Doanh nhân ngành xây dựng và con tàu thành công, con tàu chập chờn

(Banker.vn) Ông Bùi Xuân Dũng là một doanh nhân tuổi Nhâm Tý (1972), đến từ huyện Con Cuông thuộc mảnh đất xứ Nghệ.

Lập nghiệp ở Hà Nội, ông Dũng được đông đảo giới doanh nghiệp xây dựng biết đến với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, UPCoM: HAN), một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, sở hữu loạt dự án bất động sản cỡ “khủng” giữa Thủ đô.

Trước khi bước lên ngôi “chủ soái” của “ông lớn” ngành xây dựng - bất động sản Hancorp, ông Bùi Xuân Dũng đã có hơn 18 năm công tác tại doanh nghiệp, từng kinh qua các chức vụ quan trọng như: Giám đốc điều hành thi công công trình thoát nước Hà Nội giai đoạn I; Trưởng phòng Kỹ thuật thi công kiêm giám đốc BĐH tổ hợp nhà thầu thi công công trình Trung tâm hội nghi quốc gia; Phó tổng giám đốc Hancorp kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội (HACC1, công ty con).

Doanh nhân đất Nghệ
Ông Bùi Xuân Dũng - Tân Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh: Bộ Xây dựng

Năm 2013, ông Bùi Xuân Dũng được tín nhiệm giữ chức Quyền Tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc Hancorp, đánh dấu bước ngoặt to lớn trong sự nghiệp phát triển của vị doanh nhân gốc Nghệ An. Từ tháng 7/2014 – tháng 3/2021, ông Dũng được bầu làm Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hancorp.

Ngay khi kết thúc “nhiệm kỳ” dẫn dắt Hancorp suốt 8 năm, ông Bùi Xuân Dũng được Bộ Xây dựng điều động bổ nhiệm về làm Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản.

Hơn một năm sau, tháng 10/2022, ông Bùi Xuân Dũng tiếp tục được Bộ Xây dựng điều động làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam – Vicem. Xét về góc độ kinh tế, đây là thành công kế tiếp của ông Dũng bởi Vicem có vị thế là doanh nghiệp nhà nước quy mô rất lớn, vốn điều lệ gần 12.000 tỷ đồng (gấp 9 lần Hancorp) và giữ vai trò chủ đạo trong việc điều tiết, bình ổn, dẫn dắt thị trường xi măng cả nước khi chiếm lĩnh 34 – 35% thị phần xi măng nội địa.

Bên cạnh sự nghiệp vẻ vang của ông Dũng tại Bộ Xây dựng, không nhiều người biết rằng, ông Dũng còn phát huy kinh nghiệm và những mối quan hệ trong ngành xây dựng – bất động sản để đóng góp cho sự phát triển của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bất động sản Lanmak.

“Gà đẻ trứng vàng” Lanmak

Công ty Lanmak thành lập ngày 29/5/2007, trụ sở chính đặt ở nội đô Hà Nội, ban đầu thuộc hệ sinh thái Hancorp. Ông Bùi Xuân Dũng đảm trách vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Lanmak từ những ngày đầu thành lập, đến khi ông về Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận nhiệm vụ người đứng đầu (tháng 3/2021), tức gần 14 năm “lèo lái”.

Doanh nhân đất Nghệ
Tòa nhà Hancorp Plaza

Kế tục ông Dũng tại Lanmak là ông Lê Trần Tuấn (sinh năm 1973), Tổng giám đốc đương nhiệm, một nhân sự thâm niên dưới trướng ông Dũng. Từ trước năm 2015, Hancorp đã giảm tỷ trọng tại Lanmak từ 100% xuống mức 27% để chuyển quan hệ về nhóm công ty liên kết; trong khi đó, cơ cấu cổ đông Lanmak vốn rất cô đặc, trong đó 11 cổ đông đã chiếm trên 81% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (cập nhật tháng 6/2023).

Công ty Lanmak dưới thời Chủ tịch Bùi Xuân Dũng thường xuyên xuất hiện trong danh sách đối tác tại các dự án trọng điểm do Hancorp làm chủ đầu tư, chẳng hạn như vai trò xây dựng Khu biệt thự đơn lập thuộc dự án Khu đô thị Đoàn Ngoại Giao (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm); dự án Toà nhà hỗn hợp tại N01-T6 (tên thương mại là Han Jardin); dự án Tòa nhà chung cư N04B - Lanmak… cùng với đó là một số dự án thành phần của Vingroup tại Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Riverside The Harmony, Vinhomes Smart City.

Việc “bỏ túi” không ít hợp đồng giàu giá trị giúp doanh thu của Công ty Lanmak khá cao so với tiềm lực vốn. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2022, Công ty Lanmak lần lượt kiếm về 706 tỷ đồng, 641 tỷ đồng, 421 tỷ đồng, 532 tỷ đồng và 616 tỷ đồng. Tính bình quân, doanh nghiệp thu về khoảng 580 tỷ đồng/năm, gấp trên 7 lần vốn điều lệ (81,6 tỷ đồng).

Nếu đặt cạnh Hancorp sẽ thấy sự chênh lệch rất lớn, bởi doanh thu trung bình trong cùng giai đoạn của Hancorp là 2.500 tỷ đồng, song quy mô vốn điều lệ lên đến 1.410 tỷ đồng, tính ra hệ số doanh thu/vốn chỉ là 1,8 lần, quá khiêm tốn so với Công ty Lanmak.

Hay như Tổng công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1), “anh lớn” ngành xây dựng xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước, mỗi năm thu về khoảng 6.200 tỷ đồng, cũng chỉ cao hơn 1,9 lần số vốn điều lệ (3.289 tỷ đồng). Nói như vậy, để thấy Công ty Lanmak thực sự là “gà đẻ trứng vàng” động thái thoái vốn làm giảm quyền lợi tại “cỗ máy kiếm tiền” này của Hancorp là một diễn biến mới.

Tuy nhiên, dù duy trì nguồn thu đều đặn giá trị lớn, song lợi nhuận sau thuế trên báo cáo của Công ty Lanmak khá “teo tóp”, lần lượt đạt 7,2 tỷ đồng (2018), 4,6 tỷ đồng (2019), 714 triệu đồng (2020), 575 triệu đồng (2021) và cá biệt lỗ nặng 43,3 tỷ đồng vào năm 2022.

Chiếm đại đa số trong chi phí đến từ giá vốn hàng bán, nổi trội là năm 2022, phần chi phí giá vốn ghi nhận vừa khớp bằng doanh thu thuần đạt được, là nguyên nhân trọng yếu dẫn đến khoản lỗ kỷ lục của Công ty Lanmak trong năm.

Điều đó đặt ra câu hỏi liệu ban lãnh đạo Lanmak đã nỗ lực để tối đa hóa lợi nhuận hay chưa, và liệu có khả năng doanh nghiệp tự chủ động trong quản lý chi phí đầu vào để giảm gánh nặng thuế thu nhập không? Hay đơn thuần là do năng lực quản trị chi phí của ban lãnh đạo không thực sự tốt?

Một điểm cần lưu tâm đáng để các doanh nghiệp nghiên cứu là Công ty Lanmak dưới sự điều hành của ông Bùi Xuân Dũng, sử dụng đòn bẩy tài chính rất mạnh tay, vượt xa cả mức bình quân của ngành xây dựng và bất động sản, cho dù thực chất đây là hai ngành thâm dụng vốn nhất trong các ngành kinh tế.

Thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của doanh nghiệp chạm mốc 1.200 tỷ đồng, cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu (120 tỷ đồng). Hệ số nợ/vốn cả chục lần đã được Công ty Lanmak duy trì từ nhiều năm về trước. Với lợi nhuận công bố thậm chí vừa nhận lấy phần lỗ cao nhất lịch sử hoạt động, việc “sống dựa” vào chủ nợ khiến Công ty Lanmak gặp nhiều rủi ro về thanh toán, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản “ảm đạm” từ đầu năm 2022 đến nay, khiến dòng tiền luân chuyển bị “tắc nghẽn”, áp lực đổ dồn về các nhà thầu như Công ty Lanmak.

Tựu chung, với tiềm lực không lớn, lại tồn tại những rủi ro thanh toán, nợ nần, dễ thấy sức ảnh hưởng cá nhân của ông Bùi Xuân Dũng trên cương vị Chủ tịch Lanmak là rất đáng nể.

Đâu là nguyên nhân của những phiên đấu giá thất bại

Sự “mát tay” của ông Bùi Xuân Dũng cùng các cộng sự được minh chứng qua kết quả hoạt động của Công ty Lanmak những năm gần đây, khi Hancorp đã rút phần lớn vốn để đưa vị thế từ công ty mẹ xuống “ghế” cổ đông lớn, lợi ích nhận về tại doanh nghiệp theo đó cũng giảm tương ứng.

Tuy vậy, tại Hancorp, từ sau khi ông Bùi Xuân Dũng chính thức nắm hoàn toàn “binh quyền” với hai ghế đứng đầu Chủ tịch – Tổng giám đốc, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại “đảo chiều” tiêu cực.

Năm 2012 – trước lúc ông Bùi Xuân Dũng chưa gia nhập ban lãnh đạo Hancorp, “ông lớn” ngành xây dựng ghi nhận doanh thu lên tới 9.440 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng so với hai năm liền trước là 9.200 tỷ đồng (2011) và 8.960 tỷ đồng (2010).

Ít ai ngờ rằng, doanh thu Hancorp các năm sau liên tục “đổ đèo”, đơn cử năm 2015 đột nhiên giảm mạnh còn 3.846 tỷ đồng, chỉ bằng 40% mức thực hiện của năm 2012 trước thời ông Bùi Xuân Dũng.

Sau một năm 2016 “đi ngang”, doanh thu 2017 của Hancorp tăng lên mức đỉnh 4.636 tỷ đồng, là thành tích cao nhất trong suốt 8 năm dẫn dắt của ông Bùi Xuân Dũng. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, con số này cũng chỉ ngang phân nửa mức doanh thu bình quân trước khi ông Dũng nhận nhiệm vụ lãnh đạo Hancorp.

Chưa dừng lại ở đó, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau khi lập đỉnh về doanh thu, Hancorp trở lại vòng quay suy kiệt với 3 năm liên tiếp tăng trưởng âm, cá biệt năm 2020 giảm còn 1.991 tỷ đồng, thấp nhất trong lịch sử hoạt động.

Sang năm 2021 – 2022, khi ông Bùi Xuân Dũng được điều động sang vị trí khác tại Bộ Xây dựng, Hancorp mới tìm lại động lực tăng trưởng, theo đó doanh thu đạt lần lượt 2.413 tỷ đồng và 3.217 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Hancorp thời ông Bùi Xuân Dũng cũng khá “còm cõm” so với doanh thu, đặc biệt cho thấy xu hướng giảm mạnh từ năm 2017 đến năm 2020, từ 134 tỷ đồng xuống 32,8 tỷ đồng. Tương tự doanh thu, sau khi ông Bùi Xuân Dũng rời khỏi vị trí lãnh đạo, lợi nhuận của Hancorp mới có chiều hướng tăng trưởng đáng kể.

Nhìn chung, với quy mô của một doanh nghiệp có vốn nhà nước, sở hữu hàng chục công ty con và công ty liên kết, Hancorp đang bị bỏ xa về khả năng tạo ra lợi nhuận so với các đối thủ cạnh tranh khác như Hòa Bình, Coteccons, Vinaconex…

Về bối cảnh chung, ngành xây dựng, bất động sản giai đoạn 2021 – 2022 đã bước sang thời kỳ “hậu Covid”, trước những tác động của dịch bệnh hãy còn hiện hữu, thị trường tiếp tục chứng kiến sự bất định mạnh mẽ do ảnh hưởng của “đợt thanh trừng” thị trường chứng khoán, gây “ách tắc” và “đóng băng” thị trường vốn.

Giới quan sát đánh giá, “cơn bão” mà ngành xây dựng, bất động sản hứng chịu trong năm 2021 – 2022 có mức độ tàn phá lớn hơn đại dịch Covid nhiều lần. Vì vậy, điều đó đặt ra quan ngại về năng lực quản trị của nhóm lãnh đạo trước đây.

Cần biết, nếu một doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách, mà còn gây khó khăn trong công tác thoái vốn nhà nước.

Tháng 3/2014, trong lần bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Hancorp đã không lọt vào “mắt xanh” của giới đầu tư, khiến phiên IPO thất bại nặng nề khi 203 nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng khối lượng đặt mua chỉ là 1,5 triệu cổ phần, trong khi số lượng Bộ Xây dựng đem ra đấu giá là gần 50 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ hoàn thành chưa nổi 3%.

Tháng 12/2020, đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng khỏi Hancorp tiếp tục “ế chỏng chơ”, gần 139 triệu cổ phần, tương ứng 98,83% vốn điều lệ được đem đấu giá đều nhận về cái “lắc đầu” của nhà đầu tư, thậm chí bị hủy ngay từ “vòng gửi xe” vì không có ai đăng ký tham gia phiên đấu giá.

Nhiều người khi đó không khỏi băn khoăn khi nhà đầu tư dửng dưng với một thương hiệu xây dựng lớn như Hancorp, trong khi họ có thể hoàn toàn chi phối doanh nghiệp nếu sẵn sàng chi ra mức giá hợp lý. Nên biết, giá khởi điểm của lô cổ phần là 19.930 đồng/cp, thậm chí còn thấp hơn giá thị trường khi đó đang giao dịch (khoảng 26.000 đồng/cp).

Có quan điểm cho rằng, giả định bức tranh kinh doanh của Hancorp khi ấy rực rỡ hơn, chắc hẳn sự quan tâm của nhà đầu tư sẽ khác và Bộ Xây dựng sẽ tận dụng được “sóng” tăng giá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong năm 2021, thời điểm mà chỉ số VN-Index leo đỉnh lịch sử 1.500 điểm.

Giả định này mở ra viễn cảnh mang lại nguồn thu ngân sách lớn, cùng đó giúp Bộ Xây dựng hoàn thành kế hoạch thoái vốn nhà nước đã được Chính phủ giao phó. Tuy nhiên, tiếc là đã không trở thành sự thực.

Chủ tịch HĐTV Vicem Bùi Xuân Dũng trở thành Thứ trưởng trẻ tuổi nhất của Bộ Xây dựng

Tân Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng là Thứ trưởng trẻ nhất của Bộ Xây dựng hiện nay.

Chân dung tân Thứ trưởng Bộ xây dựng Bùi Xuân Dũng

Ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICME) vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ ...

Yêu cầu Vicem nộp ngân sách nhà nước hơn 3.000 tỷ còn thiếu khi cổ phần hóa

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, xử lý, thu nộp về ngân sách ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục