Đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ công chức, viên chức ngành Công Thương

(Banker.vn) Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và nền kinh tế số, công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ ngành Công Thương cũng đòi hỏi cũng phải được đổi mới.
Đào tạo cán bộ quản lý, kiểm toán viên năng lượng: Định hướng học tập suốt đời Đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế: Từng bước chuẩn hóa

Thời gian qua, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương (VITIS) đã phát huy vai trò là cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ ngành Công Thương. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng VITIS.

Với vai trò cơ sở giáo dục đào tạo chính của Bộ Công Thương, thời gian qua, VITIS đã triển khai các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho bộ, ngành như thế nào, thưa bà?

Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, VITIS có chức năng đào tạo trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, pháp luật, hành chính nhà nước và kỹ năng nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ quản lý doanh nghiệp ngành Công Thương... Thời gian vừa qua, VITIS luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao và sự quan tâm của Bộ Công Thương trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ công chức, viên chức ngành Công Thương
Bà Lê Hải An chia sẻ thông tin về công tác đào tạo cán bộ ngành công thương nhằm đáp ứng tình hình mới. Ảnh: Cấn Dũng

Cụ thể, về bồi dưỡng chính trị, từ năm 2020 đến nay, nhà trường đã tổ chức hơn 20 lớp bồi dưỡng chính trị và trung cấp chính trị với hơn 1.200 lượt học viên. Các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn bao gồm bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng kiến thức quản lý cấp phòng, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước các ngạch kiểm soát viên, kiểm soát viên chính quản lý thị trường (QLTT), bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí việc làm cho công chức QLTT; bồi dưỡng theo chuyên đề…

Đối với các chương trình bồi dưỡng cho Tổng cục QLTT, tính từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã thực hiện bồi dưỡng cho hơn 4.200 lượt công chức lực lượng QLTT. Trong đó, đáng chú ý là các chương trình bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, từ kiến thức cơ bản mang tính chất phổ biến và cập nhật cho cán bộ, công chức chung đến kiến thức chuyên sâu để bồi dưỡng theo vị trí việc làm và hiện nay là hướng tới đào tạo xây dựng nguồn chuyên gia công tác trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.

Từ năm 2020 đến nay, VITIS đã tổ chức 61 lớp với 9.041 công chức được bồi dưỡng. Ngoài các chương trình kể trên, trong 3 năm gần đây, nhà trường thực hiện các nhiệm vụ, đề án trọng điểm, quốc gia, cấp bộ…, hướng tới bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp… với nhiều nội dung như: Xúc tiến thương mại, công nghiệp hỗ trợ, logistics, kỹ năng bán hàng Việt… với tổng số lớp lên tới hàng trăm và hàng nghìn học viên thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng.

Việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ đã được nhà trường đổi mới như thế nào để đạt được hiệu quả đề ra, thưa bà?

Trong những năm qua, VITIS luôn quan tâm tới vấn đề xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương.

Theo đó, nhà trường luôn định hướng việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với vị trí việc làm của công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị trong ngành Công Thương. Ngay từ khi lập kế hoạch về xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã triển khai lấy phiếu khảo sát nhằm đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Đối tượng khảo sát là các công chức, viên chức, người lao động trong ngành Công Thương có tham gia học tập tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Kết quả khảo sát sẽ được nhà trường tổng hợp, lập báo cáo đánh giá để làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu học tập và công tác của công chức, viên chức và người lao động trong ngành Công Thương.

Trong các chương trình bồi dưỡng được nhà trường xây dựng và thực hiện những năm gần đây, nhà trường đã quy định rất chi tiết về những yêu cầu đặt ra đối với giảng viên giảng dạy chương trình đó. Chính vì thế, các chương trình bồi dưỡng khi áp dụng trên thực tiễn đều mang lại những kết quả khả quan, được người học đánh giá cao…

Thưa bà, từ kinh nghiệm thực tế, nhà trường có những khó khăn gì trong công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức?

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa kinh tế ngày càng sâu, rộng, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, công chức phải nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức. Như vậy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu lực, hiệu quả hoạt động công chức, viên chức vì thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng hoạt động công vụ và các chính sách được ban hành bởi đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao.

Hiện nay, đào tạo, bồi dưỡng theo năng lực, theo vị trí việc làm là xu hướng mới trong đào tạo, bồi dưỡng, đặt trọng tâm vào năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, nhấn mạnh đến những năng lực cần thiết mà những đối tượng này phải có nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể từng vị trí việc làm của công việc. Để bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi người lao động, cán bộ, công chức cần phải liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng, đổi mới phương pháp làm việc. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua hoạt động bồi dưỡng, đặc biệt là bồi dưỡng thường xuyên, theo vị trí việc làm.

Đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ công chức, viên chức ngành Công Thương
Công tác đào tạo cán bộ ngành Công Thương ngày càng được chuẩn hóa theo từng vị trí việc làm. Ảnh: Phương Mai

Với quy định ngoài việc tham gia các khóa đào tạo chính trị, ngạch, bậc, kỹ năng lãnh đạo quản lý, hàng năm, phải tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm tối thiểu 1 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 4 tuần (160 tiết)/năm. Nghị định quy định về thời gian bồi dưỡng nhưng làm thế nào để xây dựng và tổ chức được các nội dung bồi dưỡng đáp ứng được từng vị trí việc làm và phù hợp với từng giai đoạn là một thách thức cho các đơn vị đào tạo.

Để tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, hàng năm, theo vị trí việc làm, cần phải có một lượng ngân sách nhất định, đó cũng là "bài toán" khó trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, nhận thức về sự cần thiết đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức ở một số công chức, viên chức hay các nhà quản lý chưa cao. Vì vậy, có đôi khi, việc đăng ký để tham gia các lớp không đầy đủ, dẫn đến tổ chức lớp không đúng kế hoạch như mong đợi.

Ngoài ra, công tác gắn đánh giá thời gian, hiệu quả học tập với đánh giá cán bộ chưa được quy chế hóa, dẫn đến việc một số công chức, viên chức chưa xác định kế hoạch cũng như nhiệm vụ học tập nâng cao kỹ năng, năng lực bản thân là một trong những nhiệm vụ bắt buộc.

Bà có khuyến nghị gì để tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương?

Theo tôi, cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho từng giai đoạn và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Với cơ sở đào tạo, cần phải đổi mới tư quy trình tổ chức đào tạo, từ khâu khảo sát nhu cầu đến nội dung, phương pháp bồi dưỡng, công tác quản lý, đánh giá và công tác phối hợp với đơn vị cử cán bộ đi học. Linh hoạt và cập nhật chương trình, kiến thức đáp ứng với yêu cầu của người học. Bên cạnh đó, kết nối và xây dựng mạng lưới chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để tham vấn cho nhà trường về công tác bồi dưỡng cũng như tham gia trong quá trình tổ chức đào tạo như giảng dạy, xây dựng nội dung, chương trình...

Về các đơn vị quản lý cán bộ, cần xây dựng vị trí việc làm và tiêu chuẩn để phối hợp với nhà trường trong việc xây dựng nội dung đào tạo phù hợp; tổ chức quản lý, đánh giá cán bộ trước và sau đào tạo. Đối với cơ quan quản lý cấp trên, cần có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn cán bộ, quy hoạch phát triển cán bộ trong từng giai đoạn và bố trí ngân sách cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và công tác khảo sát, hoạch định; xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cho nguồn nhân lực trong từng giai đoạn. Tăng cường tỷ lệ ngân sách cho công tác xây dựng chương, biên soạn tài liệu theo vị trí việc làm.

Xin cám ơn bà!

Thu Hường - Đình Dũng

Theo: Báo Công Thương