Doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới

(Banker.vn) Gần 200 doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và dệt may trên địa bàn TP Hà Nội đã được đào tạo kiến thức, tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ Công Thương thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực ASEAN Bộ Công Thương gỡ khó để doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới Triển lãm Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam từ ngày 10-12/8/2023

Trong khuôn khổ sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”, ngày 10/8, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling Việt Nam và Sở Công Thương TP Hà Nội tổ chức chương trình đào tạo giải pháp xúc tiến xuất khẩu thông qua Amazon cho đối tượng doanh nghiệp, người kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội cho ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và dệt may Việt Nam”.

Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người kinh doanh, nguồn nhân lực của Hà Nội có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết một cách bài bản, có hệ thống, với những thông tin đã được đảm bảo, liên tục cập nhật bởi Amazon Global Selling Việt Nam và Bộ Công Thương, góp phần đưa sản phẩm ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ và dệt may Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra. Tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon tăng hơn 45% năm 2022.

Doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) phát biểu khai mạc hội thảo

Với vai trò đồng hành cùng các doanh nghiệp đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế thông qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Chính phủ đã đưa ra các Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến.

Cùng với đó, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số vẫn đang đẩy mạnh triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam tham gia thương mại điện tử thông qua cung cấp các cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam trên Cổng thông tin xuất nhập khẩu vietnamexport.com; Cung cấp nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thông qua hệ sinh thái ecvn.com; ifair.vn...

“Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cùng Amazon Global Selling triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” (được ký vào ngày 8/6/2022) với mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương thông qua thương mại điện tử. Kết quả, trong năm 2022, đã có 1300 doanh nghiệp tham gia chương trình và được chia sẻ thông tin, kiến thức thông qua 9 khóa đào tạo do Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các đối tác địa phương tổ chức” - ông Thành thông tin.

Mục tiêu, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo và hoạt động thực tế nhằm nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả. Hơn hết, trong những năm tới, sẽ có một loạt các sự kiện với các chủ đề tập trung vào các ngành tiềm năng, chia sẻ những câu chuyện thành công và kết nối mạng.

Các hoạt động này hứa hẹn sẽ mang đến những kiến thức và thông tin cụ thể về thương mại điện tử xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới
Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Quan hệ Đối tác Chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam gợi ý một số ngành hàng của Việt Nam được yêu thích trên Amazon

Nhiều ưu đãi cho nhà bán hàng mới trên Amazon

Tại Hội nghị, đội ngũ chuyên gia, khách mời đã tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị, doanh nghiệp về kỹ năng bán hàng online xuyên biên giới nói chung, trên nền tảng Amazon nói riêng. Theo đó, Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử xuyên biên giới - Tiềm năng cho ngành Gỗ, Thủ công mỹ nghệ và Dệt may Việt Nam; Hành trình bán hàng trên Amazon; Xây dựng và bảo vệ thương hiệu toàn cầu cùng Amazon…

Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Quan hệ Đối tác Chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam gợi ý, một số ngành hàng của Việt Nam được yêu thích trên Amazon như: Trang trí nhà cửa; Chăn nệm, ga giường; Trang trí nội thất; Dụng cụ nhà bếp… Để chinh phục khách hàng trên Amazon, Giám đốc Quan hệ đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung những sản phẩm thế mạnh, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên kết hợp với sự tinh xảo, khéo léo của các nghệ nhân Việt Nam.

Trao đổi về Hành trình 90 ngày bán hàng trên Amazon; Những lưu ý quan trọng khi bắt đầu kinh doanh; Ưu đãi cho nhà bán hàng mới năm 2023… ông Nguyễn Đức Hoà, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam đã chia sẻ chi tiết về lộ trình để mỗi nhà bán hàng từng bước tiếp cận, tìm hiểu và chinh phục thành công với những sản phẩm thế mạnh trên Amazon. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là cơ hội cho nhà bán hàng mới năm trên Amazon sẽ được: Hoàn tiền 5% doanh số năm đầu cho các thương hiệu đã đăng ký; Tiết kiệm 200 USD chi phí vận chuyển khi sử dụng FBA; Giảm giá 200 USD cho sản phẩm Vine…

Doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới
Hỏi đáp với các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán hàng về tiềm năng, cách thức và hành trình kinh doanh trên Amazon

Đại diện Nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đã chia sẻ câu chuyện thực tế về quá trình đồng hành cùng nhà bán hàng thành công trên Amazon. Phần trình bày của các diễn giả với những góc nhìn thực tế, đặc biệt, gắn với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực gỗ, thủ công mỹ nghệ và dệt may đã giúp các doanh nghiệp hiểu thêm về những cơ hội, nhận diện những khó khăn và hướng đi thành công trên con đường chinh phục thương mại điện tử xuyên biên giới cùng Amazon.

Học viên, đại biểu được miễn phí tham gia đào tạo, kết thúc khóa học sẽ được nhận giấy chứng nhận hoàn thành do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam cấp.

Doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, dệt may tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới
Khách hàng tham tâm đến các sản phẩm của các đơn vị đang kinh doanh trên nền tảng Amazon

Trong khuôn khổ Hội nghị còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm của các đơn vị đang kinh doanh trên nền tảng Amazon, tạo điều kiện để các nhà bán hàng tiếp cận nguồn sản phẩm, tiếp cận nhu cầu, nắm bắt hiện trạng của doanh nghiệp/học viên, cũng như thúc đẩy cơ hội hợp tác sản xuất, hoàn thiện quy trình xuất khẩu giữa các doanh nghiệp tham gia hội nghị.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục