Trong gần hai tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10/2023, sắc đỏ tiếp tục bao trùm lên nhóm cổ phiếu “vua” khi có tới 24/27 mã giảm giá. Trong đó, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân đứng đầu danh sách giảm giá sâu nhất, với mức giảm 9,8%, xuống còn 12.000 đồng/cp (tính đến thời điểm 14h30 phiên ngày 13/10).
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác có mức điều chỉnh giá tương đối lớn như cổ phiếu ABB (của ABBank), cổ phiếu TPB (của TPBank), cổ phiếu EIB (của Eximbank) đã giảm trên 5% trong những ngày đầu tháng mười này.
Ngay cả cổ phiếu của các ngân hàng có vốn hóa lớn như cổ phiếu BID (của BIDV), cổ phiếu TCB (của Techcombank), cổ phiếu CTG (của VietinBank) cũng có mức giảm từ 4,5 - 5%.
Hình minh họa |
Theo giới phân tích tài chính, sở dĩ nhóm cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thời gian gần đây là do kết quả kinh doanh quý III/2023 kém khởi sắc, khi tăng trưởng tín dụng khá chậm, do sức hấp thụ vốn yếu.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, song hoạt động cho vay đã từng bước được cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, dù cầu vốn doanh nghiệp chưa tăng cao.
Kết quả kinh doanh quý III/2023 của các ngân hàng đang là thông tin được nhà đầu tư quan tâm. Dự kiến trong vài tuần tới, các ngân hàng sẽ lần lượt công bố báo cáo tài chính. Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10-12%, trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ giảm tốc so với năm 2022, do hoạt động cho vay khó tăng trưởng và nguồn thu phi tín dụng (trong đó phải kể đến nguồn thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm) sụt giảm.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2023 do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong quý III/2023 chưa có sự cải thiện như kỳ vọng. 66,7-72,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV và cả năm 2023 (thấp hơn tỷ lệ 70,3-74,8% của kỳ trước). Đồng thời, số tổ chức tín dụng lo ngại tình hình kinh doanh “suy giảm” cũng tăng lên.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực ngân hàng vẫn nổi trội hơn so với các lĩnh vực, ngành nghề khác, nhưng đó mới là “bề nổi giữa tảng băng chìm”. Do đó, trước ý kiến cho rằng, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện khá thấp và phù hợp để mua, TS. Huân cho rằng, hiện định giá cổ phiếu ngân hàng không hẳn thấp.
Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây. Theo TS. Huân “Giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay phản ánh khó khăn thực tại của ngành”, trước bối cảnh thị trường có khó khăn, thu nhập của ngân hàng giảm, không chỉ tín dụng khó tăng, mà thu ngoài lãi giảm, nhất là đối với mảng bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp.
Năm nay, nếu nhà băng nào vẫn đảm bảo được mức tăng trưởng lợi nhuận cao, thì chỉ có thể đem “của để dành” ra sử dụng, tức hoàn nhập dự phòng..., nhưng nội tại có khó khăn thực sự. Trong đó, chất lượng tài sản của ngân hàng - được cho là yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng để rót vốn, đang đi xuống, do thị trường bất động sản khó khăn, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp yếu, nhưng hy vọng sẽ cải thiện khi kinh tế dần hồi phục.
Theo ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, lĩnh vực ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tín dụng tăng trưởng chậm và nợ xấu phình to. Tuy nhiên, các giải pháp gần đây của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Mặt khác, các ngân hàng Việt đã chủ động hơn trong kiểm soát rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu và làm dày “bộ đệm” vốn để ứng phó tốt hơn với những cú sốc của nền kinh tế. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đến tháng 7/2023 vẫn duy trì ở mức cao 11,58% (giảm nhẹ so với mức 11,72% cuối năm 2022).
Cùng với đó, kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) dự kiến vẫn tích cực hơn các nhóm ngành khác trong năm nay và năm sau, với lợi nhuận trước thuế ước tính tăng trưởng lần lượt 8% so với cùng kỳ và 17% so với cùng kỳ năm trước.
“P/B so sánh giá cổ phiếu trên thị trường với giá trị sổ sách của doanh nghiệp cho năm 2024 của nhóm ngân hàng sẽ về mức hấp dẫn 1.5x-1.6x, thấp hơn từ 15-25% so với mức định giá P/B trung bình 5 năm trở lại đây. Do đó, chúng tôi cho rằng, cơ hội đầu tư ở cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng”, ông Yang cho biết.
Theo dự báo của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong quý III/2023, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng niêm yết dự kiến có sự phân hóa mạnh. Một số như Sacombank, VietinBank, Vietcombank, MB hay ACB có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên tới hai con số.
Trong khi đó, một số ngân hàng như VIB, Techcombank, BIDV, MSB hay VPBank, TPBank có thể chứng kiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận của VPBank và TPBank được dự báo sẽ giảm hơn 20% do vấn đề chất lượng tài sản và biên lãi thuần (NIM) phục hồi chậm.
Theo SSI Research, so với những lĩnh vực khác, ngành ngân hàng vẫn được đánh giá có triển vọng tốt hơn.
Lộ diện 5 thành viên Hội đồng quản trị mới của Ngân hàng PGBank Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường 2023, Ngân hàng PGBank trình tới đại hội đồng cổ đông nhiều vấn ... |
Ba ngân hàng BIDV, VietinBank và VPBank chuẩn bị trả cổ tức, có cả cổ tức bằng tiền mặt Trong những tháng cuối năm 2023, ba ngân hàng lớn gồm BIDV, VietinBank và VPBank đều có kế hoạch trả cổ tức. Là ngân hàng ... |
Hải Chi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|