Doanh nghiệp trên HNX huy động được 64,5 nghìn tỷ đồng

(Banker.vn) Các DN niêm yết và đăng ký giao dịch trên HNX vẫn huy động thành công 64,5 nghìn tỷ đồng tính theo mệnh giá thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư.

Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX), vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX tính đến ngày 31/10/2022 giảm 48,42% so với cuối năm 2021, thanh khoản sụt giảm mạnh xuống mức 963 tỷ đồng/phiên, giảm 72,48% so với năm 2021. Mặc dù vậy, các DN niêm yết và đăng ký giao dịch trên HNX vẫn huy động thành công 64,5 nghìn tỷ đồng tính theo mệnh giá thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư.

Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trên HNX tăng so với năm 2020 và gần như hồi phục trở lại mức trước khi có đại dịch COVID-19, tính trung bình năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có hơn 85% số DN niêm yết có lãi.

Trên thị trường UPCoM, 80% số DN có lãi, tuy nhiên kết quả hoạt động kinh doanh của các DN này có sự phân hóa lớn, bên cạnh nhiều DN có lợi nhuận lớn và tăng so với năm trước thì nhiều DN thua lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu và bị hạn chế giao dịch.

Đánh giá về tình hình công bố thông tin, vi phạm về công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường của các DN HNX trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều DN bị gián đoạn hoạt động, người phụ trách công bố thông tin bị nghỉ cách ly đột xuất, một phần do các quy định về công bố thông tin tại Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính được nâng lên dẫn đến việc giám sát nghĩa vụ công bố thông tin được thực hiện ngày càng chặt chẽ hơn.

Được biết, trong quá trình quản lý niêm yết, đăng ký kinh doanh, HNX luôn đồng hành, lắng nghe DN để cùng tháo gỡ khó khăn cho DN khi tham gia thị trường thông qua việc ghi nhận ý kiến từ các DN và phản ánh với cơ quan có thẩm quyền, rà soát góp ý sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật. Đồng thời, HNX còn là cầu nối giúp các doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với những nhà đầu tư tiềm năng và chất lượng nhằm góp phần xây dựng một thị trường chứng khoán lành mạnh, công khai và minh bạch.

Đối với hoạt động quản trị công ty, HNX triển khai các hoạt động thúc đẩy quản trị công ty và nâng cao chất lượng công bố thông tin của DN. HNX đã tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn công bố thông tin, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư như phối hợp với JICA, UBCKNN và HOSE tổ chức hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy hoạt động quan hệ với nhà đầu tư, cổ đông”, tổ chức 3 đợt đào tạo các quy định về công bố thông tin, hướng dẫn sử dụng hệ thống công bố thông tin CIMS.

Đặc biệt, HNX tiếp tục thực hiện chương trình thường niên đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch dành cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn. Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2022 lựa chọn 306 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn để đánh giá.

Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2021-2022 gồm 72 tiêu chí được xếp vào 4 nguyên tắc là: Quyền và Đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; Đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; Minh bạch và coogn bố thông tin; và Trách nhiệm của Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát. Đặc biệt năm nay, HNX bổ sung 7 tiêu chí đánh giá mới theo thông lệ tốt nhằm khuyến khích các DN không chỉ thực hiện công bố thông tin mang tính tuân thủ, mà còn hướng tới việc tự nguyện thực hiện theo thông lệ quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cải thiện chất lượng công bố thông tin và minh bạch theo hướng thực chất hơn.

Theo kết quả đánh giá, điểm công bố thông tin và minh bạch trung bình của các doanh nghiệp trên HNX đạt 59,21%, giảm 4,51% so với năm 2021. Có 174/306 (56,86%) doanh nghiệp có điểm cao hơn mức trung bình. Năm 2021-2022, các doanh nghiệp tiếp tục tập trung vào thực hiện các tiêu chí tuân thủ với tỷ lệ điểm dành cho các tiêu chí tuân thủ là 71,11%, cao hơn 10,08% so với điểm của năm trước đó.

Các doanh nghiệp thuộc rổ UPCoM Large có điểm trung bình đạt 61,44% cao hơn các doanh nghiệp không thuộc rổ UPCoM Large, đạt 58,81%.

Các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ của nhà nước cao có xu hướng thực hiện công bố thông tin tốt hơn. Các doanh nghiệp có chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc tách biệt có kết quả công bố thông tin và minh bạch trung bình đạt 59,6% trong khi đó, các doanh nghiệp có sự kiêm nhiệm chỉ đạt 42,76% .

Đối với các doanh nghiệp có thành lập tiểu ban Hội đồng quản trị theo nguyên tắc về quản trị công ty của OECD, điểm trung bình đạt 62,36%, còn các doanh nghiệp không thành lập tiểu ban, điểm trung bình đạt 58,89%.

Điểm công bố thông tin và minh bạch có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh được đo bằng ROE và ROA, đánh giá của thị trường đối với doanh nghiệp được đo bằng chỉ số TobinQ và giá cổ phiếu. Kết quả cũng cho thấy rằng mỗi 1% tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,15% và ROE tăng 0,48%. Theo HNX, đây là dẫn chứng tốt để khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp thực thi tốt hơn các quy định, thông lệ về công bố thông tin và minh bạch.

Bùi Trang

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ