Doanh thu quý II chìm sâu, Thuỷ sản Mekong (AAM) thoát lỗ ngoạn mục nhờ khoản tiền bồi thường

(Banker.vn) Khoản tiền bồi thường hơn 1 tỷ đồng dù nhỏ, nhưng lại là "phao cứu sinh" giúp Công ty CP Thuỷ sản Mekong (HOSE: AAM) thoát khỏi thua lỗ trong quý II.
Doanh thu quý II chìm sâu, Thuỷ sản Mekong (AAM) thoát lỗ ngoạn mục nhờ khoản tiền bồi thường
Nhờ thu nhập khác tăng vọt lên 1,6 tỷ đồng, Thuỷ sản Mekong thoát lỗ trong gang tấc

Cụ thể, quý II/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Thuỷ sản Mekong đạt 41,8 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 40,5 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 40%. Biên độ giảm sâu của doanh thu không đủ để bù đắp các chi phí đã bỏ ra trong kỳ kinh doanh này, khiến Thuỷ sản Mekong lỗ thuần 570 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhờ thu nhập khác nhảy vọt lên mức 1,6 tỷ đồng (trong đó 1 tỷ đồng là tiền thu bồi thường), sau cùng, doanh nghiệp này vẫn báo lãi. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 864 triệu đồng, giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Giải trình biến động lợi nhuận này, phía doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình bán hàng quý II/2023 chậm và giá bán thấp do có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thủy sản Mekong đạt 70,7 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng lao dốc 81%, chỉ còn vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Doanh thu quý II chìm sâu, Thuỷ sản Mekong (AAM) thoát lỗ ngoạn mục nhờ khoản tiền bồi thường
Kết quả kinh doanh của Thuỷ sản Mekong những quý gần đây

Trong khi đó, năm 2023, Thuỷ sản Mekong đặt mục tiêu doanh thu đạt 180 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng. Như vậy, nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp này mới thực hiện được 39% về doanh thu và 24% về lợi nhuận, triển vọng hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm còn rất nhiều khó khăn.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Thủy sản Mekong ở mức 213 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu kỳ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương với tiền đạt 38,5 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với số đầu năm, do có phát sinh các khoản tương đương tiền.

Tính tới ngày 30/6/2023, tổng nợ phải trả của Thủy sản Mekong ở mức 8,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ, chỉ chiếm 4,1% tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp này cũng không ghi nhận không ghi nhận các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng như dài hạn nào, cho thấy cơ cấu tài chính khá mạnh.

Tuy nhiên, nguồn lực thặng dư của Thuỷ sản Mekong cũng không thực sự dồi dào khi giá trị hàng tồn kho chiếm tỷ trọng khá lớn trong nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp. Tính thới ngày 30/6/2023, giá trị hàng tồn kho của Thuỷ sản Mekong là 100 tỷ đồng, tương đương 46,9% tổng nguồn vốn.

Bức tranh chung của ngành thuỷ sản

Liên quan đến tình hình kinh doanh chung của ngành thuỷ sản, trong báo cáo phân tích ngành của VNDirect, các chuyên gia chỉ ra rằng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính vẫn đang bị ảnh hưởng.

Đối với thị trường truyền thống là Mỹ, lạm phát cao và suy thoái kinh tế sẽ khiến cho sức tiêu thụ thuỷ sản của thị trường này sụt giảm. Trong khi người dân Mỹ đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm thì nhóm nhà hàng, khách sạn - một trong những kênh tiêu thụ chính của các sản phẩm thủy sản đang kinh doanh không mấy khả quan.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ là lượng hàng tồn kho cao, khiến các nhà nhập khẩu phải giảm hoặc ngừng đặt hàng mới trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm 2023.

Tuy nhiên, theo VNDirect, đã có dấu hiệu phục hồi của thị trường Mỹ trong tháng 5/2023, khi giá cá tra xuất khẩu bình quân có xu hướng tăng và lạm phát của ở quốc gia này có dấu hiệu hạ nhiệt, với CPI tháng 5/2023 là 4,9%, mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất trong hai năm qua và thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Do đó, VNDirect dự báo, nhu cầu thuỷ sản của thị trường Mỹ sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Tại thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tháng 4/2023 đạt mức kỷ lục, người dân nước này sẽ có tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2023 do phải thắt chặt chi tiêu để trả nợ.

Mặt khác, do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế của nước này khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Các chuyên gia VNDirect cho rằng, do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác. VNDirect dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Theo VNDirect, khi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính vẫn đang bị ảnh hưởng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ ghi nhận mức tăng trưởng thấp và sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023.

Thủy sản MeKong (AAM) đặt mục tiêu lãi năm 2022 vỏn vẹn 1 tỷ đồng

Năm 2022, AAM đặt mục tiêu sản lượng 3.000 tấn và có lãi trước thuế 1 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, thị trường xuất ...

Cổ phiếu AAM của Thủy sản MeKong tiếp tục nằm trong diện cảnh báo

Nguyên nhân HOSE giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu AAM là do lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Thủy sản MeKong ...

Thủy sản MeKong (AAM) vượt xa mục tiêu đề ra sau 9 tháng

Công ty CP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 và 9 tháng đầu năm. Sau 9 tháng ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán