Doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng xác minh thông tin đối tác trước khi giao dịch

(Banker.vn) Doanh nghiệp xuất khẩu có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các thương vụ Việt Nam, các tham tán thương mại xác minh đối tác xuất khẩu để ngăn ngừa tình trạng lừa đảo.
Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo sang thị trường Bắc Âu cần lưu ý gì? Kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng 2024 Doanh nghiệp tìm được đối tác, đơn hàng tại Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng 2024

Tại Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng 2024 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng mới đây, nhiều tham tán thương mại, đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã nêu ra những cảnh báo cũng như khuyến nghị cho doanh nghiệp xuất khẩu ngăn ngừa tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế.

Hợp đồng giao dịch thương mại quốc tế nhưng chỉ 1 trang giấy

Chia sẻ về tình hình thị trường Âu Mỹ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Việt San – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhấn mạnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý trong giao dịch mua bán hàng hóa.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng xác minh thông tin đối tác trước giao dịch
Ông Nguyễn Việt San – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải rất thận trọng tìm hiểu kỹ đối tác trước khi kí kết hoặc thực hiện các hợp đồng mua bán

Theo ông Nguyễn Việt San, trong bối cảnh hiện nay liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo mạo danh. "Thời gian qua, Vụ Thị trường Âu Mỹ phải giải quyết rất nhiều vụ việc khiếu nại của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nghe rất uy tín. Nhưng khi kiểm tra ra thì phát hiện đó là các đối tượng lừa đảo của các nước khác như Trung Đông, Châu Phi.", ông Nguyễn Việt San nói và làm rõ thêm: “Các đối tượng lợi dụng tâm lý châu Âu, châu Mỹ là có những nước phát triển nên họ đã lập những website giả trong đó giả văn phòng đại diện, trụ sở công ty ở châu Âu, châu Mỹ để doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng, hoặc các biên. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải rất thận trọng tìm hiểu kỹ đối tác trước khi kí kết hoặc thực hiện các hợp đồng mua bán”.

Đồng tình với khuyến nghị này, ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) lưu ý, hiện nay doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối với nhau qua internet rất thuận tiện và có hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi có kết nối bước đầu qua internet, doanh nghiệp cần phải xác minh. “Doanh nghiệp có thể thông qua mạng xã hội kết nối với khách hàng, nhưng qua những thông tin đó, chúng ta cần phải xác minh. Về thực lực tài chính phức tạp thì còn phải có thời gian, nhưng ít nhất phải xác minh doanh nghiệp đó phải tồn tại, đang hoạt động bình thường”, ông Nông Đức Lại nói.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) thông tin: “Khi xử lý những vụ việc doanh nghiệp khiếu nại, chúng tôi nhận thấy có những hợp đồng mua bán quốc tế mà chúng ta chỉ làm đúng 1 trang. Chỉ gồm những điều khoản rất đơn giản, không hề có bất kỳ điều khoản ràng buộc gì. Doanh nghiệp nên làm hợp đồng chặt chẽ (nếu cần thiết sẵn sàng bỏ ra một ít tiền) để tránh bị lừa đảo trong giao dịch thương mại”.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng xác minh thông tin đối tác trước giao dịch
Ông Dương Hoàng Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng với chiêu lừa chuyển đặt cọc mua hàng giá rẻ

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp

Theo bà Quyền Thị Thúy Hà - Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka nói riêng, tại Nhật Bản nói chung thường xuyên các tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Nhật Bản cũng như kịp thời nắm bắt thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng Nhật Bản.

Đáng lưu ý, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng nhận được sự phản ánh về một số vụ việc liên quan đến việc lợi dụng thông tin của doanh nghiệp Nhật Bản để lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam trong các giao dịch. “Vì vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tìm hiểu, đi đến hợp tác với một đối tác, doanh nghiệp nào tại Nhật Bản thì cần có sự xác minh ban đầu cũng như tìm hiểu kỹ người đại diện làm đầu mối thông tin trao đổi tại Nhật Bản tránh bị lừa đảo”, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) khuyến cáo.

Ông Dương Hoàng Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga cũng cho rằng, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi giao dịch.

Ông Dương Hoàng Minh cho biết, trong những năm gần đây một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị các đối tượng thông qua internet chào hàng với giá rẻ để lừa đảo. Doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ thông tin đã ký hợp đồng nhập khẩu với các điều khoản lỏng lẻo, trong đó có “đặt cọc trước”. Sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc thì đối tác ngắt liên lạc hoặc yêu cầu chuyển thêm tiền rồi ngắt liên lạc. “Hợp đồng cần được các bên trao đổi và có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc chậm thanh toán. Đặc biệt, chú trọng đến các vấn đề giao hàng - thanh toán để đảm bảo tránh rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng”, ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh và nói thêm "Thương vụ Việt Nam tại Nga sẵn sàng hỗ trợ Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp Đà Nẵng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xúc tiến thương mại và xác minh tìm kiếm đối tác tại Nga".

Doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng xác minh thông tin đối tác trước giao dịch
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ kết nối, xác minh thông tin đối tác quốc tế qua các tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khuyến nghị: “Sau khi tìm kiếm được đối tác qua mạng trực tuyến, doanh nghiệp nên trao đổi cũng như tìm kiếm sự trợ giúp của tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài trong việc xác minh thông tin trước khi kí hợp đồng, trước khi giao kết”.

Thông tin về các thương vụ, tham tán thương mại doanh nghiệp được đăng tải công khai trên website Bộ Công Thương. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhận thông tin thị trường nhập khẩu, đặc biệt là tiêu chuẩn, quy chuẩn. Có thể liên hệ trực tiếp với các thương vụ, tham tán hoặc thông qua các hội nghị giao ban xúc tiến hàng tháng của Cục Xúc tiến thương mại với các thương vụ, tham tán thương mại. Ở đó có cập nhật đầy đủ thông tin về sự thay đổi của thị trường nhập khẩu.

Vũ Lê

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục