Doanh nghiệp “trụ hạng” có nhiều cơ hội, thời khó khăn nhất với "cổ đất" đã đi qua

(Banker.vn) Theo giới phân tích, cổ phiếu nhóm bất động sản dù có phục hồi nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung và do đó, dư địa nhóm này còn nhiều cơ hội tăng, đặc biệt khi ngành này đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất nên những doanh nghiệp còn trụ được có nhiều cơ hội tăng trưởng...

Chốt phiên hôm qua (27/7), VN-Index giảm 3,51 điểm xuống 1.197,33 điểm, đánh mất mốc 1.200 điểm chỉ sau 1 ngày. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,56 điểm xuống 235,64 điểm. Trái với chỉ số chung của thị trường, các cổ phiếu trong nhóm bất động sản (BĐS) lại tăng giá khá mạnh, nhiều mã tăng 3-4% hoặc hơn, nổi bật nhất phải kể đến DXG, NVL, PDR, DXS, DIG và nhiều cổ phiếu khác tăng mạnh. Khối ngoại cũng có động thái mua mạnh ở DXG, NVL, KDH. Tuy nhiên 2 cổ phiếu BĐS trong rổ VN30 là VHM và VRE vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.

Doanh nghiệp “trụ hạng” có nhiều cơ hội, thời khó khăn nhất với

Có thể nói, ngoài lực kéo chính chỉ số, từ nhóm BĐS, VN-Index còn được hỗ trợ bởi khá nhiều cổ phiếu khác, nhất là những mã vốn hóa tỷ đô như MWG. Các nhóm ngành lớn như sắt thép, bán lẻ, chứng khoán, xây dựng cũng vì thế mà trở nên cân bằng hơn... Tâm điểm trong các phiên giao dịch gần đây vẫn chính là 2 cổ phiếu BĐS NVL và PDR.

Trong phiên 27/7, cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va bất ngờ "cháy hàng" cùng giao dịch đặc biệt sôi động. Cổ phiếu này khớp lệnh chóng mặt và kết phiên với khối lượng giao dịch lên đến gần 71 triệu đơn vị, tương đương 4% tổng lượng cổ phiếu lưu hành.

Con số gần 71 triệu cổ phiếu là khối lượng khớp lệnh một phiên lớn thứ 4 mà NVL từng ghi nhận trong lịch sử niêm yết. Có thể nói, thời điểm này cổ phiếu này bắt đầu có dòng tiền bắt đáy vào giải ngân. Dòng tiền vào “ồ ạt” đã đẩy NVL tăng hết biên độ lên mức 18.850 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 7 tháng qua. So với thời điểm xuống đáy lịch sử vào đầu tháng 3, NVL đã tăng 58% thị giá. Vốn hóa thị trường tương ứng tăng thêm 15 ngàn tỷ đồng.

Liên quan đến pháp lý các dự án, NVL mới đây đã đón nhận thêm một thông tin khá tích cực. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc ý tưởng quy hoạch Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao Nguyên Lâm Viên tại huyện Bảo Lâm và Tp.Bảo Lộc gửi tới Sở Xây dựng, NVL và các đơn vị có liên quan. Tại công văn, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất giao Sở Xây dựng thực hiện tiếp nhận hồ sơ ý tưởng quy hoạch của NVL để bàn giao cho các địa phương.

Bên cạnh đó, mới đây NVL đã công bố thông tin liên quan đến việc cập nhật tình hình liên quan đến gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 300 triệu USD, lãi suất 5,25%, đến hạn vào năm 2026. Tại ĐHĐCĐ diễn ra mới đây, ông Ng Tech Yow - Tổng giám đốc NVL - cho biết, từ cuối năm 2022, Tập đoàn đã phối hợp với YKVN, Deloitte, E&Y Parthenon, KPMG… để thực hiện tái cấu trúc toàn diện với những kế hoạch cụ thể, giãn hoãn, bán tài sản giảm nợ, chuyển nợ thành cổ phần, thành tài sản, kiểm soát nguồn tiền…

Với cổ phiếu PDR của Công ty CP Phát Đạt cũng được dòng tiền hướng tới. Phiên giao dịch 27/7, PDR khớp lệnh tới 17 triệu đơn vị với tổng giá trị 363 tỷ đồng. Đây cũng là vùng giá cao nhất của PDR trong 7 tháng qua. Tại ĐHĐCĐ mới đây, Ban Lãnh đạo PDR đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 là 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành được 26% kế hoạch về doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của PDR giảm 2.200 tỷ đồng so với đầu năm xuống mức 20.633 tỷ đồng. Tồn kho chiếm gần 59% tổng tài sản với giá trị cuối kỳ lên đến 12.171 tỷ đồng chủ yếu nằm dưới dạng giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản tại các dự án The EverRich 2 (River City), Bình Dương Tower, Tropicana Bến Thành Long Hải, Phước Hải…

Doanh nghiệp “trụ hạng” có nhiều cơ hội, thời khó khăn nhất với
Diễn biến giá cổ phiếu NVL và PDR từ đầu năm 2023 đến nay

Dư địa cổ phiếu BĐS những tháng cuối năm

Đánh giá về dư địa cổ phiếu BĐS những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng Nghị định 08/2023/NQ-CP tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ tối đa là 2 năm, qua đó, giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023 và năm 2024. Đồng nghĩa, sẽ giảm áp lực vỡ nợ cho các doanh nghiệp phát hành chưa có năng lực ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, Nghị định tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi "trái phiếu lấy hàng" (chủ yếu là tài sản, BĐS hay tài sản khác) một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Điều này cũng sẽ có lợi cho cả trái chủ, bởi đảm bảo được tài sản cho các trái chủ.

Và cuối cùng, cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.

Điều này là cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực.

TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital cho rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh trong 2 năm vừa qua. Hiện nhóm này dù có phục hồi nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung và do đó, dư địa nhóm này còn nhiều cơ hội tăng, đặc biệt khi ngành này đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất nên những doanh nghiệp còn trụ được có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn.

Ngoài ra, bất động sản cũng được hưởng lợi từ giảm lãi suất và các chính sách hỗ trợ. Đơn cử, Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65, tạo cơ chế để doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực thanh toán trái phiếu hoặc thanh toán bằng bất động sản.

Áp lực đáo hạn trái phiếu trong 2023-2024 được chuyển sang năm 2024-2025. Thông tư 02 về cơ cấu nợ tạo cơ chế để ngân hàng xem xét cơ cấu nợ cho các lĩnh vực khó khăn và bất động sản thuộc trong danh sách các ngành nghề được cơ cấu.

Nhận định chứng khoán ngày 28/7: Xuất hiện nhịp điều chỉnh

Lực cầu về gần cuối phiên đã giúp VN-Index thu hẹp được đà giảm điểm, phục hồi về gần mốc tham chiếu. Chuyên gia chứng ...

Thị trường chứng khoán ngày 28/7/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Thanh khoản tăng mạnh, VN-Index vẫn mất mốc 1.200; Con trai Thành viên HĐQT MSB đăng ký bán hơn 2,1 triệu cổ phiếu; Dệt may ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 28/7/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán