Doanh nhân Trầm Bê về cống hiến, Bệnh viện Triều An kinh doanh vẫn "lẹt đẹt"

(Banker.vn) Công ty CP Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An (OTC: TAH) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả kinh doanh có phần “sa sút”.
Doanh nhân Trầm Bê về cống hiến, Bệnh viện Triều An kinh doanh vẫn
Bệnh viện Triều An là đứa “con đẻ” do ông Trầm Bê sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1999.

Lợi nhuận giảm sút

Kết thúc quý II/2023, Bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 148 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá vốn hàng bán gần như không thay đổi, đạt 129,6 tỷ, tăng khoảng 600 triệu đồng so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp không bị tác động nhiều, ở ngưỡng 19 tỷ đồng, tăng gần 12% so với quý II/2022.

Doanh thu hoạt động tài chính của Triều An tăng 71% so với cùng kỳ, đạt 292 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp của Triều An đã tăng khoảng 11% so với quý II năm trước, ở ngưỡng 10 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại giảm mạnh 24%, về mức 122 triệu đồng.

Dù doanh thu thuần đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn nhưng vẫn không đủ để làm lợi nhuận sau thuế của Triều An tiến triển so với cùng kỳ. Hết quý II, Bệnh viện Triều An ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 9 tỷ đồng, giảm gần 20% so với kỳ trước.

Theo thuyết minh từ phía Triều An, nguyên nhân lợi nhuận giảm sút được đánh giá do thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao khiến hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.

Năm 2023, Triều An đặt mục tiêu doanh thu đạt 628 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng. Như vậy, tính riêng quý II/2023, Bệnh viện Triều An đã đạt 23% chỉ tiêu doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Phía lãnh đạo bệnh viện cũng cho biết thêm, năm nay, do kinh tế người dân còn khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu nên kế hoạch giường năm 2023 có thể chỉ đạt 90% công suất so với bình thường. Chỉ số các dịch vụ khám chữa bệnh dự kiến tăng 5-10% so với năm 2022.

Tính đến ngày 30/6/2023, Bệnh viện Triều An có tổng cộng tài sản là 1.117 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối quý I/2023. Trong đó, tiền và hàng tồn kho giảm lần lượt 13% và 12%, ở mức 90 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Tổng tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn đồng loạt giảm, lần lượt đạt 149 tỷ đồng và 967 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ở kỳ này các khoản thu ngắn hạn và đầu tư tài chính dài hạn đều tăng lên. Các khoản thu ngắn hạn đạt 35 tỷ đồng, tăng 40% so với quý I/2023, đầu tư tài chính dài hạn đạt 224 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc quý I.

Cũng theo thuyết minh của báo cáo tài chính, Công ty CP Bệnh viện tư nhân Triều An còn 1 khoản thu trị giá 17 tỷ đồng từ bà Trầm Thuyết Kiều, là con gái của ông Trầm Bê.

Về nguồn vốn, Bệnh viện Triều An vẫn giữ nguyên vốn điều lệ là 490 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu nhích nhẹ 2% so với quý I/2023, đạt 605 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản. Số nợ phải trả cũng giảm 4% so với kỳ trước đó, còn lại 512 tỷ đồng, chiếm 46% tổng nguồn vốn.

Ông Trầm Bê ở đâu sau khi được tín nhiệm làm thành viên HĐQT?

Quan sát phần thuyết minh của báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty CP Bệnh viện tư nhân Triều An, vốn đầu tư của chủ sở hữu không hề có tên ông Trầm Bê – người được bầu làm thành viên HĐQT với số phiếu gần như tuyệt đối, đạt đến 99%.

Trong bảng thống kê này, giá trị vốn góp của ông Trầm Bê không được thể hiện. Theo báo cáo, cổ đông lớn nhất của công ty là bà Dương Thị Đẹt, hiện đang sở hữu gần 19 triệu cổ phần, chiếm 38,27% trên tổng 49 triệu cổ phần. Người nắm giữ cổ phần lớn thứ 2 là em gái ông Trầm Bê – bà Trần Thuyết Kiều với 10,5 triệu cổ phần, chiếm 21,42%.

Bệnh viện Triều An là đứa “con đẻ” do ông Trầm Bê sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1999-2017. Từ năm 2019, Bệnh viện Triều An đã không còn ghi tên ông Trầm Bê vào danh sách thành viên HĐQT vì ông vướng vòng lao lý với 2 vụ án tại Sacombank và SouthernBank.

Chấp hành xong án phạt tù, Trầm Bê “tái xuất” thương trường kinh doanh với nhiều tâm huyết. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Công ty CP Bệnh viện tư nhân Triều An, ông Trầm Bê được bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 với số phiếu tín nhiệm cao ngất ngưởng.

Được biết, trong quá trình ông Bê thi hành án, Bệnh viện Triều An vẫn duy trì doanh thu ổn định qua các năm. Chỉ riêng năm 2021, bệnh viện tư nhân này phải kinh doanh dưới giá vốn do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, lợi nhuận “hụt” 27 tỷ đồng.

Sau khi đại dịch được khống chế, Triều An đã dần “hồi phục” và ghi nhận lãi trở lại. Đến nay, Bệnh viện tư nhân Triều An vẫn là một bệnh viện tư lớn nhất tại Việt Nam với 1 công ty con (sở hữu 100%) là Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư và Dịch vụ An Triều; 1 công ty liên kết (sở hữu 30%) là Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An Loan Trâm.

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán