Đổi mới cơ chế quản lý: Ưu tiên hàng đầu

(Banker.vn) Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao tiềm lực, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ thời gian tới.

Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao tiềm lực, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp… là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ thời gian tới.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được ban hành ngày 11/5/2022 với mục tiêu đến năm 2030, khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đổi mới cơ chế quản lý: Ưu tiên hàng đầu
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Cùng với đó, tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thu hút nguồn lực; phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế.

Về phía Bộ Công Thương, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cho hay, để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, trong giai đoạn tới, các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Theo đó, hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính sau: Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành, bao gồm: Chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại; cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa; khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu; công nghiệp năng lượng; công nghiệp nhẹ; công nghệ sinh học và công nghiệp môi trường.

Mặt khác, hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin khoa học và công nghệ; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tập trung rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương.

Song song với đó, một số chương trình/đề án khoa học và công nghệ trọng điểm sẽ được triển khai, cụ thể: Các chương trình, đề án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2030: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao…

Ngoài ra, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, công nghiệp dệt may, da - giày, trong đó ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Việc tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương