Doanh nghiệp ngành điều đối diện với áp lực cạnh tranh mới

(Banker.vn) Dù xuất khẩu hạt điều quý I/2023 tăng trưởng 2 con số, tuy nhiên, doanh nghiệp ngành điều đang đối diện với áp lực cạnh tranh mới.
Doanh nghiệp ngành điều và nông dân chưa "bắt tay" liên kết Vì sao ngành điều chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD năm 2023?

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 60 nghìn tấn, trị giá 355 triệu USD, tăng 75% về lượng và tăng 79,5% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 50,4% về lượng và tăng 48,6% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 122 nghìn tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành Điều trước áp lực cạnh tranh mới
Ngành điều trước áp lực cạnh tranh mới

Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước tính đạt mức 5.913 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 1,2% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của nước ta ước đạt mức 5.826 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý I/2023, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt điều giảm, ngoại trừ hạt điều W450. Dù xuất khẩu điều tăng trưởng 2 con số cả về lượng và giá trị trong quý I, tuy nhiên, ngành điều đang đối diện với nhiều khó khăn khi giá điều xuất khẩu đang giảm. Mặt khác, điều Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của nước này trong tháng 2/2023 đạt 9,15 triệu USD, tăng 37,2% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều đạt 19,42 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ các nguồn cung tại châu Phi như: Bờ Biển Ngà, Togo, Tanzania, Benin. Điều này cho thấy, ngành điều Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn từ các nước sản xuất khác trong việc xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc.

Eurostat cũng cho biết, năm 2022, EU nhập khẩu hạt điều từ thế giới đạt xấp xỉ 207 nghìn tấn, trị giá 1,37 tỷ EUR (tương đương 1,48 tỷ USD), giảm 4,0% về lượng, nhưng tăng 5,2% về trị giá so với năm 2021. Năm 2022, EU nhập khẩu hạt điều chủ yếu từ nguồn cung ngoại khối, lượng đạt 151,62 nghìn tấn, trị giá 992,2 triệu EUR (tương đương 1,07 tỷ USD), giảm 2,9% về lượng, nhưng tăng 9,0% về trị giá so với năm 2021. Trong đó, EU giảm nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà.

Là một trong 2 nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, bên cạnh nguồn cung trong nước, Việt Nam phải nhập khẩu điều thô về chế biến. Thành công của Việt Nam đó là chế tạo ra công nghệ sản xuất ra hạt điều nhân rất hiệu quả, giúp tăng năng suất sản xuất, giảm chi phí giá thành. Sự phát triển của công nghệ giúp doanh nghiệp chế biết hạt điều thu lợi nhuận và chính điều này đã thúc đẩy ngành sản xuất hạt điều nhân Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) bày tỏ, những lo ngại đối với ngành điều Việt Nam và đặt vấn đề liệu lợi thế của Việt Nam liệu có được giữ vững.

Ông Bạch Khánh Nhựt chia sẻ, trước đây, châu Phi 100% bán nguyên liệu điều thô về Việt Nam. Bây giờ họ nhập khẩu máy móc từ Việt Nam về chế biến hạt điều và thay vì họ bán thô thì họ mở nhà máy chế biến. Nhưng do họ mới ra đời, còn non trẻ, nên không làm được toàn bộ các khâu để có thể xuất khẩu nhân điều đạt chất lượng như doanh nghiệp Việt Nam mà mới làm nửa công đoạn. Có nghĩa họ tách vỏ cứng bên ngoài ra và còn phần nhân điều đã qua sơ chế, họ sẽ bán trở lại thị trường Việt Nam. “Thay vì họ bán hạt điều thô 1 đồng thì họ bán hạt điều sơ chế với mức 2 đồng và như vậy họ đã lời rất nhiều”, ông Bạch Khánh Nhựt cho biết.

Việc các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô về chế biến thì tốt cho ngành sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhập bán thành phẩm sẽ gây ra nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài.

Ông Bạch Khánh Nhựt phân tích, thứ nhất là mất công ăn việc làm của một số lượng công nhân.

Thứ hai, việc Việt Nam tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tại châu Phi nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng kỹ thuật. Và chỉ khoảng 2 năm sau, họ sẽ tạo ra hạt điều nhân, đóng gói hàng hóa y trang chúng ta và sẽ cạnh tranh trực tiếp với thị trường mua điều nhân của Việt Nam trên thế giới. Việt Nam từ chỗ nắm thị trường mua điều thế giới, thì nay có các doanh nghiệp của châu Phi “chen ngang”, dẫn đến thị trường mua bán điều nhân của Việt Nam sẽ bị co cụm lại, và mất thị phần từ một số nước châu Phi.

Thứ ba, khi họ đầu tư vào chế biến, rất có thể, điều thô và điều sơ chế khi bán về Việt Nam có thể là điều cấp thấp, còn hàng cấp cao họ để lại bán. Doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hạt điều này sẽ phải chà trộn với hạt điều chất lượng cao để xuất khẩu. Điều này dẫn đến hệ lụy, khách hàng nhập khẩu điều nhân của chúng ta sẽ đánh giá chất lượng của doanh nghiệp Việt không đảm bảo.

Trước những lo ngại nêu trên, hiện, các nhà máy chế biến điều cũng đang kiến nghị lên Hiệp hội Điều Việt Nam có ý kiến lên cơ quan chức năng và đề xuất với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để có ý kiến đề xuất lên Chính phủ nhằm có những chính sách can thiệp trong việc nhập khẩu điều sơ chế nhằm bảo vệ ngành điều trong nước.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục