Độc đáo, thú vị cuộc thi “thả thơ” 40 năm trước ở thành phố hoa phượng đỏ

(Banker.vn) Cách đây 40 năm, ở TP. Hải Phòng và những nơi có người Hải Phòng sinh sống đều sôi nổi bàn tán về cuộc thi “thả thơ” theo gợi ý của nhà thơ Tố Hữu.
Triển lãm thơ “Còn hôm nay, ta còn mãi mãi” Nhớ lại lời thơ Bác Hồ chúc Tết năm Thìn

Cách đây 40 năm, ở TP. Hải Phòng và những nơi có người Hải Phòng, người yêu Hải Phòng sinh sống đều sôi nổi bàn tán về cuộc thi “thả thơ” theo gợi ý của nhà thơ Tố Hữu, lúc bấy giờ là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức vụ tương đương như Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay).

Vào năm 1984, tôi cùng gần 500 chiến sĩ quê Hải Phòng ở Sư đoàn 344 (Binh đoàn 12) đóng quân tại tỉnh biên giới Hoàng Liên Sơn (nay là 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái) và Hà Giang gần như cùng một lúc nhận được thư từ quê nhà báo tin và mời tham dự cuộc thi “thả thơ” do TP. Hải Phòng phát động.

Độc đáo, thú vị cuộc thi “thả thơ” 40 năm trước

Phối cảnh cầu Nguyễn Trãi có kiến trúc độc đảo ở Hải Phòng sẽ được khởi công trong năm 2024. Ảnh: Phượng Vĩ

Theo thư từ quê nhà và Báo Hải Phòng gửi kèm, chúng tôi được biết, tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng huyện toàn quốc, nhà thơ Tố Hữu (hồi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã gặp đồng chí Đoàn Duy Thành, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng lúc đó đề nghị: “Mình có một bài thơ mang tên “Mừng Hải Phòng” làm để cổ vũ những thành tích và cố gắng của thành phố Hải Phòng. Nhưng bài thơ mới chỉ có 3 câu thôi, nội dung thế này: “Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô/Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ/Làm ăn hai chữ, à ra thế...”, còn thiếu một câu nữa mới thành một bài thơ tứ tuyệt. Các đồng chí về phát động toàn Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng làm tiếp câu thứ tư nhé”!

Đọc 3 câu của nhà thơ Tố Hữu, chúng tôi vô cùng thán phục bởi ông đã khái quát hóa cả một bức tranh sinh động về Hải Phòng lúc đó. Bốn cống ở Hải Phòng vừa được xây dựng hồi ấy là: Cống Thượng Đồng (huyện Vĩnh Bảo), cống Trung Trang (huyện An Lão), cống Rỗ (huyện Tiên Lãng) và cống Cái Tắt (huyện An Dương) phục vụ “thau chua, rửa mặn” và tưới, tiêu cho các cánh đồng ngoại thành. Ba cầu hoành tráng mới được hoàn thành ở ngay sát nội thành là cầu Niệm (trên đường đi Kiến An, Vĩnh Bảo, Thái Bình), cầu Rào (trên đường ra Đồ Sơn) và cầu An Dương (trên đường về Hà Nội).

Trước đó, Hải Phòng mới có bốn cửa ô đi các hướng Hà Nội, Quảng Ninh, Đồ Sơn và Kiến An. Khi cầu An Dương khánh thành, Hải Phòng có thêm một cửa ô ở phía tây nam đi Hải Dương, Hà Nội. Hải Phòng ngày ấy còn là đại công trường của “đào kênh, lấn biển” với sự góp sức của lực lượng vũ trang Quân khu 3.

Hồi ấy, Hải Phòng là “điểm sáng” về làm ăn kinh tế được dư luận cả nước quan tâm. Ngay từ tháng 8/1980, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ra Nghị quyết 24 về khoán trong nông nghiệp đã tạo ra sự bứt phá về năng suất và sản lượng lúa. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện khoán theo Nghị quyết 24, năng suất lúa trung bình của thành phố từ 3,5 tấn/ha đã tăng lên 5 tấn/ha. Những năm sau đó, nông nghiệp Hải Phòng phát triển rất nhanh. Lương thực coi như đã tự túc được cho cả phi nông nghiệp. Không còn tình trạng hằng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì. Hàng trăm đoàn của Trung ương và các địa phương trong cả nước kéo nhau về Hải Phòng để tham quan, học hỏi. Từ Hải Phòng và Vĩnh Phúc, Trung ương đã nghiên cứu thành mô hình “khoán 100” rồi “khoán 10”, tạo ra sự đột phá căn bản trong nông nghiệp cả nước.

Sau khi nhận được “đề thi” của nhà thơ Tố Hữu, Bí thư Thành uỷ Đoàn Duy Thành rất phấn khởi giao cho Báo Hải Phòng tổ chức thi “thả thơ”. Tổng biên tập Báo Hải Phòng hồi đó là nhà báo Vũ Long nhớ lại: Trong cuộc đời làm báo mấy chục năm, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc phát động, cuộc thi, nhưng chưa thấy cuộc nào lại rầm rộ và lớn đến như thế. Mà kỳ lạ lại là thi... thả thơ!

Báo Hải Phòng phát động cuộc thi, tuyên truyền liên tục trong nhiều số báo, động viên các đảng viên và quần chúng cùng hưởng ứng cuộc thi sáng tác câu thơ thứ tư. Và thật bất ngờ, “khí thế làm thơ” từ Hải Phòng đã lan rộng đến các vùng, miền trong cả nước. Sau hai tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn một vạn câu thơ của hơn 3 nghìn tác giả thuộc đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Trong đó, có hơn 3.400 câu thơ của gần 2 nghìn tác giả đã được giới thiệu trên Báo Hải Phòng. Hồi ấy, báo in Hải Phòng (ra hằng ngày) đã dành một diện tích “đất” trang trọng ở trang 1, ngay dưới măng sét để in thơ dự thi trong chuyên mục “Thơ hay nườm nượp bay về”. Có lẽ, trong lịch sử báo chí và văn học nước ta, khó lặp lại điều lãng mạn và ưu ái thơ đến thế.

Hội đồng tuyển chọn những câu thơ hay nhất trong cuộc thi “thả thơ” được Thành ủy Hải Phòng thành lập gồm đại diện Ban Tuyên giáo Hải Phòng, Báo Hảí Phòng và Hội Văn nghệ Hải Phòng. Trong 10 câu thơ được xếp loại A đăng báo, câu đầu tiên có nội dung là: “Nghĩa Đảng, tình dân, ý Bác Hồ” của tác giả có tên Bùi Văn Lê, ở địa chỉ số 6, Lương Văn Can, Hải Phòng. Trong số tác giả được giải A có đồng chí Đống Ngạc, trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn với câu thơ “Lái vững, buồm căng vượt sóng xô”. Ông Trần Tháo, một nông dân ở xã Đông Khê, huyện An Hải, Hải Phòng với câu thơ “Bác dạy vì dân gắng sức lo” cũng được xếp loại A.

Theo hồi ức của nhà báo Vũ Long, chiều ngày 29/12/1984, sau khi đọc biên bản kết quả làm việc và kiến nghị của Hội đồng tuyển chọn, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã cử Phó Bí thư Thành uỷ và Tổng biên tập Báo Hải Phòng về Hà Nội báo cáo kết quả cuộc vận động thi “thả thơ” và xin ý kiến của nhà thơ Tố Hữu về việc trao thưởng và công bố bài thơ tứ tuyệt mà ông đã tặng Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng. Nhà thơ Tố Hữu đánh giá cao thành công của cuộc vận động và cho đó là một cách làm công tác tư tưởng thông minh, sáng tạo; vừa nhẹ nhàng, vừa ít tốn kém, mà lại gây được phấn chấn lòng người. Nhà thơ Tố Hữu bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng nhân dân Hải Phòng đã dành cho mình.

Đọc 30 câu thơ đã được Hải Phòng tuyển chọn xong, nhà thơ Tố Hữu tươi cười và nói: - Đây thật sự là những câu thơ tự đáy lòng người dân yêu quý đất nước, gắn bó với quê hương và có lòng tin mãnh liệt vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hộ chủ nghĩa. Câu thơ nào cũng hay, cũng xứng đáng... Nhưng bài thơ “Mừng Hải Phòng” của mình không chỉ có bốn câu đâu...

Sau đó, nhà thơ Tố Hữu đã đọc trọn vẹn bài thơ gồm 12 câu sau đây:

MỪNG HẢI PHÒNG

Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô!

Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ.

Làm ăn hai chữ, à ra thế.

Chèo chống ngàn tay một tiếng hô...

Nhộn nhịp Sáu Kho vui bến cảng

Khang trang Tam Bạc rộn Thành Tô

Giá còn nữ tướng Lê Chân nhỉ

Ắt cũng khen con cháu Bác Hồ.

Triều dâng, sóng dậy, đời ca hát

Gió tự Đồ Sơn mát... Thủ đô

Tám nghề, Bảy chữ đừng tham nhé

Chín chắn mười mươi cũng chớ phô!

Nhà thơ Tố Hữu giải thích thêm: Trong bài thơ của ông có đủ các số từ Một đến Mười, tượng trưng cho sự phát triển đầy đủ toàn diện và mạnh mẽ của Hải Phòng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng riêng khổ thơ thứ ba (bốn câu cuối cùng), chỉ là “tặng thêm” và “nhắc nhở Hải Phòng”, không nên đăng báo và công bố rộng rãi.

Vậy là, trên Báo Hải Phòng khi đó giới thiệu bài thơ “Mừng Hải Phòng” của nhà thơ Tố Hữu, không có khổ thứ ba.

40 năm sau cuộc thi “thả thơ” độc đáo và thú vị ấy, Hải Phòng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thành phố không chỉ có “bốn cống, ba cầu” nữa mà trong bốn chục năm qua đã xây dựng mới hàng trăm cầu, cống, góp phần đưa thành phố hoa phượng đỏ trở thành trung tâm kinh tế lớn, với mức tăng trưởng kinh tế luôn đứng đầu trong số các địa phương của cả nước.

Đỗ Phú Thọ

Theo: Báo Công Thương