Doanh nghiệp Việt cần phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế Tiếp tục cảnh báo lừa đảo thương mại quốc tế trong lĩnh vực nông sản |
Mật độ lừa đảo tăng nhanh
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha thông tin nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp trong nước kinh doanh xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu về doanh nghiệp Tây Ban Nha đó là doanh nghiệp Tây Ban Nha viện lý do hàng của doanh nghiệp Việt Nam không bảo đảm chất lượng hàng hóa tại cảng đến hay bị lâm vào tình trạng thua lỗ do giá thị trường sở tại sụt giảm nên đã không thực hiện đúng theo hợp đồng mua bán, cụ thể là chậm trễ, chây ì trong thanh toán nốt tiền hàng. “Thực tế này đã gây khó khăn, tổn hại thời gian, chi phí lưu kho và phải kéo hàng về đối với doanh nghiệp ta”- Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết.
Doanh nghiệp phải tìm hiểu, xác minh uy tín của bạn hàng trước khi tiến hành giao dịch. Ảnh: TTXVN |
Bộ Công Thương cho biết, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc đa khủng hoảng toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ hậu quả của đại dịch Covid-19, trong đó vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế tương đối nổi cộm với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi. Năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Theo ghi nhận của Thương vụ Việt Nam tại Canada, thời gian qua, các vụ lừa đảo thương mại thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ tăng rất nhanh. Mặc dù Thương vụ đã không ít lần cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng số vụ lừa đảo vẫn không hề giảm; trung bình mỗi tháng Thương vụ tiếp nhận khoảng 10 vụ việc. Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, theo quan sát, do đang "khát" đơn hàng nên khi nhận được lời đề nghị từ nước ngoài, nhất là từ thị trường tin cậy như Canada, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chủ quan, dẫn tới sơ hở khi tiếp cận cũng như soạn thảo hợp đồng.
Trước các rủi ro, Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán. Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường,... Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp bị lừa đảo trong giao thương quốc tế vẫn xảy ra.
Về năng lực ứng phó của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dù có nhiều trải nghiệm, nhưng đa số là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của các nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng cho rằng, dù đã có một quá trình hội nhập, kinh doanh quốc tế nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa coi trọng quản trị rủi ro và ngăn ngừa lừa đảo trong đàm phán ký kết hợp đồng, bảo mật thông tin giao dịch và qui trình kiểm soát thanh toán an toàn.
Theo dõi những biểu hiện biến động bất thường
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được thực thi đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với các đối tác, phát triển thị trường quốc tế, vì vậy, các rủi ro, nguy cơ bị lừa đảo, xảy ra tranh chấp trong giao dịch thương mại lại càng lớn.
Tại Vương quốc Anh, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, các vụ lừa đảo thương mại có nguy cơ nhưng không nhiều vì luật pháp Anh rất chặt chẽ và năng lực thực thi pháp luật rất cao. Tuy nhiên, quá trình tham gia giao dịch thương mại với các đối tác tại Anh quốc doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý để phòng tránh khi phát sinh tranh chấp. Bởi, không phải doanh nghiệp nào tự nhận là doanh nghiệp Anh quốc cũng thực sự là doanh nghiệp được thành lập và kinh doanh theo pháp luật Anh và xứ Wales.
Vì vậy, để tránh lừa đảo, doanh nghiệp Việt Nam nên kiểm tra tính xác thực của thông tin về đối tác của mình. Trong đó, ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị, doanh nghiệp phải tìm hiểu, xác minh uy tín của bạn hàng trước khi tiến hành giao dịch và thường xuyên theo dõi những biểu hiện biến động bất thường của bạn hàng. Những lời mời chào hấp dẫn (mua hàng giá cao, bán hàng giá rẻ, phong cách nhanh và sẵn sàng tạo thuận lợi) của khách hàng mới quen trên không gian ảo thường tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, hacker có thể xâm nhập hệ thống thư điện tử của doanh nghiệp để mạo danh giao dịch và sửa thông tin tài khoản ngân hàng trên hóa đơn. “Nếu doanh nghiệp nhận được một email thông báo của khách hàng lâu năm thay đổi số tài khoản ngân hàng thì phải cảnh giác vì các công ty tại châu Âu hầu như không bao giờ thay đổi số tài khoản ngân hàng kế cả khi đổi chủ”- ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số công ty làm ăn thua lỗ hay có nhiều nợ xấu có thể bị dồn vào thế phải đi lừa đảo bạn hàng cũ của mình để có tiền trả nợ. Trong những bối cảnh như vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải có cơ chế và nhân sự chuyên nghiệp về đánh giá và quản trị rủi ro. Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng có khả năng xác minh đối tác và tư vấn phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp.
Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng cũng hết sức quan trọng. Tuy vậy, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, phía các Hiệp hội ngành hàng hay cơ quan quản lý Việt Nam chỉ có thể phát thông tin cảnh báo rủi ro nhưng việc xác lập và vận hành quy chế quản trị rủi ro phòng chống lừa đảo thì doanh nghiệp phải tự chủ động thực hiện.
Trước tình hình các hình thức lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện.
Đồng thời, Bộ Công Thương tăng cường hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.
Thời gian tới, để hỗ trợ và bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết những rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các hiệp hội, ngành, hàng chủ động phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin tới cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp khi hoạt động thương mại quốc tế; hợp tác với các cơ quan đối tác, hiệp hội, ngành hàng của nước ngoài giúp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại (nếu có) và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp Việt Nam,...
Cục Xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ phối hợp các đơn vị liên quan liên tục bám sát, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế. |
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|