Doanh nghiệp phải xác định sớm rủi ro, ngăn chặn nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh phòng vệ thương mại

(Banker.vn) Để ứng phó hiệu quả hơn với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp sẽ là chủ thể chính, chủ động ngăn chặn từ sớm.
Hoa Kỳ tăng điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp Việt làm gì để ứng phó? Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế ống thép từ Việt Nam

Quá trình tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời khiến Việt Nam đang trở thành quốc gia bị kiện chung với một số quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Vì thế, thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam có xu hướng gia tăng. Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này.

Doanh nghiệp phải xác định sớm rủi ro, ngăn chặn nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh phòng vệ thương mại
Hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra chống lẩn biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN

Thời gian gần đây, ngoài các biện pháp phòng vệ thương mại, như chống bán phá giá, chống trợ cấp, các vụ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, ông có thể chia sẻ về thực trạng này?

Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang tiếp tục xu hướng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Một trong những đặc điểm xu hướng đó là do các hàng rào thuế quan nhập khẩu được cắt giảm. Tuy nhiên, cùng với đó, các nước tiếp tục duy trì cơ chế nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi được coi là cạnh tranh không công bằng cũng như có hiện tượng gia tăng nhập khẩu quá mức. Và những cơ chế đó là sử dụng công cụ phòng vệ thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Do nhu cầu bảo vệ lợi ích sản xuất của quốc gia gia tăng, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) tiếp tục được áp dụng ngày càng nhiều. Một số quốc gia sử dụng biện pháp này thường xuyên hơn như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Canada, Úc; một số quốc gia Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng lưu ý, gần đây, bên cạnh những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… một số nước bắt đầu quan tâm và sử dụng thường xuyên những biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước do chuỗi giá trị gia tăng qua nhiều quốc gia cũng như sự dịch chuyển sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ.

Đối với Việt Nam, xuất khẩu hàng hoá gia tăng và ngày càng có nhiều mặt hàng đối diện với nhiều nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng như các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đến nay, 238 vụ việc điều tra biện pháp phòng vệ thương mại và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng tăng lên nhất là thị trường Hoa Kỳ, trong số 10 vụ việc điều tra từ thị trường này thì có 5,6 vụ điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Nguyên nhân, chúng ta đang ở bối cảnh xung đột thương mại của các nền kinh tế lớn trên thế giới; xung đột đó chuyển hóa thành các biện pháp hạn chế thương mại được áp dụng thường xuyên hơn. Ngoài ra, Việt Nam với chủ trương tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, chủ động tích cực quá trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế vì thế đã trở thành luồng thu hút đầu tư quốc tế. Thể hiện kết quả xuất khẩu tăng nhanh từ đó thị trường nhập khẩu tiềm năng sẽ đặt câu hỏi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là do năng lực sản xuất hay do các hành vi nào đó không phù hợp. Đây chính là xuất phát điểm của các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp phải xác định sớm rủi ro, ngăn chặn nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh phòng vệ thương mại
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Vậy ông có thể nêu rõ hơn các đặc điểm của của biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đang được các quốc gia sử dụng thời gian qua?

Biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại có hai trường hợp xảy ra: Thứ nhất, là gian lận và trốn thuế phòng vệ thương mại thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Thứ hai, đó là có sự dịch chuyển đầu tư từ các quốc gia khác sang Việt Nam sản xuất, tạo giá trị gia tăng nhất định và khiến trường nhập khẩu tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Mặt khác, trong mỗi vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, các quốc gia có xử lý không đồng nhất, như Hoa Kỳ sẽ khác với EU. Như Hoa Kỳ thường xem xét về sự chuyển đổi đáng kể để đưa ra kết luận lẩn tránh hay không và không nêu rõ cụ thể là bao nhiêu. Trong khi EU thường đưa đưa ra mốc cụ thể về mức độ lẩn tránh cũng như hàm lượng giá trị gia tăng tại nước thứ ba có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh phòng vệ thương mại.

Như vậy, với biện pháp này việc kết luận có hành vi lẩn tránh hay không là do nhận định chủ quan của nước nhập khẩu, chứ chưa hẳn là do doanh nghiệp làm trái với quy định. Với đặc điểm đó, chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn hành vi gian lận, sản xuất không trung thực; đồng thời phải có sự hỗ trợ thông tin để doanh nghiệp nắm được các cuộc điều tra hành vi chống lẩn tránh, có sự chuyển đổi, nâng hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Thục hiện chủ trương nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế, cũng như thực hiện nghiêm túc các cam kết FTA, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824). Xin ông cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động cụ thể nào nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ?

Mục tiêu của Đề án 824 là nhằm hạn chế hành vi mang tính gian lận xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm; ngăn chặn các vi phạm, tránh ảnh hưởng đến sản xuất của Việt Nam, cũng như tác động tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và nền kinh tế.

Khi trình Chính phủ phê duyệt Đề án 824, Bộ Công Thương kiến nghị đề ra các giải pháp đó là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để có sự đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, sau khi Đề án 824 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hàng năm, Bộ Công Thương đều lập danh sách sản phẩm có nguy cơ cao về điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại gửi các Bộ ngành, địa phương phân công phối hợp, có biên pháp kịp thời.

Cụ thể, với cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, khi cấp chứng nhận xuất xứ phải kiểm tra kỹ với từng hồ sơ hàng hoá; đối với hải quan khi doanh nghiệp làm tờ khai xuất khẩu có thẩm quyền kiểm tra kỹ hơn với các lô hàng; về phía các địa phương cấp phép các dự án đầu tư theo đúng quy luật của pháp luật và có sự rà soát kỹ hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều hoạt động khác, như phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong các vụ việc điều tra, chứng minh Việt Nam không hề hoan nghênh, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Công tác phối hợp này của Bộ Công Thương được cơ quan nước ngoài đánh giá cao. Và hiện các hoạt động này đang được Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục triển khai thực hiện.

Trước xu thế bảo hộ cũng như gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại có khuyến nghị gì tới doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và chính quyền địa phương trong công tác ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại?

Do xu hướng bảo hộ, một số nhóm mặt hàng có nguy cơ đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại trong đó có chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại như kim loại nhôm, thép, đồng, hóa chất, chất dẻo, sợi, gỗ… Ngoài ra, một số sản phẩm máy móc, động cơ; nhóm sản phẩm lắp ráp, chế biến, chế tạo dễ trở thành đối tượng bị kiện chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Và gần đây, mặt hàng liên quan đến năng lượng như pin mặt trời các quốc gia đang mong muốn phát triển và các quốc gia đều có chính sách bảo vệ và dễ bị điều tra phòng vệ thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu này.

Qua quan sát, ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, doanh nghiệp, hiệp hội đang có dấu hiệu tích cực khi quan tâm, bảo vệ lợi ích, hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra với doanh nghiệp trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại, nhất là điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả hơn với các vụ việc, chúng tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ là chủ thể chính trong việc xử lý biện pháp này bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Theo đó, doanh nghiệp cùng với việc quan tâm đến cơ hội nên nhận thức các rủi ro trong quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh có thể xảy ra. Khi xác định được rủi ro thì phải có giải pháp từ trước để ngăn chặn điều này sẽ xảy ra. Đầu tiên là xem xét sử dụng nguyên vật liệu có bị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại hay không? Từ đó có sự điều chỉnh sản xuất phù. Đồng thời, doanh nghiệp phải duy trì quản trị để khi có cáo buộc chúng ta có chứng cứ để chứng minh, cung cấp thông tin cho cơ điều tra.

Bên cạnh đó cần sự phối hợp từ Hiệp hội, cơ quan tư vấn đề phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất. Về chính quyền địa phương, chúng ta đã qua thời kỳ thu hút đầu tư bằng mọi giá mà có sự chọn lọc hơn, làm sao đạt mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam cũng như tạo việc làm, đem lại lực đẩy cho nền kinh tế phát triển. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo sớm của Bộ Công Thương; quản lý giám sát hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện ngăn chặn các hành vi lẩn tránh.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương