Doanh số xe sang ở Trung Quốc giảm mạnh, xe điện nội địa 'lên ngôi'

(Banker.vn) Các hãng sản xuất xe sang nước ngoài tại Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng doanh số bán thấp cùng với sự cạnh tranh giá từ xe điện.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc: Nỗi ''sợ hãi'' của các nước nhóm G7 Nền kinh tế Trung Quốc có thoát khỏi khủng hoảng tài chính kéo dài? "Quái thú" địa hình mới từ Trung Quốc: BAW 212 thách thức Jeep và Land Rover

Doanh số xe sang giảm mạnh

Doanh số bán ô tô hạng sang giảm mạnh ở Trung Quốc khi người tiêu dùng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về vấn đề kinh tế, thay vào đó họ chuyển hướng sang xe điện giá rẻ hơn.

Doanh số xe sang ở Trung Quốc giảm mạnh, xe điện nội địa 'lên ngôi'
BYD được Warren Buffett đầu tư là một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất tại Trung Quốc.

Theo đó, doanh số của các thương hiệu hạng sang như Porsche và Ferrari đã giảm mạnh trong quý I/2024. Cụ thể, doanh số giao hàng trong quý đầu tiên của Porsche đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lô hàng của Ferrari đến Trung Quốc giảm 25%. Doanh số của BMW và Mercedes-Benz cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, theo Wall Street Journal.

Kết quả quý đầu tiên đáng thất vọng của các nhà sản xuất ô tô hạng sang ở thị trường Trung Quốc phần nào phản ánh tình trạng bất ổn của nền kinh tế được thúc đẩy bởi lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Trong diễn biến khác, năm 2023, Mitsubishi Motors đã thông báo dừng sản xuất xe tại Trung Quốc do doanh số bán thấp. Mitsubishi Motors không phải là hãng xe nước ngoài duy nhất gặp khó khăn tại Trung Quốc vào thời điểm này.

Doanh số bán của Honda Motor tại nước này giảm 10%, xuống 1,23 triệu chiếc, trong khi của Nissan Motor giảm 16%, xuống 790.000 chiếc. Doanh số bán của Toyota Motor chỉ giảm 2%, xuống 1,9 triệu chiếc, nhờ doanh số bán xe động cơ lai cao.

Xe điện lên ngôi

Nhu cầu xe sang giảm đã tác động đến thị trường nhưng lại ít gây tác động xấu tới xe điện. Theo thống kê, khoảng 1,03 triệu xe điện đã được bán ở Trung Quốc trong quý I/2024, tăng 14.7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số của "xe sử dụng năng lượng mới" bao gồm cả xe sử dụng công nghệ plug- in hybrid (xe lai sạc điện-PHEV) đã tăng 5.7% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1,71 triệu xe trong quý I. Ở Mỹ, doanh số xe điện tăng 3%, tương đương khoảng 270.000 xe trong cùng giai đoạn.

Nhờ vào việc giảm giá do sự xuất hiện của các hãng sản xuất ô tô nội địa mới, doanh số xe điện tiếp tục có kết quả tốt trong tháng 5. Theo Bloomberg, các hãng sản xuất lớn như BYD được Warren Buffett đầu tư, Nio và Seres Group đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng trước.

Seres Group dẫn đầu với mức tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nio báo cáo tăng trưởng 234% trong tháng 5, trong khi doanh số của BYD tăng hơn 25% - trở thành hãng xe điện đứng thứ 10 thế giới.

Cũng theo thông tin từ Bloomberg, các nhà sản xuất nội địa đang cố gắng chiếm lĩnh thị trường. Quý I vừa qua, các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc lần đầu tiên cùng nhau vượt qua mức 50% doanh số bán xe trong nước.

Nếu như 10 năm trước, 3 hãng sản xuất xe hơi Pháp là Citroen, Peugeot và Renault cộng lại chiếm khoảng 4% thị phần tại Trung Quốc, nhưng hiện tại con số đã sụt giảm xuống dưới 1%.

Hồi đầu năm 2024, Elon Musk, CEO của Tesla đã không ngần ngại ca ngợi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có sức "cạnh tranh mạnh nhất thế giới" với sự phát triển nhanh chóng của họ. Đánh giá này phần nào cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách thức hoạt động và chiếm thị phần của các nhà sản xuất ô tô tại thị trường lớn nhất thế giới.

Với việc các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tiếp tục gia tăng vị thế của mình, thị trường ô tô quốc gia này hứa hẹn sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong tương lai gần, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các thương hiệu nội địa và quốc tế.

Duy Thức

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục