Doanh nhân và vấn nạn tin đồn, tin giả

(Banker.vn) Hiếm có năm nào, tin đồn về các doanh nhân và doanh nghiệp lại nhiều như năm 2022.

Cổ phiếu CTD 'bay hơi' 65% sau 1 năm, cổ đông than vãn, chủ tịch Bolat Duisenov phân trần

Tin đồn "bủa vây" doanh nhân

Với giới đầu tư, kinh doanh, tin đồn là một phần không thể thiếu. Nhìn khói mà đoán lửa, nghe cỏ động biết rắn vào, nếu không có tin đồn, việc nhân đôi, nhân ba lợi nhuận khi đầu tư, e rằng sẽ diễn ra theo một cách khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, tin đồn cũng là một con dao hai lưỡi. Tiếc thay, năm 2022, đa phần nhà đầu tư lại là người cầm dao đằng lưỡi. Số khác, thậm chí chẳng những không được cầm dao, còn bị dao đâm thẳng vào người.

Trở lại với bối cảnh đầu năm 2022, khi những tin đồn rộ lên rồi trở thành sự thực với việc chủ tịch Tập đoàn FLC và chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt, giới đầu tư Việt Nam đã có một phen chao đảo với các tin đồn nổi lên sau sự kiện đó.

Tập đoàn G, nơi có vị CEO nổi tiếng, đã “dính” ngay tin đồn bị điều tra. Hệ quả là cổ phiếu của tập đoàn G và nhóm cổ phiếu có liên quan hồi tháng 4 giảm mạnh, khiến hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa bị bốc hơi, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

doanh nhân và tin đồn
Nhiều doanh nghiệp "khóc dở mếu dở" vì tin đồn tràn lan năm qua. Ảnh minh hoạ

Cũng chịu cảnh ngộ tương tự là chủ tịch Tập đoàn V. Tin đồn cấm xuất cảnh đối với ông đã tạo ra cơn địa chấn đối với thị trường chứng khoán hồi tháng 7. Các mã cổ phiếu “họ V” giảm mạnh đã thổi bay hàng chục nghìn tỷ đồng vốn hóa và khiến tài sản của vị chủ tịch sụt giảm hàng trăm triệu USD.

Tình hình tồi tệ không kém diễn ra với chủ tịch tập đoàn S khi ông bị đồn vướng vòng lao lý. Áp lực khủng khiếp khiến tập đoàn S phản ứng cực đoan bằng cách đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông không đăng tải bất cứ thông tin gì về mình, kể cả tin tức về đại hội đồng cổ đông.

Điều này cũng tương tự với chủ tịch tập đoàn H khi ông quyết định “rút” khỏi truyền thông, mặc dù trước đó ông nổi tiếng là người cởi mở, hòa đồng với báo giới.

Với chủ tịch tập đoàn N, những đồn thổi kéo dài suốt nhiều tháng trời đã buộc ông phải lên tiếng bằng cách đi thăm các dự án và để hình ảnh của mình lan tỏa trên mạng xã hội, nhằm xoa dịu dư luận.

Đó cũng là cách ứng xử tương tự của phó chủ tịch ngân hàng H, khi bà quyết định cho phát trực tiếp buổi đối thoại với nhà đầu tư, như một cách chứng minh mình… vẫn ổn. Đây là lần xuất hiện rất hiếm hoi của vị nữ doanh nhân này trong năm 2022, và tất nhiên, điều đó diễn ra khi những tin đồn đang bủa vây bà trong một thời gian dài.

Thực tế cho thấy không chỉ cá nhân doanh nhân mà ngay cả doanh nghiệp của họ cũng là nạn nhân của tin đồn. Điều này rất điển hình với Novaland, khi liên tiếp trong thời gian ngắn, tập đoàn này đã phải đính chính tới 3 lần, gồm: một lần về thông tin sai sự thật về dự án Aqua City, một lần về đơn thư cầu cứu từ năm 2020 bị đào xới lại, và một lần về tình hình tài chính của tập đoàn.

Chịu cảnh “cháy thành lây vạ” là tập đoàn Nam Long khi dự án Izumi City cũng bị đồn thổi sai sự thật, khiến đơn vị này bất đắc dĩ phải lên tiếng giải thích trên báo chí.

Tỉnh táo trước tin đồn

Sự “lộng hành” của tin đồn trong năm 2022 có thể xem là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thị trường chứng khoán sụp đổ, VN-Index rơi từ mốc đỉnh cao 1.500 điểm xuống chỉ còn hơn 800 điểm, đồng nghĩa với thiệt hại của hàng vạn nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Rất khó để trách cứ nhà đầu tư, bởi tin đồn đánh đúng vào nỗi sợ hãi thường trực của mỗi người. Khi nỗi sợ dâng lên, việc giẫm đạp lên nhau để tháo chạy là điều có thể nhìn thấy trước. Không phải ngẫu nhiên mà khi bình luận về thị trường chứng khoán năm qua, không ít chuyên gia đã gọi đó là cuộc khủng hoảng của niềm tin. Khi niềm tin bị đánh cắp, việc lấy lại là vô cùng khó khăn.

Bởi vậy, những thiệt hại về thị giá cổ phiếu, vốn hóa thị trường có lẽ còn không nặng nề bằng thiệt hại về uy tín doanh nhân, thương hiệu doanh nghiệp. Sự tổn hại về uy tín, thương hiệu sẽ làm mất đi cơ hội kinh doanh cũng như gây ra các hệ lụy dây chuyền, đẩy doanh nghiệp lún sâu hơn vào tình cảnh khó khăn, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.

Theo các chuyên gia, trong quản trị thương hiệu, quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng, đối diện với tin đồn, doanh nghiệp, doanh nhân không nên lựa chọn phương án im lặng. bởi im lặng sẽ càng khiến tin đồn có đất nảy sinh và lan truyền rộng rãi. Việc cần thiết là phải minh bạch thông tin, thông qua nhiều hình thức như: công bố thông tin, đối thoại cổ đông, trao đổi với báo giới… thậm chí, chỉ đơn giản là đăng một bức ảnh, vì đôi khi một bức ảnh còn có giá trị hơn ngàn lời nói.

Còn trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể mời cơ quan điều tra vào cuộc để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, cổ đông cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Với nhà đầu tư, điều quan trọng khi đối diện với tin đồn là giữ được sự bình tĩnh, tránh việc ra quyết định theo đám đông; tìm kiếm và đối chứng thông tin theo những nguồn chính thống, đáng tin cậy. Nghi ngờ hợp lý và biết cách thoát khỏi nghi ngờ là những kỹ năng mang tính sống còn trong môi trường đầu tư, bởi một lệnh đặt sai, thành quả của cả một giai đoạn có thể đổ sông, đổ bể - điều mà hàng vạn F0 năm qua đã mắc phải và không còn cơ hội sửa chữa.

“Tin đồn đến người khôn là hết”. Làm người tiêu dùng cũng đã phải thông minh, đầu tư lại càng phải thông minh gấp bội.

Hải Thu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục