Độc đáo tục ăn "Tết lại" ở ngoại thành Hà Nội

(Banker.vn) Hàng năm, sau 3 ngày Tết Nguyên đán, người dân nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội còn tổ chức ngày ăn "Tết lại" - một phong tục văn hóa độc đáo, đặc sắc…
Hà Nội: Tôn vinh 42 nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ Nhâm nhi ‘một nét văn hoá Hà Nội’ Hà Nội: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa

Như một tục lệ "bất thành văn", sau khi hết 3 ngày Tết Nguyên đán, người dân tại một số xã ngoại thành Hà Nội tất bật chuẩn bị ăn... "Tết lại". Tùy theo từng làng, từng thôn mà tục ăn "Tết lại" được tổ chức khác nhau nhưng tất cả đều làm toát lên một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, độc đáo ở nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội…

Ảnh VOV
Tục lệ ăn "Tết lại" diễn ra ở nhiều làng quê vùng ngoại thành Hà Nội. Ảnh VOV

Đây là thời điểm để tất cả mọi người dân địa phương dù xa hay gần đều trở về để cùng nhau đón mừng năm mới, tưởng nhớ công ơn xây dựng, bảo vệ đất nước của ông cha.

Trước kia, tục lệ ăn "Tết lại" diễn ra ở nhiều làng quê vùng ngoại thành Hà Nội như: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai... nhưng đến nay, chỉ còn một số xã còn tồn tại tục lệ độc đáo này.

Tại huyện Sóc Sơn, "Tết lại" không được tổ chức cùng ngày, mỗi thôn tại các xã của Sóc Sơn có ngày ăn "Tết lại" khác nhau. Thôn Đồng Giành (xã Đông Xuân) ngày mùng 4, thôn Kim Trung (xã Kim Lũ) ngày mùng 5, thôn Lai Sơn (xã Bắc Sơn) ngày mùng 8, thôn Đức Hòa (xã Đức Hòa), thôn Tiên Chu, Lam Lý, Lương Đình (xã Bắc Sơn) ngày mùng 10 hay thôn Xuân Kỳ (xã Đồng Xuân) ngày 22 âm lịch. Cứ như vậy, thôn này qua thôn kia cùng ăn Tết, rải rác khắp tháng Giêng.

Theo lời kể của người dân trong thôn trước nay vẫn truyền miệng: "Tết lại" bắt nguồn từ sự kiện Vua Quang Trung dẹp giặc Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Việc phải hành quân đánh giặc đúng dịp Tết khiến người dân phải đi sơ tán và các binh sĩ không được hưởng một cái Tết trọn vẹn. Vì vậy, vua Quang Trung đã tổ chức cho binh sĩ ăn Tết vào ngày 30 tháng Chạp (25/1/1789), và ngay sau khi giải phóng thành Thăng Long, người dân ổn định lại cuộc sống, vua Quang Trung đã cho binh sĩ và nhân dân ăn "Tết lại" để có một cái Tết trọn vẹn.

Ngoài ra, cũng có người kể rằng, phong tục ăn "Tết lại" là trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem đi được rất ít thức ăn, còn phần lớn bánh chưng phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp Vua Quang Trung đánh tan giặc Thanh, giải phóng kinh đô Thăng Long, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà. Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên ăn "Tết lại". Nếu không thì gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng Giêng, có khi tới tận cuối tháng Giêng, gọi là tục "ăn Tết lại".

Theo người dân, tục ăn Tết lại rất có ý nghĩa về mặt tình cảm, bởi đó là lúc mà họ được mời anh em, họ hàng ở khắp nơi về chơi. Tết lại chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng người dân vẫn gói bánh chưng, làm giò bó, chuẩn bị nhiều món ăn để mời mọc bạn bè, anh em.

Cũng tổ chức đón "Tết lại", song người dân làng giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) chỉ tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng.

Theo những bậc cao niên trong làng cho biết, “Tục lệ ăn “Tết bù” đã có ở Ước Lễ từ nhiều đời nay là do làng có nghề làm giò chả. Bởi thế, khi cả nước tưng bừng đón Tết dân tộc thì người dân làng Ước Lễ bước vào thời điểm bận nhất của nghề, không có thời gian mua sắm hay chúc nhau ngày Tết. Khi hết Tết Nguyên đán, nhịp sống trở lại bình thường, dân làng Ước Lễ mới chính thức đón Tết “bù” hay dân làng vẫn gọi vui với nhau là ăn Tết lại.

Điểm đặc biệt trong dịp "Tết bù" của người làng Ước Lễ là sau khi thắp hương tổ tiên, dâng lễ thần hoàng làng tại đình cổ, người ta sẽ đi tảo mộ ở nghĩa trang làng ngay trong ngày và thưởng thức mâm cỗ gia đình với một món ăn không thể thiếu đó chính là thịt chó. Vào những ngày này, trên mâm cỗ của mỗi hộ gia đình tại Ước Lễ phải có thịt chó ăn kèm với lá mơ mới được coi là "ăn Tết" trọn vẹn.

Không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng ở một số địa phương, Tết lại vẫn là một phong tục không thể thiếu, là món ăn tinh thần và là một nét đẹp văn hóa, truyền thống. Đâu đó vẫn còn những con người vì nét văn hóa, vì giá trị cội nguồn mà sắn tay gìn giữ, bảo vệ và tái hiện lại vẻ đẹp hồn hậu của làng quê.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương