Doanh nghiệp tuần qua: Siba Group chuẩn bị lên sàn, Đầu tư PVR Hà Nội ngừng kinh doanh vì hết tiền

(Banker.vn) Tuần lễ vừa qua là một khoảng thời gian “đầy cảm xúc” đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong khi một số doanh nghiệp nhận tin vui thì số khác lại phải “ngậm ngùi” công bố những thông tin đáng buồn.
Doanh nghiệp tuần qua: Siba Group chuẩn bị lên sàn, Đầu tư PVR Hà Nội ngừng kinh doanh vì hết tiền
Doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán mang nhiều thái cực cảm xúc khác nhau

Siba Group (SBG) được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE

Ngày 13/11/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) ra quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu đối với Công ty CP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba (Siba Group). Theo đó, 25 triệu cổ phiếu phổ thông của Siba Group có mệnh giá 10.000 đồng/cp, sẽ được giao dịch trên HOSE với mã chứng khoán SBG. Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết theo mệnh giá tương ứng là 250 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 24/4/2023, Siba Group đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu lên HOSE. Đây cũng là kế hoạch đã được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu, Siba Group có tiền thân là Công ty CP Cơ khí Môi trường Việt Nam (VNEMEC), được thành lập ngày 12/2/2015 với số vốn điều lệ là 90 tỷ đồng. Sau hai lần đổi tên và hai lần tăng vốn, doanh nghiệp ấn định tên gọi Siba Group với số vốn điều lệ là 250 tỷ đồng. Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh nghiệp có hai cổ đông lớn là Công ty CP Siba Holdings nắm 55,6% vốn điều lệ và ông Nguyễn Văn Đức nắm 6,06% vốn điều lệ.

Trong đó, Siba Holdings - cổ đông lớn nhất của Siba Group là một “mảnh ghép” trong hệ sinh thái của doanh nhân Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long. Tại Siba Holdings, ông Trương Sỹ Bá là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 98%.

Với màn ra mắt sàn HOSE trong thời gian sắp tới, Siba Group sẽ là thành viên thứ hai của Tập đoàn Tân Long niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trước doanh nghiệp này, Tân Long đã từng đưa một thành viên khác trong hệ sinh thái niêm yết trên sàn HOSE, đó là Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam.

Doanh thu mảng công nghệ Tập đoàn FPT (FPT) vượt mốc 1 tỷ USD

Ngày 14/11/2023, Công ty CP FPT (HOSE: FPT) đã công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2023, ghi nhận doanh thu đạt 42.465 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp báo lãi trước thuế 7.689 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 5.407 tỷ đồng, tăng trưởng gần 19% so với cùng kỳ 2022.

So với kế hoạch, FPT đã thực hiện được 81% mục tiêu doanh thu và gần 85% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

Đáng chú ý, luỹ kế 10 tháng đầu năm 2023, doanh thu mảng công nghệ Tập đoàn này đã tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 25.181 tỷ đồng, vượt mốc 1 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng với tốc độ tương đương, ở mức 21%, đạt 3.521 tỷ đồng. Đây là mảng đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận lợi nhuận trước thuế của FPT với tỷ trọng lần lượt là 59% và 46%.

Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) ngừng kinh doanh vì hết tiền

Ngày 15/11/2023, Công ty CP Đầu tư PVR Hà Nội (UpCoM: PVR), đã chính thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh do không có kinh phí để duy trì hoạt động.

Được biết, 9 tháng đầu năm nay, PVR không có doanh thu. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận khoản lãi sau thuế 1,4 tỷ đồng đến từ việc hoàn nhập chi phí tài chính. Lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/9/2023 đạt gần 79 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, PVR tiền thân là Công ty CP Dầu khí Tản Viên, được thành lập 2006 với số vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Tham gia góp vốn vào doanh nghiệp này là những tên tuổi lớn trong ngành dầu khí: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Petrocons, UPCoM: PVX), Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam, Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Kỹ thuật dịch vụ Dầu khí, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư của các dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên và Hanoi Time Tower tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Tuy nhiên, cả hai đều trong tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm. Trong đó, dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên đã bị thu hồi.

Đức Long Gia Lai (DLG) được hủy án phá sản

Sáng ngày 16/11, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cho hay đã nhận quyết định của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về hủy quyết định mở thủ tục phá sản. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/11/2023, do Thẩm phán – Tổ trưởng Nguyễn Tấn Long ký.

Theo Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận định, Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán, không lâm vào phá sản và số tiền phải thanh toán rất nhỏ. Mặt khác, doanh nghiệp đang đàm phán và lên kế hoạch trả nợ.

Với thông tin trên, cổ phiếu DLG tăng hết biên độ ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 16/11. Kết thúc phiên giao dịch, bất chấp thị trường chung giảm điểm, cổ phiếu DLG đóng cửa trong sắc tím. Dù vậy, thị giá cổ phiếu vẫn ở dưới mức “trà đá” là 2.260 đồng/cp.

Trước đó, ngày 24/7/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai của Công ty CP Lilama 45.3 (HOSE: L43) và yêu cầu “đại gia phố núi” trong 30 ngày phải gửi cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản và các tài liệu kèm theo. Tới ngày 9/10/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS đối với Đức Long Gia Lai.

Đến ngày 13/10/2023, doanh nghiệp đã có đơn đề nghị xem xét lại và ngày 19/10/2023, công ty này có đơn bổ sung.

Vĩnh Hoàn (VHC) báo lãi quý III giảm sâu, dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục

Ngày 16/11/2023, sau nửa tháng trì hoãn, Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023. Đúng như những gì bản cập nhật sơ bộ tháng 8, tháng 9 tiết lộ, tình hình kinh doanh của “nữ hoàng cá tra” không mấy khả quan với doanh thu thuần đạt 2.698 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp “bốc hơi” hơn một nửa, xuống còn 285 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó thu hẹp còn 10,5%, mức thấp nhất kể từ quý IV/2014.

Thêm vào đó, hoạt động tài chính không mấy hiệu quả cùng với khả năng tiết giảm chi phí chưa cao đã khiến lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn sụt giảm 56%, xuống còn 201 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng ghi nhận mức giảm tương đương, đạt 191 tỷ đồng.

Như vây, so với mục tiêu thu về 11.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.000 tỷ đồng lãi sau thuế, “nữ hoàng cá tra” đã thực hiện được 66% chỉ tiêu doanh thu và 88% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Không chỉ có kết quả kinh doanh lao dốc, trong 9 tháng đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh của Vĩnh Hoàn cũng rơi vào tình trạng thâm hụt vốn khi ghi nhận mức âm kỷ lục 231,1 tỷ đồng. Mặc dù kết quả kinh doanh lao dốc nhưng Vĩnh Hoàn vẫn đẩy mạnh tích trữ tồn kho. Đây là một trong số các nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền kinh doanh bị âm kỷ lục trong 9 tháng đầu năm. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang phải “gồng” lỗ cho toàn bộ doanh mục đầu tư chứng khoán.

Phát Đạt (PDR) muốn vay 3.200 tỷ đồng từ MB Bank để “bơm máu” cho bộ đôi “siêu dự án” tại Bình Dương

Phát Đạt sẽ triển khai hoạt động vay vốn thông qua hai công ty con, cũng là chủ đầu tư của hai dự án Thuận ...

Bất ngờ xoay quanh doanh nghiệp bất động sản 2 năm tuổi vừa huy động 1.495 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất kỷ lục 14%/năm

Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Xây dựng Anh Quân - một doanh nghiệp bất động sản mới 2 năm tuổi vừa gây ...

Cổ phiếu tăng hết biên độ, “áp sát” đỉnh lịch sử, vốn hoá Viettel Construction “ngấp nghé” 10.000 tỷ đồng

Sau phiên giao dịch ngày 16/11 tăng kịch biên độ, cổ phiếu CTR của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, HOSE: ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán