Doanh thu BĐS quý IV thụt lùi, Đất Xanh (DXG) lần đầu chịu lỗ sau 1 thập kỷ

(Banker.vn) Thị trường bất động sản quý IV/2022 gần như đóng băng hoàn toàn đã khiến Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) "nếm" mùi lỗ sau 1 thập kỷ, kể từ quý I/2023 - lỗ trước thuế 424 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng đột biến ‘cứu vãn’ đà giảm lợi nhuận của Nam Long (NLG)

Quý lỗ đầu tiên sau 1 thập kỷ

Kể từ quý IV/2022, thị trường bất động sản gần như đóng băng hoàn toàn. “Ngấm đòn”, kết quả kinh doanh quý IV của DXG lao dốc không phanh.

Cụ thể, doanh thu thuần của DXG giảm 57% còn 984 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 61%, còn 434 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu cả 2 mảng đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của DXG là mảng bán căn hộ, đất nền và mảng dịch vụ môi giới bất động sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, mảng bán căn hộ, đất nền giảm 69%, mảng dịch vụ môi giới bất động sản giảm 56%. Kết quả này tương đồng với diễn biến chung của thị trường bất động sản trong quý IV.

Không chỉ hoạt động kinh doanh cốt lõi sa sút, hoạt động tài chính cũng kém sắc khi “bốc hơi” 87%, còn 34 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 24%, đạt 167 tỷ đồng, hầu hết là chi phí lãi vay. Còn chi phí bán hàng giảm 25,5%, đạt 249 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 13%, đạt 449 tỷ đồng.

Kết quả, DXG chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 397 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi thuần 398 tỷ đồng. Đã vậy, công ty còn gánh thêm khoản lỗ khác 27 tỷ đồng; nâng lỗ trước thuế lên 424 tỷ đồng - trái ngược với khoản lãi trước thuế 361 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên sau 1 thập kỷ của doanh nghiệp địa ốc này, kể từ quý I/2023.

DXG
Năm 2022, tình hình kinh doanh của DXG sa sút, bức tranh tài chính chuyển xấu. Ảnh minh hoạ

Theo giải trình của DXG, do tình hình khó khăn chung của thị trường ảnh hưởng đến thị trường bất động sản dẫn đến doanh số bán hàng ở mảng dịch vụ sụt giảm, trong khi công ty chưa kịp ghi nhận doanh thu - lợi nhuận từ các dự án do công ty làm chủ đầu tư và đã triển khai bán hàng thành công.

Luỹ kế năm 2022, các chỉ tiêu kinh doanh của DXG đều suy giảm mạnh so với năm 2022. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 45%, còn 5.581 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 47%, còn 2.945 tỷ đồng.

Năm 2022, hoạt động tài chính là điểm sáng khi doanh thu tăng 31%, đạt 464 tỷ đồng - sự tăng trưởng chủ yếu đến từ lãi thanh lý đầu tư (366 tỷ đồng).

Trong năm, DXG đã cố gắng tiết giảm đáng kể các loại chi phí, như chi phi bán hàng giảm 44% còn 1.057 tỷ đồng; chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp biến động không nhiều.

Kết thúc năm 2022, lãi trước thuế suy giảm 70%, còn 743 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, công ty có lãi 469 tỷ đồng, giảm 71%; trong đó lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là 149 tỷ đồng.

Năm 2022, DXG đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 11.000 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là 1.400 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp mới đạt được 50% chỉ tiêu doanh thu và cách rất xa kế hoạch lợi nhuận năm.

Dòng tiền kinh doanh âm nặng

Không chỉ kinh doanh sa sút, tình hình tài chính của DXG năm 2022 cũng có nhiều chuyển biến xấu.

Tổng tài sản tại ngày 31/12/2022 đạt 30.771 tỷ đồng tăng 9% so với đầu năm. Trong cơ cấu tổng tài sản, đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh của lượng tiền và tương đương tiền, tương ứng giảm 66% so với đầu năm, còn 918 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm 37%, còn 181 tỷ đồng.

Trong khi đó, khoản phải thu ngắn hạn tăng 13%, đạt 12.169 tỷ đồng. DXG ghi nhận dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 352 tỷ đồng, dù đã giảm 48 tỷ đồng so với đầu năm song đây vẫn là con số tương đối lớn.

Hàng tồn kho cũng tăng 27% so với đầu năm, đạt 14.238 tỷ đồng; chủ yếu là bất động sản dở dang. Tính riêng giá trị hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn đã lên tới 26.407 tỷ đồng, chiếm 86% tổng tài sản - mức quan ngại về chất lượng tài sản của DXG.

Sự gia tăng mạnh mẽ của hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của DXG trong kỳ âm nặng 3.873 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ dương 479 tỷ đồng. Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, DXG chọn đi vay khiến dòng tiền vay trả trong kỳ tăng đột biến, lần lượt đạt 7.323 tỷ đồng/5.582 tỷ đồng, tăng 3 lần.

Dù vậy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn âm 1.819 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền sụt giảm 66% còn 919 tỷ đồng

Tại ngày kết thúc quý IV/2022, nợ phải trả của DXG tăng 13% so với đầu năm, đạt 16.751 tỷ đồng. Cơ cấu nợ của DXG được cấu trúc theo hướng giảm nợ vay ngắn hạn (giảm 32% về 2.032 tỷ đồng), còn nợ vay dài hạn tăng mạnh (tức tăng 2,5 lần lên 3.748 tỷ đồng) (trong đó, nợ trái phiếu tăng 370 tỷ đồng lên 1.789 tỷ đồng).

Trên thị trường, cổ phiếu DXG đóng cửa phiên 27/1 ở mức 14.100 đồng/cp, tăng nhẹ 0,71% so với tham chiếu, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7 triệu đơn vị.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán