Doanh nhân Lưu Quang Lãm: Đại gia kín tiếng xứ Kinh Bắc, người kiếm bộn tiền nhờ bán vốn SGN cho Him Lam Group

(Banker.vn) Thương vụ bạc tỷ giữa IMP Corp và Him Lam Land diễn ra âm thầm theo đúng cái cách mà trước giờ Chủ tịch Lưu Quang Lãm của IMP Corp hoạt động trên thương trường. Điều đó càng khiến người ta phải tò mò về vị doanh nhân kín tiếng này.
Doanh nhân Lưu Quang Lãm: Đại gia kín tiếng xứ Kinh Bắc, người kiếm bộn tiền nhờ bán vốn SGN cho Him Lam Group
Chủ tịch Lưu Quang Lãm - người vừa giúp Him Lam Group tiến gần hơn đến "giấc mộng hàng không".

Trong phiên giao dịch ngày 1/6, phía Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng - IMP Corp thông báo thoái xong toàn bộ vốn sở hữu tại Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) với hơn 2,5 triệu cổ phiếu được sang tay. Cùng ngày, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam - Him Lam Land cho biết đã mua vào đúng bằng lượng cổ phiếu mà IMP Corp bán ra, tăng tỷ lệ sở hữu lên 7,6% vốn điều lệ SGN, qua đó tiếp quản chiếc ghế cổ đông lớn mà IMP Corp nhường lại.

Hiện, giá trị thương vẫn được giữ kín. Tuy nhiên, nếu tính theo thị giá trên sàn của SGN là 73.500 đồng/cp, số tiền IMP Corp thu về có thể lên tới gần 200 tỷ đồng.

Điều dư luận quan tâm lúc này là vị đối tác đóng vai trò quan trọng giúp Him Lam Land, hay Him Lam Group của ông Dương Công Minh đạt bước tiến đáng kể trong chiến lược chinh phục ngành hàng không là ai?

“Người đồng hương” Lưu Quang Lãm

Ít ai biết rằng, ông Lưu Quang Lãm (SN 1959) - Chủ tịch HĐQT IMP Corp là một người con của huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh – đồng hương với nhà sáng lập Him Lam Group – ông Dương Công Minh. Ấn tượng hơn, ông Lãm cũng xuất thân từ quân đội, có khoảng thời gian dài phục vụ cho các đơn vị dầu khí trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, khác với ông Minh đã nức tiếng trong lĩnh vực bất động sản – tài chính, ông Lưu Quang Lãm lựa chọn con đường kinh doanh khá vất vả và chịu nhiều cạnh tranh, đó là đầu tư hạ tầng, giao thông vận tải.

Trước khi đến với khối tài sản vạn tỷ ông Lưu Quang Lãm đang sở hữu, hãy điểm lại quá trình phấn đấu của vị doanh nhân kín tiếng này. Theo tìm hiểu, được biết năm 1977, ông Lưu Quang Lãm chính thức nhập ngũ ngay khi hoàn thành chương trình học cấp III và được phân công công tác tại Cục xăng dầu trực thuộc Tổng cục Hậu cần.

Sau thời gian “tạm nghỉ” theo học lớp đạo diễn sân khấu tại Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc, ông Lãm trở về làm việc tại Phòng Vật tư – CNV Quốc Phòng (Quân chủng Không quân), và ít lâu sau chuyển công tác sang Công ty Thiết bị Phụ tùng TP.HCM với vị trí Trưởng phòng Kinh doanh.

Năm 2003, bước ngoặt đến với sự nghiệp của doanh nhân Kinh Bắc khi ông được cất nhắc lên vị trí Trưởng phòng dự án của Tổng công ty Sông Đà chi nhánh TP.HCM. Nên biết, lúc này ông Đinh La Thăng đang đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà.

Một thời gian ngắn sau đó, ông Đinh La Thăng được điều chuyển về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam. Thời điểm này, ông Lưu Quang Lãm cũng chính thức gia nhập Petrovietnam với tư cách là Phó giám đốc, rồi Giám đốc Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) chi nhánh TP.HCM; ông còn đảm trách cương vị Trưởng ban Rà soát hoạt động đầu tư và Tín dụng của PVFC TP.HCM.

Với kinh nghiệm quý giá tích lũy trong quá trình quản lý điều hành tại những doanh nghiệp nhà nước cỡ “khủng”, ông Lưu Quang Lãm có quyết định táo bạo là chấm dứt “kiếp làm thuê”, rút khỏi ngành dầu khí và tạo dựng sự nghiệp riêng. Nghĩ là làm, năm 2010, doanh nhân gốc Kinh Bắc quyết định lập nên IMP Corp ở tuổi 51 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

IMP Corp hoạt động chính trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông vận tải – mảng kinh doanh ông Lưu Quang Lãm chưa có nhiều trải nghiệm. Đáng nói, “sếp” cũ của ông Lãm – ông Đinh La Thăng khoảng một năm sau (2011) được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Không lâu sau, IMP Corp trở thành cái tên đáng chú ý trong làng xây dựng giao thông, tiếng tăm của Chủ tịch Lưu Quang Lãm cũng theo đó lớn dần qua từng dự án mà doanh nghiệp có cơ may trúng thầu. Tiêu biểu trong đó là dự án BOT Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương trị giá 1.679 tỷ đồng (liên danh với Công ty CP Licogi 16); dự án nạo vét cửa sông Cổ Chiên (Châu Thành, Trà Vinh); dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Cái Tráp (Hải Phòng) giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BT với Cục Hàng hải Việt Nam…

Năm 2015, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của IMP Corp – doanh nghiệp xây dựng kế hoạch liên doanh với Công ty TNHH Phát triển Công Italian Thai (ITD) của Thái Lan để thực hiện dự án đường sắt Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức PPP với kinh phí khoảng 800 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa rõ số phận của dự án này.

Không chỉ IMP Corp, hệ sinh thái của đại gia Bắc Ninh còn có Công ty CP Đầu tư và Xây dựng IMP Kinh Bắc; Công ty TNHH IMP Khải Hoàn; Công ty TNHH IMP Soài Rạp; Công ty TNHH IMP Sado; Công ty TNHH MTV IMP Lâm Bình, Công ty TNHH MTV Khai thác cảng – Kim Chân, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và Năng lượng, Công ty TNHH MTV Khai thác cảng – 287…

Đặc biệt, Chủ tịch IMP Corp còn được biết đến với tên gọi “bầu” Lãm khi dành nhiều sự quan tâm cho thể thao. Hiện tại, doanh nghiệp của ông đang là nhà tài trợ chính cho đội bóng chuyền nữ Kinh Bắc quê nhà. Trước đó, ông Lãm cũng từng có thời gian mua lại đội bóng Sài Gòn Xuân Thành của “bầu” Thụy.

SGN – khoản đầu tư “1 vốn 4 lời”

Trở lại với bản hợp đồng thoái vốn khỏi SGN, được biết IMP Corp bắt đầu tham gia đầu tư vào doanh nghiệp từ cuối năm 2014. Cùng với Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC) và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàn Lộc Việt, IMP Corp là một trong ba nhà đầu tư chiến lược tham gia mua thoả thuận lần lượt gần 4%, 2,25% và 12,8% vốn điều lệ SGN.

Giá hợp đồng mua khi đó là 14.100 đồng/cổ phiếu, thời hạn nắm giữ cổ phần là 5 năm. Đến năm 2019, IMP Corp sang nhượng 1,7 triệu cổ phiếu SGN cho phía Vietjet với mức giá 81.400 đồng/cổ phiếu. Tính ra chỉ mất 5 năm, khoản đầu tư của đại gia Lưu Quang Lãm đã tăng gấp 6 lần giá trị, giúp ông “bỏ túi” hơn 140 tỷ đồng.

Trong vụ hợp tác với Him Lam Group mới đây, tuy chưa rõ giá giao dịch cụ thể, song nếu căn cứ theo thị giá thì IMP Corp có thể kiếm lời tối thiểu thêm 160 tỷ đồng. Đấy là chưa kể trong suốt các năm qua, IMP Corp vẫn đều đặn nhận cổ tức hàng chục tỷ đồng từ SGN (tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt bình quân 30%/năm); đi kèm với đó, SGN cũng phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vì vậy nói không quá nếu đánh giá khoản đầu tư của IMP Corp là rất hiệu quả - “1 vốn 4 lời”.

IMP Corp làm ăn thế nào?

Trái với sự “mát tay” trong việc “chọn mặt gửi vàng”, IMP Corp (công ty mẹ) kinh doanh khá mờ nhạt khi doanh thu từ hoạt động cốt lõi chỉ “lẹt đẹt” vài chục tỷ đồng, quá khiêm tốn so với quy mô vốn. Thậm chí, các năm 2018-2019, doanh nghiệp còn “trắng sạch” khoản thu nhập chính này, và phải phụ thuộc hoàn toàn vào doanh thu từ hoạt động tài chính.

Có lẽ vì thiếu ổn định trong kinh doanh, IMP Corp phần lớn thua lỗ trong các năm 2017-2021. Điều đó dẫn tới khoản lỗ lũy kế hơn 70 tỷ đồng tính đến thời điểm chốt năm 2021 của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu theo đó giảm còn 429 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu đạt 500 tỷ đồng.

Thua lỗ khiến khối nợ của IMP Corp nặng thêm. Tại ngày 31/12/2021, nợ phải trả lên đến 1.142 tỷ đồng, cao hơn 2,6 lần vốn tự có. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 450 tỷ đồng, “nhỉnh hơn” cả vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Bóc tách tài sản tỷ USD Him Lam Group và mối liên hệ với LPBank

"Sếu đầu đàn" của Him Lam Group - pháp nhân Him Lam Corp là nơi giữ nhiều của cải nhất với tổng tài sản tiến ...

Thương vụ bán "chui" cổ phiếu SGN hé mở toan tính của Him Lam trong lĩnh vực hàng không?

Số cổ phiếu SGN mà Him Lam Land mua vào đúng bằng số cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng (Impcorp) đang ...

Him Lam bất ngờ báo lãi 2.380 tỷ đồng, gấp 14 lần cùng kỳ nhờ chốt lời “siêu cổ” DIG?

Cuối năm 2021, đầu 2022, hiệu ứng FOMO thúc đẩy thị giá DIG tăng gấp 4, 5 lần, có thời điểm vượt ngưỡng ba chữ ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán