Qua đó, có thể giúp giáo viên chúng tôi có thêm thu nhập".

Theo cô Nguyễn Thị Hoà - giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học - THCS TP. Hòa Bình, lương giáo viên hiện nay thấp, nếu chưa có chế tăng lương thì nên tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm. Hiện, có một số trung tâm Anh ngữ ở thành phố cần giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy. Nếu có cơ chế thuận lợi, sẽ giúp chúng tôi tăng nguồn thu để ổn định kinh tế gia đình.

Tháo gỡ chính sách để nhà giáo yên tâm bám trường, bám lớp

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng giáo viên nghỉ thôi việc tăng nhanh. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một phần là do thu nhập của giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống. Nhiều thầy cô cho rằng, giáo viên đang quá tải thời gian làm việc, trong khi yêu cầu công việc cao và áp lực dư luận xã hội và phụ huynh rất lớn…Vì thế nhiều thầy cô không đủ bản lĩnh để gắn bó với nghề.

Bên cạnh mức lương thấp, áp lực, quá tải trong công việc cũng được các giáo viên nêu rõ. Cô Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên mầm non ở tỉnh Điện Biên, cho hay: "Theo quy định là 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế chúng tôi đang phải làm việc 10 tiếng/ngày. Tôi tin rằng ai đó chỉ cần trải nghiệm một ngày làm giáo viên mầm non sẽ hiểu được áp lực nặng nề của chúng tôi.

Cô Lê Thị Tuyết Hường cũng nói đến những khó khăn khi đi dạy tại các điểm trường lẻ, nhiều điểm trường ở rất xa trung tâm tuy nhiên chưa có kinh phí hỗ trợ việc đi lại.

Bên cạnh đó, hiện nay tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng đang được xác định như những ngành nghề khác. “Chúng tôi thấy độ tuổi nghỉ hưu trên 50 tuổi của giáo viên mầm non là không phù hợp cần được xem xét”, cô Lê Thị Tuyết Hường nói.

Cùng tâm tư, cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên mầm non ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho rằng, giáo viên mầm non hiện nay gần như phải làm gấp đôi so với quy định 40 tiếng/tuần, từ sáng 6h30 tới 17h, thậm chí đến 18h. Trung bình mỗi ngày, giáo viên mầm non làm việc từ 10 - 12 tiếng, về đến nhà gần như kiệt sức.

Mặt khác, công việc của họ mang tính chất đặc thù, vừa nuôi vừa dạy, đồng thời là người phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ...

Đối thoại với Bộ trưởng Giáo và Giáo dục, giáo viên mầm non “than” lương quá thấp
Các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ

Giáo viên phải đóng nhiều vai như chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý… Ngoài ra, vị trí việc làm của giáo viên mầm non cũng gặp nhiều nguy cơ và rủi ro. Không ít trường hợp phụ huynh nóng tính, có những hành động gây xúc phạm thể chất và tinh thần đối với giáo viên

Dù vất vả, áp lực nhưng mức ưu đãi theo nghề hiện nay thấp so với công sức các thầy cô bỏ ra – chỉ 35%. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua, có rất nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.

Từ những khó khăn đang đặt ra đối với ngành giáo dục nói chung và với lực lượng giáo viên nói riêng, cô Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) - trăn trở, mong mỏi lớn nhất của thầy cô là được Bộ trưởng tháo gỡ về chế độ chính sách như chính sách tiền lương, hưởng lương theo bằng cấp; có cơ chế để giáo viên có thể được làm thêm bằng chính nghề của mình.

Bên cạnh đó, khi nhận thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ xây dựng Luật Nhà giáo, thầy cô cho rằng đây là một tin vui. Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với đội ngũ nhà giáo.

Luật Nhà giáo được thông qua với 5 chính sách quan trọng sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.

Cô Lương Thị Thuận Ánh - nhân viên thư viện Trường THCS thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) gửi những kiến nghị đến Bộ trưởng. Trước hết, xin chia sẻ những thuận lợi về chủ trương, định hướng, chính sách đúng đắn của ngành đối với đội ngũ đó là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của ngành về mọi mặt.

Về khó khăn như khó khăn, bất cập ở vị trí công tác, đơn vị, thực tế địa phương như sau: Đối với nhân viên, hiện tại chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp (ví dụ: đối với nhân viên thư viện được hưởng phụ cấp độc hại là 0.2 so với mức lương cơ bản), không được hưởng phụ cấp thâm niên nên hầu hết chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Do đó, dẫn đến nhiều cán bộ, nhân viên giảm tâm huyết gắn bó với nghề để tìm nguồn mưu sinh ở những lĩnh vực khác. Minh chứng là, việc tuyển viên chức ngành giáo dục hàng năm cho các vị trí thư viện, văn thư, thiết bị có rất ít hồ sơ đăng ký dự tuyển và hiện tại các vị trí này ở một số trường vẫn còn thiếu nhân viên chuyên trách.

Trước những thuận lợi, khó khăn hiện hữu, đề nghị nhà nước tiếp tục quan tâm, có chính sách lương hợp lý để đội ngũ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống..

Đối thoại với Bộ trưởng Giáo và Giáo dục, giáo viên mầm non “than” lương quá thấp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ

Thấu hiểu những khó khăn vất vả của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, ngoài công việc chuyên môn thường xuyên, giáo viên chịu nhiều áp lực. Giáo viên mầm non phải làm nhiều vai: Từ nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến giáo dục…

Một trẻ mầm non đến lớp, cả nhà cùng quan tâm. Sự quan tâm của phụ huynh, xã hội đôi khi cũng trở thành áp lực cho giáo viên.

Chia sẻ với vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên, Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo có nêu: tiền lương giáo viên phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Mong muốn của chúng ta là vậy, nhưng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm và cần thuyết phục các bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Trách nhiệm của chúng ta là thuyết phục và rất cần sự đóng góp của xã hội.

Về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng nhấn mạnh, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên và cơ sở vật chất là hai nhân tố quan trọng.

Theo Bộ trưởng, nhiều địa phương thực hiện tốt việc này, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh dạy – học. Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học. Việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn. Mong rằng, lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp.

Bộ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục, trường học khai thác thật tốt những thiết bị đã có và đang có để phục tốt việc dạy - học của thầy – trò, nhất là với những giờ thực hành. Không để thiết bị trong kho và không được ra đến lớp. Để giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm bám trường, bám lớp, thì cần xây thêm nhà công vụ cho giáo viên ở những địa phương này.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương