Ngày 15/3/2024, VinFast Auto ký thỏa thuận với Jospong Group of Companies - Tập đoàn đa ngành hàng đầu Ghana, về việc phân phối xe điện tại thị trường Ghana và khu vực Tây Phi. Theo đó, Jospong sẽ phân phối ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và xe buýt điện của VinFast tại thị trường Ghana nói riêng và Tây Phi nói chung. Jospong cũng có kế hoạch triển khai cơ sở hạ tầng sạc công cộng trên toàn quốc để thúc đẩy sự phát triển của xe điện tại đây.
Hợp tác với một trong những tập đoàn kinh doanh đa ngành lớn nhất quốc gia Tây Phi, hãng xe điện Việt Nam khẳng định cam kết mang đến cho người tiêu dùng toàn cầu những lựa chọn giao thông xanh và thông minh, đồng thời khai phá tiềm năng tại thị trường xe điện châu Phi đang ngày càng phát triển. Hoạt động kinh doanh của Jospong Group trải rộng trên 14 lĩnh vực tại các nước châu Phi và châu Á với 60 công ty con, nổi bật là mảng kinh doanh ô tô, xử lý chất thải, công nghệ thông tin và ngân hàng.
Bên cạnh thỏa thuận phân phối xe, Vingroup, tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam và là công ty mẹ của VinFast, cũng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Jospong về việc thiết lập mối quan hệ đối tác ưu tiên. Theo đó, hai bên sẽ tích cực làm việc để hướng tới cơ hội hợp tác kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng như xe điện, taxi, giao thông công cộng, giáo dục, khách sạn, phát triển bất động sản và các lĩnh vực khác.
Cũng trong tuần qua, tại Hội nghị Công nghệ Xanh châu Á, bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast đã tiết lộ kế hoạch hòa vốn vào năm 2025. Theo chia sẻ của bà Thủy, VinFast đã có dòng thu nhập ổn định từ việc cho thuê pin, vốn cũng có “tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy doanh số bán xe ở thị trường mới”.
Ưu tiên khác của VinFast là giảm chi phí nguyên vật liệu khoảng 40% trong 2 năm sau khi ra mắt xe, một nửa thông qua kỹ thuật và một nửa đến từ giảm giá nhập nguyên vật liệu.
Năm 2024, VinFast đặt mục tiêu bàn giao 100.000 xe nhờ mạng lưới phân phối ngày càng mở rộng cũng như hướng tới cân bằng giữa tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa chi phí, dựa trên nền tảng tối ưu hóa chi phí sản xuất và vật liệu, đồng thời đầu tư chiến lược vào các thị trường tiềm năng trong khu vực.
Sau khi đặt nền móng tại các thị trường như Mỹ, Canada và một số nước châu Âu, kế hoạch mở rộng toàn cầu của VinFast năm nay sẽ tập trung vào các thị trường toàn cầu khác, bao gồm những thị trường tiềm năng gần Việt Nam như Indonesia và Ấn Độ. Bước đi này phù hợp với chiến lược tối ưu hóa chi phí vốn, bao gồm các mục tiêu tối ưu hóa chi phí sản xuất và vật liệu.
Ngày 15/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) được xác định là đã khắc phục khi thực hiện công bố các thông tin (nếu chưa công bố) và không vi phạm về công bố thông tin trong tối thiểu 6 tháng kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giao dịch hoặc kể từ ngày Sở Giao dịch Chứng khoán xác định tổ chức niêm yết có vi phạm về công bố thông tin gần nhất.
Trước đó, ngày 8/3, Hải Phát Invest cũng đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (báo cáo riêng và báo cáo hợp nhất) đúng thời gian quy định. Vậy nên, HOSE quyết định đưa cổ phiếu HPX ra khỏi diện đình chỉ giao dịch và giao dịch trở lại toàn thời gian theo quy định.
Cần biết, cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest bị đình chỉnh giao dịch từ ngày 11/9/2023 do doanh nghiệp tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra sáng ngày 14/3, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) cho hay, hãng hàng không quốc gia đã phục hồi được khoảng 80-90% so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Ông Hoà cũng cho biết, mặc dù ngành hàng không còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề chính trị, đặc biệt là vấn đề Trung Đông, vấn đề Nga và Ukraine, khiến chi phí tăng lên rất cao nhưng doanh nghiệp quyết tâm phấn đấu mở rộng mảng bay, cân đối thu chi, hoặc tiệm cận được cân đối thu chi vào năm 2024.
Theo đó, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đã nêu lên một số kiến nghị đối với chính sách tiền tệ và các chính sách chung. Cụ thể, lãnh đạo hãng hàng không quốc gia đánh giá, lãi suất vẫn cao và cũng rất khó tiếp cận. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, tỷ giá cũng là vấn đề lớn với đối với các hãng bay. Theo tính toán của Vietnam Airline, cứ 1% thay đổi tỷ giá thì mất 300 tỷ, nếu tỷ giá biến động 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng. Đối với vấn đề này, doanh nghiệp mong muốn tỷ giá ổn định hoặc biến động ở mức thấp nhất có thể.
Đồng thời, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cũng kiến nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho hãng.
Đáng chú ý, trong đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có đưa ra giải pháp tăng vốn điều lệ. Theo đó, hãng hàng không quốc gia mong muốn Chính phủ và NHNN chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ hoạt động tăng vốn này. Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng đưa dẫn chứng Temasek của Singapore hỗ trợ vay vốn kích cầu cho Singapore Airlines 15 tỷ USD.
Mới đây, Công ty CP FPT (HOSE: FPT) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 dự kiến diễn ra vào chiều ngày 10/4 tại Hà Nội với nhiều nội dung đáng chú ý.
Năm nay, “ông lớn” ngành công nghệ thông tin muốn thiết lập kỷ lục kinh doanh mới với mức doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 18% so với kết quả năm 2023.
Nếu kế hoạch nói trên được hoàn thành, không chỉ “xô đổ” kỷ lục kinh doanh năm 2023, FPT cũng sẽ nối dài chuỗi tăng trưởng dương 7 năm liên tiếp. Cần biết, kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động vào năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam liên tục đi lên. Năm vừa qua, FPT mang về đạt 52.618 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 9.203 tỷ đồng, cùng tăng 20% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng 22%. EPS tương ứng đạt 4.666 đồng/cổ phiếu, tăng 21% so với năm trước. Đây đều là các mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Một nội dung đáng chú ý khác, để thực hiện mục tiêu kinh doanh năm 2024, FPT dự kiến sẽ chi 6.500 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư.
Trong đó, khối Viễn thông sẽ được “bơm” nhiều tiền nhất. Doanh nghiệp dự kiến sẽ chi 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.
Trong khi đó, 2.200 tỷ đồng sẽ được “rót” vào khối Công nghệ với hoạt động đầu tư vào các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Quy Nhơn... cũng như hạ tầng công nghệ.
Đối với khối Giáo dục, FPT dự kiến sẽ đầu tư 2.000 tỷ để mở rộng các khuôn viên Đại học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, song song đó là mở rộng thêm các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh thành.
Về kế hoạch dài hơi, FPT cho hay, trong giai đoạn 2024 – 2026, Tập đoàn hướng đến việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và bắt đầu chuyển đổi thông minh.
Thái Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|