Doanh nghiệp xúc tiến thương mại quốc tế bằng lợi thế tác động xã hội

(Banker.vn) Xúc tiến thương mại quốc tế bằng lợi thế tác động xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm cách đi sâu vào chuỗi phân phối toàn cầu.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 10 Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023 có điểm gì mới? Bài 1: Doanh nghiệp chủ động thích ứng tiêu dùng xanh

Sau 2 lần xúc tiến thương mại tại Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan (năm 2022, năm 2023), nhãn hiệu MISS EDE đến từ thành phố Buôn Ma Thuột đã thành công ký kết hợp đồng nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm socola và cà phê thành phẩm vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi lớn thứ 2 tại Thái Lan là TOPs với Tập đoàn Central Group.

Người tiêu dùng tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc hào hứng với sản phẩm sô cô la Đắk Lắk
Người tiêu dùng tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc hào hứng với sản phẩm socola Đắk Lắk

Trong 12 tháng qua, sau 3 lần tham gia xúc tiến tại Hàn Quốc với các địa phương như Seoul, Gwangju, Jeollanam, Jeollabuk, Gyeongnam bằng các hình thức như gặp mặt đàm phán kinh doanh (B2B), triển lãm thực phẩm quốc tế, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (nhãn hiệu MISS EDE) đã tiếp cận được hàng chục ngàn người tiêu dùng và hàng trăm bạn hàng, người mua Hàn Quốc.

Ông Hoàng Danh Hữu - nhà sáng lập nhãn hiệu MISS EDE cho hay, việc tham gia các triển lãm chuyên nghiệp tại thị trường Thái Lan và Hàn Quốc, doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu trực tiếp sản phẩm vào thị trường mà Việt Nam và quốc gia đó có ưu đãi thuế xuất nhập khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này nhằm giúp doanh nghiệp tránh được rào cản thuế quan gây khó khăn trong cạnh tranh tại thị trường nước bạn.

Dù vậy, theo ông Hoàng Danh Hữu, việc một nhãn hiệu thực phẩm hoàn chỉnh của Việt Nam muốn nhập khẩu chính ngạch vào kênh bán lẻ hiện đại của nước ngoài dành cho người dân bản địa của họ là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với lợi thế lớn về việc được ghi nhận là doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội (Social Impact Business – SIB) đã giúp doanh nghiệp tạo ra được một sức thu hút các doanh nghiệp lớn ở nước sở tại.

“Các tập đoàn bán lẻ lớn hiện nay đều đang phải tìm kiếm các sản phẩm thuộc nhóm tiêu dùng bền vững, đây là một trong những tiêu chí quan trọng cho chính hồ sơ ESG (hồ sơ "kinh tế xanh") của họ. Đương nhiên, ngoài yếu tố trên, doanh nghiệp cũng cần có chất lượng và tiềm năng bán hàng tốt thông qua nhận diện thương hiệu khác biệt mới có thể thu hút được người mua nước bạn”, ông Hoàng Hữu Danh cho biết.

Là một trong 9 doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội SIB (Social Impact Business) nhóm chuyên sâu năm 2022 và 2023 do “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với Covid-19" (ISEE-COVID) của Chương trình Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ, MISS EDE cũng là một nhãn hiệu hiếm hoi đến từ tỉnh Đắk Lắk được ghi nhận và tài trợ vốn hạt giống để phát triển doanh nghiệp thông qua một số tiêu chí như: Vùng canh tác đạt các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu như Rainforest Alliance, 4C; hoạt động kinh doanh ưu tiên nhóm lao động yếu thế như phụ nữ và người thiểu số bản địa; hoạt động xây dựng nhận diện thương hiệu gắn liền văn hoá bản địa...

Sau khi có được ghi nhận này, nhãn hiệu đã liên tục được các tập đoàn bán lẻ chuyên nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp kinh doanh đặc sản và cửa hàng miễn thuế trong các sân bay quốc tế tại Việt Nam là IPP Travel Retail (IPP Group) và CIAS hợp tác phân phối chính hãng. Đây là kênh xuất khẩu tại chỗ mà doanh nghiệp này đã sớm có được trong gần 2 năm qua.

Trong xu thế toàn cầu đang hướng tới tiêu dùng bền vững và kinh doanh tạo tác động (kinh tế xanh - ESG), thì việc được ghi nhận từ một đơn vị uy tín của Liên hợp quốc là một lợi thế rất lớn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng, nhất là các thị trường tiêu dùng hướng tới khách du lịch quốc tế.

Ông Park Joong Moo - Giám đốc đối ngoại Triển lãm nông nghiệp và thực phẩm quốc tế thành phố Jinju, tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc cho hay: “MISS EDE là nhãn hiệu duy nhất tại Tây Nguyên (Việt Nam) mà chúng tôi trực tiếp gửi thư mời và tài trợ toàn bộ chi phí tham gia Triển lãm nông nghiệp và thực phẩm quốc tế Jinju 2023. Đây là một doanh nghiệp có uy tín trong danh sách SIBs, ngoài ra bản thân tôi cũng đã được trực tiếp thấy được sự đầu tư chỉnh chu về sản phẩm và cách tham gia triển lãm ngay tại gian hàng của nhãn hiệu này tại sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 và 2023. Chúng tôi đánh giá nhãn hiệu này sẽ sớm có cơ hội nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc".

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đánh giá, mặc dù là một doanh nghiệp mới và nhỏ, nhưng cách tiếp cận thị trường của nhãn hiệu MISS EDE là một hướng đi mới và khôn ngoan; việc tận dụng xu thế kinh tế xanh toàn cầu là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp khác tại địa phương nên học hỏi để dễ dàng tạo ra giá trị khác biệt.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương