Doanh số cho vay năm 2023 có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng

(Banker.vn) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, khả năng doanh số cho vay của toàn hệ thống năm nay có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng, nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn.

Tại Hội nghị về tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô vừa được tổ chức.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tăng trưởng tín dụng là vấn đề khó. Lý do là bởi nội tại Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng.

Doanh số cho vay năm 2023 có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng
Hình minh họa.

Hiện tại, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhưng năm 2023, vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ách tắc nên áp lực đổ dồn lên tín dụng ngân hàng - vốn đã khó lại càng khó hơn.

Ngành ngân hàng một mặt thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; thực hiện giải pháp ngắn hạn nhưng vẫn phải đảm bảo giải pháp căn cơ trong dài hạn.

Thống đốc cho biết thêm, chưa năm nào mà đến tháng 7, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm. Trên cơ sở đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 11/2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng với tỷ lệ lớn đối với các tổ chức tín dụng.

Thế nhưng khó khăn của nền kinh tế khiến tính đến tháng 10/2023, doanh số cho vay của hệ thống chỉ đạt 17,6 triệu tỷ đồng. Thống đốc dự báo: "Chỉ còn một tháng nữa kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng. Đây là con số lớn nhưng tín dụng đến tháng 11/2023 chỉ tăng 9,15% chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường. Vướng mắc chủ yếu ở tín dụng cho vay trung, dài hạn".

Theo Thống đốc, tín dụng tăng chậm chủ yếu do yếu tố khách quan. Tín dụng của các nước trên thế giới cũng đều tăng chậm không riêng Việt Nam, nguyên nhân là do tổng cầu thế giới giảm. Cũng như các nước trên thế giới, đối với bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cũng cần thận trọng làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, đảm bảo khả năng chi trả khi người dân rút tiền.

Riêng đối với tín dụng bất động sản, Thống đốc một lần nữa khẳng định, NHNN chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực này, mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro, ở đây là lo rủi ro kỳ hạn. Nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng cân đối tính khả thi dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng.

"Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ pháp lý. Khi pháp lý thông suốt chắc chắn lập tức tín dụng lập khơi thông...", Thống đốc cho hay và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm tháo gỡ khó khăn vấn đề pháp lý.

Về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, NHNN xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.

Toàn bộ hơn 365.000 tỷ đồng hút qua kênh tín phiếu đã quay trở lại hệ thống

Ngày 6/12 là ngày đáo hạn của lô tín phiếu cuối cùng trong đợt phát hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước với quy ...

Lạm phát trong tầm kiểm soát, kỳ vọng NHNN giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4,5% trong năm 2024

Trong báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC (HSBC Global Research), HSBC đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam ...

Thùy Chi (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán