Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chủ động đáp ứng quy định của thị trường EU

(Banker.vn) Để cà phê xuất khẩu được hưởng lợi ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đã nỗ lực chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững.
Xuất khẩu cà phê chế biến tăng 46% Giá xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ tăng đến tháng 4/2024

Doanh nghiệp chủ động đáp ứng các quy định thị trường

Yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với ngành cà phê toàn cầu đã được đưa ra thảo luận rất kỹ tại Hội nghị Cà phê Quốc tế châu Á (Coffee Outlook) lần thứ 27 vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, bên cạnh các ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA, thị trường EU đã và đang siết chặt các quy định khác liên quan đến thị trường. Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngay từ đầu niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 11/2023), ngành cà phê phải có kế hoạch hành động triển khai thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của Liên minh châu Âu. Việc triển khai từng bước các chương trình này thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê toàn cầu đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biển đổi khí hậu…

Thị trường EU đang siết chặt quy định về nhập khẩu, yêu cầu về EUDR cho sản phẩm cà phê. Do đó, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê, đặc biệt là vai trò của nhà xuất khẩu phải tăng khả năng thích ứng và hành động để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thị trường đặt ra. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu của vụ 2023-2024 và đặc biệt từ vụ 2024-2025 trở đi, khi quy định dự kiến sẽ chính thức áp dụng.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết, để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, tiếp tục tận dụng hiệu quả ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, năm 2024, các nhà rang xay lớn của thế giới như JDE, Nestle, Tchibo… sẽ tiếp tục phối hợp với các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để xây dựng các chương trình cà phê bền vững cũng như cam kết tăng mạnh sản lượng cà phê có chứng nhận trong các năm tới.

Về phía Intimex Group, tập đoàn dự kiến nâng công suất nhà máy cà phê hòa tan lên gấp 2 lần. Tập trung xây dựng và triển khai các dự án cà phê bền vững. Phối hợp các chính quyền, hiệp hội, tổ chức, công ty đối tác trong việc xây dựng đề án, giải pháp theo quy định về chống phá rừng EUDR từ nay đến hết năm 2024.

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chủ động đáp ứng quy định của thị trường EU
Cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé hướng dẫn phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh cho các hộ nông dân

Các doanh nghiệp cà phê khác tại Việt Nam cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng cho cà phê để đáp ứng các yêu cầu quốc tế. Theo đó, để có được nguồn cà phê chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, từ năm 2011 đến nay, Công ty Nestlé Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ hàng trăm nghìn nông dân tái canh cây cà phê già cỗi, chuyển dịch sang nông nghiệp tái sinh, nâng cao thu nhập, đồng thời kết hơp các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu, nhằm tạo ra nhiều giá trị cho hạt cà phê Việt.

Bên cạnh việc tìm hiểu các nỗ lực canh tác bền vững tại các vườn cà phê, đoàn được giới thiệu về các sáng kiến bền vững thiết thực của Nestlé trong hoạt động sản xuất như các mô hình kinh tế tuần hoàn, quy trình xử lý, tái chế và tái sử dụng các chất thải từ sản xuất. Trung bình 60-65% tổng lượng nước thải/năm tại nhà máy chế biến cà phê đã được xử lý để tái sử dụng. Không dừng ở đó, 100% bã cà phê sau sản xuất được dùng làm năng lượng sinh khối. Cát thải trong lò hơi được cung cấp cho đối tác để làm nguyên liêu sản xuất gạch không nung. Từ năm 2015, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu không phát thải chôn lấp ra môi trường. Nhờ vào những nỗ lực này, Nestlé không chỉ sản xuất ra những cốc cà phê ngon từ những hạt cà phê canh tác có trách nhiệm mà còn đóng góp cho một tương lai bền vững.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất cà phê hữu cơ, ông Thái Như Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ, con đường mà Vĩnh Hiệp đi là con đường sản xuất cà phê hữu cơ. Đây là con đường chông gai, song sẽ mang đến giá trị rất lớn cho cà phê Việt bởi cà phê hữu cơ chính là loại cà phê được các khách hàng khó tính như Mỹ, EU ưa chuộng.

Hiện nay, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất đáp ứng các bộ tiêu chuẩn quốc tế như USDA Hoa Kỳ, EU Organic, UTZ, BRC, Japan Organic, cùng các chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín toàn cầu như: 4C, UTZ, BRC L'amant Café không chỉ trải nghiệm cà phê yêu thích của người Việt, mà còn ấp ủ tham vọng "Đưa cà phê hữu cơ Việt ra thế giới".

Hiện mỗi năm, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 50-70 tấn cà phê các loại cho thị trường thế giới, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%. Cà phê Vĩnh Hiệp luôn được thị trường ưa chuộng với cung không đáp ứng đủ nhu cầu.

Mở rộng diện tích cà phê được chứng nhận

Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, hiện cả nước có hơn 710.000 ha cà phê. Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê, song nhờ năng suất cao nhất thế giới nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ hai thế giới, từ 1,75-1,85 triệu tấn.

Trong tổng số hơn 710.000 ha, Việt Nam mới chỉ có hơn 185.000 ha diện tích cà phê đạt chứng nhận sản xuất bền vững, với các chứng nhận: Utz Certified, Rainforest, 4C, VietGAP…

Theo góp ý từ doanh nghiệp, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm, đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,4 triệu tấn, trị giá hơn 3,5 tỉ USD, giảm 13% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân của cà phê Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt mức 3.148 USD/tấn, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam là EU. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường cạnh tranh cao, đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư vào đa dạng hóa sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chế biến và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, EU nhập khẩu hơn 3 triệu tấn cà phê, trị giá gần 13 tỷ Euro. Với khối lượng xuất khẩu đạt hơn 660.000 tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ Euro, Việt Nam là nhà cung cấp cà phê ngoại khối lớn thứ 2 cho EU, chỉ đứng sau Brazil. Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để cà phê Việt Nam phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương