Doanh nghiệp tuần qua: Hé lộ những chiến lược mới

(Banker.vn) Ngay sau khi mùa báo cáo tài chính quý III kết thúc, nhiều doanh nghiệp đã công bố các quyết định quan trọng, tiết lộ những định hướng mới trong kinh doanh.
Doanh nghiệp tuần qua: Hé lộ những chiến lược mới
Masan, Phú Tài, Gemadept, Kinh Bắc là những đơn vị đầu tiên tiết lộ những kế hoạch kinh doanh mới sau mùa báo cáo tài chính quý III

Masan (MSN) muốn rót thêm hơn 1.725 tỷ đồng vào The Sherpa

Ngày 31/10/2023, Công ty CP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã thông qua chủ trương bổ sung tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH The Sherpa từ 13.230,8 tỷ đồng lên tối đa 14.956,4 tỷ đồng, tương ứng với số vốn góp tăng thêm tối đa là 1.725,6 tỷ đồng.

Theo đó, Chủ tịch The Sherpa được uỷ quyền thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký tăng vốn điều lệ với cơ quan đăng ký doanh nghiệp và quyết định những vấn đề khác cần thiết và liên quan

Trước đó, trong năm 2023, Masan đã thực hiện hai lần tăng vốn điều lệ cho The Sherpa, rót 5.406 tỷ đồng vào công ty con, nhằm mục đích giúp The Sherpa thực hiện phương án sản xuất kinh doanh “tăng tỷ lệ sở hữu và tăng tốc phát triển hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ - công nghệ”.

Cần biết, The Sherpa được thành lập ngày 12/6/2020 với sứ mệnh trở thành một trong ba cổ đông sáng lập The Crown X, nhằm hoàn tất thương vụ sáp nhập VinCommerce. Hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật), The Sherpa cũng là nơi Tập đoàn Masan tích cực thực hiện các thương vụ M&A và mở rộng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ - công nghệ. Trong đó, có thể kể đến các cuộc thâu tóm công ty viễn thông Mobicast (Mobicast hoặc Reddi) và chuỗi đồ uống Phúc Long Heritage hay đầu tư vào doanh nghiệp Trust IQ Pte. Ltd của Singapore.

Gỗ Phú Tài (PTB) đặt chân sang lĩnh vực xây dựng

Ngày 1/11/2023, Công ty CP Phú Tài (HOSE: PTB) cho biết đã thành lập Công ty TNHH MTV Phú Tài Home (tên viết tắt là Phu Tai Home), hoạt động chính trong lĩnh vực hoàn thiện công trình xây dựng.

Theo đó, Phu Tai Home được thành lập ngày 31/10/2023, với số vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, do Phú Tài góp 100% vốn, đặt trụ sở chính tại số 14E Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp, TP HCM. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Phu Tai Home là bà Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1977).

Sau khi thành lập Phu Tai Home, số công ty con của Phú Tài được nâng lên 18 công ty. Đáng chú ý, quyết định mở rộng sang lĩnh vực xây dựng được Phú Tài thực hiện trong bối cảnh kết quả kinh doanh suy giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự kiện đối tác tại Mỹ là Noble House đang làm thủ tục phá sản. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu thuần của Phú Tài đạt xấp xỉ 1.187 tỷ đồng, giảm tới 23% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế 77,5 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Đáng nói, đây đã là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp này “đi lùi”. Tại ngày 30/9/2023, Phú Tài ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn đạt 665 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn lớn nhất là 61 tỷ đồng, thuộc về Noble House.

Gemadept (GMD) bán thêm cảng Nam Hải, dồn lực phát triển cụm cảng Nam Đình Vũ

Ngày 1/11/2023, Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD) đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 999.800 cổ phần phổ thông đang nắm giữ, tương đương tỷ lệ sở hữu 99,98% tại Công ty CP Cảng Nam Hải (NHP Corp).

Tuy nhiên, giá chuyển nhượng của Gemadept vẫn chưa được xác định. Theo nghị quyết của Gemadept, HĐQT đã uỷ quyền cho Tổng giám đốc tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan, lựa chọn các đối tác có nhu cầu và đủ năng lực tài chính để nhận chuyển nhượng cổ phần. Đây cũng sẽ là người quyết định thời điểm cụ thể để chuyển nhượng cổ phần cũng như đàm phán gía chuyển nhượng và các điều kiện, điều khoản của hợp đồng chuyển nhượng sau này. Trước đó, doanh nghiệp này cần có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo tìm hiểu, NHP Corp được thành lập ngày 8/6/2007, có trụ sở chính tại số 201 đường Ngô Quyền, Máy Chai, Ngô Quyền, Hải Phòng, là đơn vị vận hành quản lý cảng Nam Hải và cảng cạn Nam Hải (Nam Hải ICD). Trong đó, cảng Nam Hải được Gemadept đầu tư, triển khai xây dựng vào năm 2008, là bước đi chiến lược của “ông trùm” cảng biển trong hành trình “Bắc tiến”. Cảng Nam Hải chính thức đi vào hoạt động năm 2009, có công suất 200.000 teus/năm và có thể đón tàu 1.000 teus. Còn Nam Hải ICD được đưa vào khai thác từ năm 2015, có tổng diện tích 21ha. Trong đó, diện tích bãi CY 15ha, diện tích kho CFS và ngoại quan 5ha, diện tích khu vực M&R 1ha.

Đáng nói, cuối tháng 5 vừa qua, Gemadept cũng đã hoàn tất chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ, một dự án cảng trọng điểm khác tại Hải Phòng và “bỏ túi” hơn 1.800 tỷ đồng. Như vậy, nếu hoàn tất thoái vốn khỏi NHP Corp, Gemadept sẽ chỉ còn khai thác một cảng duy nhất tại miền Bắc là cảng Nam Đình Vũ.

Cần biết, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, ban lãnh đạo Gemadept từng cho biết sẽ dồn lực phát triển cụm cảng Nam Đình Vũ trở thành cảng sông quy mô nhất miền Bắc.

Kinh Bắc (KBC) chi 5.500 tỷ đồng làm khu công nghiệp 380ha tại Hậu Giang

Ngày 2/11/2023, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) đã thông qua quyết định đầu tư và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Hậu 2 có quy mô khoảng 380 ha, nằm địa bàn thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, Kinh Bắc sẽ rót gần 5.570 tỷ đồng vào dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2. Trong đó, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật là gần 3.442 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 2.128 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư được lấy từ vốn chủ sở hữu và vốn vay. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 835 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư dự án. Số tiền 4.734 tỷ đồng, tương đương 85% cơ cấu nguồn vốn được Kinh Bắc huy động từ vốn vay.

Về tiến độ thực hiện, Kinh Bắc dự kiến thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong vòng 3 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12/2023). Sau khi thực hiện các khâu đo đạc, khảo sát địa chất, đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục cần thiết khác, dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2 sẽ được thi công xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình hạ tầng kỹ thuật từ tháng 7/2025-12/2026 (dự kiến 18 tháng kể từ ngày Nhà nước giao đất, cho thuê đất) và sẽ bắt đầu cho thuê lại đất/nhà xưởng dự kiến từ tháng 6/2026 trở đi.

Đáng chú ý, kế hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp tại tỉnh Hậu Giang Đây được xem là một bước đi chiến lược của Kinh Bắc nhằm khai phá những “miền đất mới”, trong bối cảnh quỹ đất của “ông trùm” bất động sản công nghiệp gần như đã được lấp đầy. Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này sở hữu hơn 6.387 ha đất công nghiệp, chiếm 5,2% quỹ đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 22,5% so với năm 2021.Trong đó, có 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.013 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100% và một khu có diện tích 426 ha đã lấp đầy 95,89%.

Trước thềm lên sàn HOSE, Viettel Post (VTP) báo lãi tăng mạnh 82%

Không lâu sau khi nộp hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Viettel Post đã công bố ...

HOSE điểm danh 4 doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2023

DAG, SJF, IBC, VHC vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM nhắc nhở chậm nộp báo cáo tài chính quý III/2023.

Doanh nghiệp bất động sản quý III: Lợi nhuận “héo hon”, loay hoay xử lý hàng tồn kho và nợ vay

Chi phí, hàng tồn kho, nợ vay là những yếu tố kìm hãm sự vực dậy của các doanh nghiệp bất động sản.

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán