Doanh nghiệp vừa ''bơm'' vốn gấp 60 lần, ''lăm le'' dự án 643 tỷ ở Thái Nguyên

(Banker.vn) Để tô điểm cho hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu dân cư 643 tỷ đồng, Công ty Smartthings Việt Nam đã "thần tốc" tăng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Cháy nhà ở Thái Nguyên, 2 vợ chồng tử vong Thái Nguyên: Doanh thu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt gần 17 tỷ USD

Một dự án vừa "ra lò" ở tỉnh Thái Nguyên đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, đó là Khu dân cư Thanh Lương, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, có diện tích gần 30,2 ha, tổng mức đầu tư gần 643 tỷ đồng (bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 112 tỷ đồng).

Dự án sẽ mang tới cho thị trường Thái Nguyên các sản phẩm bất động sản chất lượng như nhà ở liền kề, biệt thự, đất ở thực huyện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng, đất thương mại dịch vụ, đất tái định cư và xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật… đáp ứng quy mô dân số khoảng 3.500 người.

Doanh nghiệp vừa ''bơm'' vốn gấp 60 lần, ''lăm le'' dự án 643 tỷ ở Thái Nguyên
Công ty Smartthings Việt Nam là doanh nghiệp chuyên về bán buôn tổng hợp (mã ngành 4690), được thành lập từ ngày 16/4/2021, đặt trụ sở ở số 206 đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Khu dân cư Thanh Lương, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình có thời gian hoạt động là 50 năm và tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ giữa năm 2024 đến cuối năm 2027.

Yêu cầu sơ bộ về năng lực tài chính và kinh nghiệm đối với nhà đầu tư được đánh giá là khá chặt chẽ, toàn diện. Theo đó, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đặt ra bài toán cho doanh nghiệp muốn thực hiện dự án là phải thu xếp được số vốn chủ sở hữu tối thiểu hơn 96 tỷ đồng (tương đương 15% tổng mức đầu tư), đồng thời có kinh nghiệm làm ít nhất 1 dự án tương tự, trên cương vị là nhà đầu tư chính, nhà thầu chính hoặc thành viên tham gia góp vốn chủ sở hữu vào liên danh nhà đầu tư.

Theo đó, nếu dự án tương tự trong lĩnh vực khu đô thị; nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ; công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng mà nhà đầu tư tham gia với vai trò nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 7 năm trở lại đây phải có tổng mức đầu tư tối thiểu gần 386 tỷ đồng và nhà đầu tư đã góp vốn chủ sở hữu với giá trị tối thiểu gần 58 tỷ đồng.

Đối với dự án trong lĩnh vực khu đô thị; nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ; công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính xây lắp, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 5 năm trở lại đây phải có giá trị tối thiểu hơn 265 tỷ đồng.

Còn đối với dự án trong lĩnh vực khu đô thị; nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ; công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng mà đối tác tham gia với vai trò là nhà thầu chính xây lắp, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 5 năm trở lại đây phải có giá trị tối thiểu hơn 265 tỷ đồng.

Sau khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án vào hồi 9h sáng 8/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên mới đây thông báo chỉ ghi nhận duy nhất một nhà đầu tư quan tâm, ứng tuyển là Công ty Cổ phần Smartthings Việt Nam.

"Đơn thương độc mã" giúp Công ty Smartthings Việt Nam không gặp bất cứ áp lực cạnh tranh nào. Song, điều đó là chưa đủ để có thể tạo ra kết quả như mong muốn của doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, Công ty Smartthings Việt Nam là doanh nghiệp chuyên về bán buôn tổng hợp (mã ngành 4690), được thành lập từ ngày 16/4/2021, đặt trụ sở ở số 206 đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Vốn sáng lập của Công ty Smartthings Việt Nam khá dè dặt ở mức 2 tỷ đồng, trong đó, Công ty Cổ phần Vật tư và Hóa chất xây dựng Đông Á góp 51% tương đương 1,02 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tất Long (SN 1979) góp 48% và 1% còn lại thuộc về ông Đỗ Văn Khánh (SN 1973) - Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Đáng chú ý, suốt hơn 3 năm nay, Công ty Smartthings Việt Nam vẫn duy trì số vốn điều lệ 2 tỷ đồng như hồi mới lập. Tuy nhiên, từ ngày 19/6 vừa qua, các cổ đông doanh nghiệp đã hồ hởi kéo nhau góp thêm 118 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng, tức tăng gấp 60 lần. Động thái này xảy ra trước thềm tỉnh Thái Nguyên chốt kết quả nộp hồ sơ đăng ký làm dự án Khu dân cư Thanh Lương gần 643 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty Smartthings Việt Nam đã có thể bước qua vòng sơ tuyển về năng lực tài chính. Vậy nhưng, ban lãnh đạo sẽ "đau đầu" trước bài toán yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự. Số vốn khiêm tốn 2 tỷ đồng phủ nhận khả năng doanh nghiệp tham gia các dự án vài trăm tỷ đồng dù trên vai trò nhà đầu tư, nhà thầu chính hay thành viên góp vốn trong liên danh.

Về Công ty Vật tư và Hóa chất xây dựng Đông Á (Công ty Đông Á), được lập ra từ tháng 10/2016, do ông Trần Quang Tuấn làm Tổng giám đốc (SN 1979). Danh sách cổ đông sáng lập của Công ty Đông Á, ngoài ông Trần Quang Tuấn còn có sự hiện diện của ông Đỗ Văn Khánh - Giám đốc Smartthings Việt Nam, người sở hữu 33,33% vốn điều lệ và ông Nguyễn Đăng Dũng (SN 1978).

Công ty mẹ của Smartthings Việt Nam cũng vừa "lột xác" trong thời gian gần đây. Thay vì giữ vốn sáng lập 3 tỷ đồng, tháng 12/2018, họ tăng vốn lên 5 tỷ đồng. Hơn 5 năm sau, tận tháng 1/2024, Công ty Đông Á mới đăng ký vốn điều lệ 50 tỷ đồng, là lần điều chỉnh vốn cuối cùng đến thời điểm hiện tại.

Có thể đánh giá, tiềm lực tài chính của nhóm này không thực sự vững vàng như mong đợi. Trong khi đó, phần lớn các dự án tiêu biểu mà Công ty Đông Á đang treo trên website "https://dongatrade.vn/", chẳng hạn dự án khu văn phòng liên ngành sở Quảng Ninh, khu đô thị Mipec Kiến Hưng, chung cư Imperial Plaza (360 Giải Phóng, Hà Nội)... doanh nghiệp chỉ tham gia với tư cách là nhà cung cấp vật tư và thi công chống thấm.

Ngọc Anh

Theo: Báo Công Thương