Doanh nghiệp vay ngân hàng giảm kỷ lục, năm 2022 chỉ còn 17,8%

(Banker.vn) Thông tin này được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023 diễn ra vào sáng ngày 11/10.

Tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng những tháng cuối năm

NHNN yêu cầu nhà băng kiểm soát cấp tín dụng cho các "sân sau"

Ngân hàng đã xử lý hơn 128.000 tỷ đồng nợ xấu chỉ trong 7 tháng đầu năm

Doanh nghiệp vay ngân hàng giảm mạnh

Tại Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023, VCCI cho hay, kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của đơn vị này cho thấy, có gần 56% doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận tín dụng, số cao nhất trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng liên tục giảm.

Cụ thể, trong năm 2022 chỉ còn 17,8% doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng, thấp nhất trong 5 năm gần đây và thấp hơn cả giai đoạn dịch bệnh. Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, chỉ có 11,3% tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Doanh nghiệp vay ngân hàng giảm kỷ lục, năm 2022 chỉ còn 17,8%
Ảnh minh hoạ

Nhóm doanh nghiệp quy mô 3 - 10 tỷ đồng, tỷ lệ vốn vay ngân hàng 20,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 10 - 20 tỷ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận vốn cũng chỉ quanh mức 25 - 35%.

Cũng trong năm này, gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19 . Dù được nhiều doanh nghiệp ngóng chờ để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn nhưng kết quả không mấy tích cực. Chỉ có 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ này.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%. Sang năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Đến năm 2020, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong năm 2021 chỉ còn 35,4%. Vào năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%.

Theo VCCI, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (chiếm 79,4%). Đáng lưu ý là một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022. Cụ thể là các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân, thủ tục vay vốn phiền hà, tình trạng doanh nghiệp phải "bồi dưỡng" cho cán bộ tín dụng để vay vốn và cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp...

Lãnh đạo VCCI cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có gần 900.000 doanh nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động. Trong năm 2022, tổng vốn của doanh nghiệp gần 50,91 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu thuần gần 27,4 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp khoảng 2-3 triệu người. Chưa kể, nếu tính tất cả người làm kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể lên tới 10 triệu người.

Ngân hàng Nhà nước liên tục có nhiều giải pháp

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục tổ chức các hội nghị kết nối với các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành trên cả nước với mục tiêu đồng hành tìm giải pháp để ngân hàng và doanh nghiệp có "đồng lòng" trong vấn đề tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên để đạt được định hướng tín dụng cả năm khoảng 14 - 15% như Ngân hàng Nhà nước đề ra vào đầu năm đang là một thách thức.

Khi kết quả tăng trưởng quý I/2023 giảm mạnh được công bố, trên cơ sở dự báo tình hình lạm phát có khả năng được kiểm soát, NHNN đã liên tục có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp.

Như việc, NHNN đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...

Gần đây, NHNN đã triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Hiện đã có 13 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình và đã thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng, cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Đặc biệt, NHNN đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm. Đồng thời, cơ quan này phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng để kêu gọi các tổ chức hội viên tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay có dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Lãi suất tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm mạnh

Lãi suất tín phiếu và liên ngân hàng đồng loạt giảm mạnh, xuống dưới 1%.

Bộ 3 ngân hàng quyền lực Sacombank - Eximbank - ACB ngày ấy, bây giờ ra sao?

Những năm cuối thế kỷ 20, thập niên đầu thế kỷ 21, Sacombank - Eximbank - ACB vẫn được gọi với 1 tên khác "bộ ...

Big 4 ngân hàng đầu tư kinh doanh, bảo toàn vốn Nhà nước ra sao?

Theo báo cáo Chính phủ đề cập đến kết quả triển khai đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng. Trong ...

Thiên Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán