"Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn"

(Banker.vn) Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn.
Doanh nghiệp Việt Nam hiện thực hoá khát vọng toàn cầu, nhìn từ câu chuyện VinFast Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 5,47 tỷ USD vào Lào Hơn 120 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ CAEXPO 2023 tại Trung Quốc

Doanh nghiệp vẫn tồn tại một cách bền bỉ

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sáng 19/9, chuyên đề 1 đã diễn ra với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”.

“Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn”
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, trên bình diện tổng quát, Việt Nam cùng cả thế giới đang trong một bước chuyển lịch sử, với sự thay đổi về nền tảng, cấu trúc lẫn tính chất quy mô phát triển.

Ở tầm nhìn trung và dài hạn, bối cảnh thế giới được khắc họa bằng những đường nét ít lạc quan. Là quốc gia “đi sau” nhưng có độ mở cửa, hội nhập quốc tế cao trên mọi phương diện, Việt Nam không nằm ngoài xu thế toàn cầu và thời đại đó.

Song, trong bối cảnh chung, Việt Nam lại ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.

Điểm nhấn mạnh đầu tiên, theo ông Thiên, là sau 3 năm trải qua đại dịch Covid-19 và vượt qua nó theo một logic “nghiệt ngã” không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng - phát triển nhìn chung là tích cực.

“Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng như ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này” - ông Thiên nói và cho rằng, những thành tích đó đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có 2 vấn đề lớn đặt ra. Thứ nhất, xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ hai, nghịch lý của quá trình phát triển kinh tế.

Ở vấn đề thứ hai, ông Thiên cho rằng, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng nghịch lý, trong đó, có nghịch lý phát triển doanh nghiệp. “Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.

Lý giải nghịch lý này, ông Thiên giải thích, lực lượng doanh nghiệp Việt, tuy gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế chưa lâu, song có những đặc điểm phát triển khác thường. Một mặt, đó là những doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường.

“Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất của nhận định đó là hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả lãi suất cao như ở Việt Nam - thường là cao gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” khác, cũng thường là cao vượt trội” - ông Thiên nói và nhấn mạnh, việc trả giá vốn không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đơn lẻ mà kéo dài trường kỳ.

“Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế mở, nhất là với trình độ thấp và thực lực yếu. Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước” - vị chuyên gia cho hay.

Song, câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực chống chịu và trụ hạng hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt?

Theo ông Thiên, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại.

Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương 70-75% số doanh nghiệp đăng ký thành lập. “Đây là một tỉ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt sống thọ không nhiều. Một bộ phận lớn trong số đó chưa kịp lớn đã ra đi” - ông Thiên nêu.

8 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 124.700 so với số doanh nghiệp mới thành lập và gia nhập lại là 149.400 đạt xấp xỉ 84, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022.

“Xu thế phát triển doanh nghiệp chậm lại và khó khăn hơn trong thời gian gần đây phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam” - PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá.

Nền kinh tế khát vốn nhưng lại khó hấp thụ

Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công - trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm. Giải ngân mới đạt 39,6% kế hoạch, cho dù Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực cao độ.

Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.

Theo ông Thiên, mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thật sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp “đói vốn, khát vốn” đang là một thực tế gay gắt. Trong khi đó, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn.

Cộng lực với Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng làm điều chưa từng thấy khi 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỉ giá hối đoái và cả áp lực phải đẩy mạnh cho vay tiếp tục tăng.

“Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn, nhiều doanh nghiệp đói vốn nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển” - ông Thiên nhận định.

Từ đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương