Doanh nghiệp tuần qua: FPT "chốt" deal M&A đầu tiên tại Nhật, VinFast đặt chân tới Oman

(Banker.vn) FPT "chốt" deal M&A đầu tiên tại Nhật, VinFast đặt chân tới Oman, Hoa Sen lên kế hoạch tham vọng cho năm 2024, Thép Pomina có nhà đầu tư chiến lược… là những thông tin doanh nghiệp đáng chú ý tuần qua.

FPT thâu tóm công ty công nghệ Nhật Bản

Ngày 1/3, Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) công bố mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC) - công ty dịch vụ công nghệ thông tin của Nhật Bản, nhằm mở rộng gấp đôi tập khách hàng cũng như danh mục dịch vụ và củng cố vị thế tại thị trường này.

Theo đại diện FPT, thương vụ này là bước đi phù hợp với chiến lược mở rộng toàn cầu, cho phép FPT tận dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và chuyên môn vững vàng của NAC trong các mảng tư vấn chiến lược, thiết kế cấu trúc, quy hoạch hệ thống công nghệ, thiết kế, phát triển và vận hành.

Trải qua hai thập kỷ tại thị trường Nhật Bản, FPT là một trong những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại đây

NAC cũng sở hữu đội ngũ gần 300 kỹ sư chất lượng cao, nhiều người thuộc top 40 thế giới về salesforce, CRM… Bổ sung nguồn lực từ thương vụ này giúp FPT đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời, tiến gần tới mục tiêu doanh thu một tỷ USD từ thị trường Nhật Bản vào năm 2027 và có hơn một nửa số nhân viên tại đây là người nước ngoài.

Trước những thách thức trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số tại Nhật Bản, trong đó có tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt nguồn nhân lực và sự phức tạp của các hệ thống công nghệ thông tin hiện hành, việc mua lại NAC thể hiện cam kết của FPT trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp Nhật Bản đi trước đón đầu trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp tuần qua: FPT
FPT, VinFast đặt chân tới Oman, Hoa Sen, Thép Pomina là những doanh nghiệp nổi bật tuần qua

VinFast ký thỏa thuận hợp tác với đại lý đầu tiên tại Trung Đông

Tuần qua, VinFast Auto chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Bahwan Automobiles Trading (BAT) về việc phân phối xe điện tại thị trường Oman. Sự kiện này giúp VinFast có mặt tại khu vực Trung Đông cũng như mở rộng toàn cầu.

Theo thỏa thuận, BAT sẽ trở thành đại lý chính thức của VinFast tại Oman. Trong giai đoạn từ năm 2024 - 2027, BAT dự kiến mở và vận hành 13 cửa hàng và xưởng dịch vụ VinFast. Cửa hàng đầu tiên dự kiến khai trương vào giữa năm 2024 và bán các mẫu xe điện VinFast VF 6, VF 7, VF 8, và VF 9 khi các mẫu xe này ra mắt thị trường.

Trước đó, VinFast và BAT đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2023 (COP 28), được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Thông qua việc thúc đẩy hợp tác với đối tác đại lý đầu tiên tại Oman, VinFast đang tích cực tham gia hiện thực hóa các giải pháp di chuyển xanh trong khu vực Trung Đông.

Ông Tạ Xuân Hiển, Tổng giám đốc VinFast Trung Đông, chia sẻ: "Oman là một thị trường xe điện tiềm năng khi người tiêu dùng quốc gia này ngày càng thể hiện sự quan tâm với các phương tiện di chuyển xanh và bền vững. Hợp tác với BAT sẽ giúp VinFast nhanh chóng tiếp cận thị trường và mang đến cho khách hàng tại quốc gia này dải sản phẩm xe điện đa dạng".

Hoa Sen lên kế hoạch tham vọng cho năm 2024

Tuần qua, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính 2023 – 2024 dự kiến tổ chức ngày 18/3/2024 với nhiều kế hoạch tham vọng.

Về chỉ tiêu kinh doanh, Tập đoàn Hoa Sen đã lên hai kịch bản kinh doanh. Tại kịch bản 1, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt hơn 1,62 triệu tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023. Tại kịch bản 2, doanh nghiệp tham vọng sản lượng tiêu thụ có thể lên tới 1,73 triệu tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ; doanh thu ở mức 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7%; lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, gấp 16 lần niên độ trước.

“Kịch bản thị trường cho niên độ tài chính 2023 - 2024 và nhiệm kỳ 2024 - 2029 vẫn khó lường và tiềm ẩn nhiều biến động. Tuy nhiên, trong thử thách sẽ mở ra cơ hội”, tài liệu báo cáo của HĐQT cho hay.

Đáng chú ý, nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam sau đó đã bổ sung tờ trình về việc thông qua chủ trương mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Chủ trương này nhằm mục đích nắm bắt các cơ hội để mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và mở rộng quy mô, tạo tiền đề cho những bước phát triển vững mạnh trong tương lai. Cụ thể, Hoa Sen dự định nghiên cứu, xúc tiến, triển khai đầu tư mở rộng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới có tiềm năng và khả thi, bao gồm nhưng không giới hạn trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sau: tài chính; ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; bất động sản; cơ khí chính xác; cơ khí chế tạo; công nghệ bán dẫn; phát triển dự án văn phòng, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị; giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe; du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng; thâu tóm – sáp nhập (M&A); văn hóa; nghệ thuật, biểu diễn, tổ chức sự kiện...

Với chủ trương này, lãnh đạo Tập đoàn muốn trình cổ đông thông qua tổng mức đầu tư tối đa đối với các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới được lựa chọn mở rộng là không quá 5.000 tỷ đồng.

Thép Pomina (POM) có nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn lớn

Ngày 1/3/2024, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM) đã diễn ra theo đúng kế hoạch và kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Theo kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp, Thép Pomina sẽ cùng nhà đầu tư chiến lược góp vốn thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Thép Pomina Phú Mỹ. Kế hoạch mới với nhiều điểm khác biệt so với phương án trước đó đã thu hút sự chú ý sự quan tâm của không chỉ cổ đông mà cả giới quan sát, đặc biệt là thông tin về nhà đầu tư chiến lược mới.

Tuy nhiên, danh tính của nhà đầu tư này vẫn chưa được tiết lộ do hai bên vẫn đang trong quá trình đàm phán và chưa đi đến kết quả cuối cùng. Thép Pomina dự kiến sẽ công bố danh tính nhà đầu tư tại đại hội thường niên diễn ra vào cuối tháng 4 tới đây.

Bật mí với cổ đông về nhà đầu tư chiến lược sẽ tham gia vào quá trình tái cấu trúc của Thép Pomina, Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái cho biết, đây là tập đoàn có hệ sinh thái lớn và hoạt động rất gần với ngành thép.

Ông Thái cũng chia sẻ thêm về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược: “Khi chọn nhà đầu tư chiến lược, chúng tôi cân nhắc khá nhiều khía cạnh, mang lại giá trị gia tăng cho công ty. Đó là mục tiêu chính. Chắc chắn rằng, chúng tôi phải chọn nhà đầu tư phải cùng văn hoá công ty và có tính chính trực và quan trọng nhất là có thể mang lại giá trị gia tăng cho công ty”.

Chủ tịch HĐQT Thép Pomina cũng nói thêm, việc thương thảo bán tài sản là để doanbh nghiệp có thể hoạt động liên tục. Số tiền đối tác bỏ ra rất lớn nên đòi hỏi việc minh bạch trong vấn đề chuyển nhượng tài sản. Nhà đầu tư mới cũng từng đầu tư vào nhiều khoản tái cấu trúc khác nên có kinh nghiệm trong định giá tài sản.

Lộ diện 5 nhóm ứng cử viên đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn 2,4 tỷ USD tại Thanh Hoá

Nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn - dự án lớn thứ 3 của tỉnh Thanh Hóa với tổng mức ...

VNG, FPT, Thế giới Di động,... bị Bộ Công an “điểm mặt, chỉ tên” trong các vụ việc để lộ thông tin khách hàng

Trong dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, một số vụ việc điển hình về việc để ...

Nhờ Decathlon mạnh tay đặt hàng, Dệt may TNG thu về gần 900 tỷ sau 2 tháng đàu năm

Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh là doanh nghiệp dệt may này đã ký được các đơn hàng may xuất khẩu đến hết nửa ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán