Độc đáo Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024

(Banker.vn) Ngày 17/2, UBND huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã tổ chức khai mạc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024 với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc.
Hòa Bình: “Đụng lợn Tết”, nét đẹp cổ truyền của bà con xứ Mường Hòa Bình: Chính thức khai hội chùa Tiên năm 2024 Hòa Bình: Những người canh rừng xuyên Tết giữa đại ngàn Tây Bắc

Lễ hội Khai hạ ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình được tổ chức vào ngày mùng 7, mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm (tức ngày mùng 6, mùng 7 tháng tư theo lịch Mường Bi). Lễ hội là hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang tính cộng đồng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản, người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, cách ở; Tản viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân; Ải Lý, Ải Lo, hai vị thần đã dạy cho con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước làm nông nghiệp.

ảnh
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường diễn ra trong 3 ngày từ 15 - 17/2 (tức mùng 6, 7, 8 tháng Giêng, năm Giáp Thìn 2024)

Trải qua hơn 20 năm phục dựng và duy trì tổ chức, Lễ hội dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt du khách và nhân dân tới tham dự, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh Hoà Bình.

Độc đáo Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024
Nghệ nhân Mường Bùi Văn Lựng thực hiện nghi lễ thờ cúng mời Quốc Mẫu Hoàng Bà và các vị thần về miếu thờ xóm Lũy Ải, sau đó rước kiệu ra lễ đài sân vận động xã Phong Phú để khai mạc lễ hội

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình được tổ chức là hoạt động triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 – 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Hoà Bình để phát triển du lịch.

Độc đáo Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024
Ông Bùi Văn Tinh, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại Lễ hội, ông Bùi Văn Tinh - Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng, là lễ hội dân truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào người Mường được hình thành từ lâu đời, tiêu biểu ở bốn vùng Mường của tỉnh là Bi, Vang, Thàng, Động. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công mở đất, lập mường và cầu mong vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Độc đáo Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản vật của các địa phương

Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc thông tin, Lễ hội Khai hạ của người Mường được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và được tỉnh quyết định đưa Lễ hội thành lễ hội truyền thống hàng năm của tỉnh đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, để văn hóa thực sự là mạch nguồn, là động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh; quảng bá sản phẩm du lịch của Hòa Bình đến với du khách trong và ngoài nước.

Độc đáo Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024
Màn hoà tấu chiêng Mường đặc sắc tại buổi lễ

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường diễn ra trong 3 ngày từ 15 - 17/2 (tức mùng 6, 7, 8 tháng Giêng, năm Giáp Thìn 2024). Trong khuôn khổ chương trình lễ hội có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: Thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; trưng bày trại văn hóa, ẩm thực; thi đấu các môn thể thao dân tộc (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy) và tranh cúp bóng chuyền Khai hạ năm 2024; thi đan lát truyền thống (đan lồng gà, đan rọ đựng trứng), hát đối.

Độc đáo Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024
Nghi thức xuống đồng truyền thống sau buổi lễ

Cùng với đó là các hoạt động trình diễn gồm: Trình diễn bản âm, xéc bùa, nghề dệt thổ cẩm dân tộc, làm bánh, cơm lam và các trò chơi dân gian đánh mảng, cướp cờ, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, đánh đu, cầu bập bênh, ném còn... Tại lễ hội còn có các gian trưng bày nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, văn hoá, du lịch… của các địa phương trong tỉnh; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm...

Cụ thể, Lễ hội Khai hạ mường Vang (huyện Lạc Sơn) tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng theo lịch Mường Vang tại Miếu Áng Ka và một số địa điểm khác; lễ hội Khai hạ Mường Thàng (huyện Cao Phong) được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng theo lịch Mường Thàng tại Miếu Cả; lễ hội Khai hạ Mường Động (huyện Kim Bôi) được tổ chức ngày mùng 3 tháng 5 Âm lịch tức ngày mùng 4 tháng Tư theo lịch Mường Động tại Miếu Mường Chanh.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình thường được tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch hàng năm với nhiều nghi thức độc đáo tạo nên nét riêng trong lễ hội. Tùy từng vùng Mường mà thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội có sự khác nhau.

Dần Thanh

Theo: Báo Công Thương