Doanh nghiệp ngành bia - công ty liên kết của Sabeco sắp “gia nhập” UPCoM: Nỗ lực giảm nợ để “chào sàn”

(Banker.vn) Ngày 12/12 tới đây, Sabibeco - công ty liên kết của “đại gia” ngành bia Sabeco, cũng là chủ thương hiệu bia Sagota và nước uống lúa mạch Malty sẽ “ra mắt” sàn UPCoM. Mặc dù kết quả kinh doanh không thực sự khả quan nhưng “tân binh” sàn UPCoM đã nỗ lực giảm nợ vay trong suốt 5 năm trở lại đây.

Ngày 5/12/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco). Theo đó, một tuần nữa, ngày 12/12/2023, 87,5 triệu cổ phiếu của Sabibeco sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán SBB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21.900 đồng/cp.

Theo tìm hiểu, Sabibeco tiền thân là Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây, được thành lập ngày 25/11/2005 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 90 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, rượu bia, nước giải khát…

Doanh nghiệp ngành bia - công ty liên kết của Sabeco sắp “gia nhập” UPCoM: Nỗ lực giảm nợ để “chào sàn”
Sabibeco, chủ thương hiệu bia Sagota và nước uống lúa mạch Malty sẽ “ra mắt” sàn UPCoM vào ngày 12/12 tới đây

Trải qua gần hai thập kỷ phát triển, sau 6 lần tăng vốn với các hình thức khác nhau, quy mô vốn điều lệ hiện tại đã tăng gấp 9,7 lần so với thời điểm mới thành lập, đạt 875 tỷ đồng. Trong đó, 27,07% vốn điều lệ hiện nằm trong tay của 8 cổ đông tổ chức; 72,93% còn lại được góp bởi 402 nhà đầu tư cá nhân. Hiện tại, doanh nghiệp chỉ có 3 cổ đông lớn, bao gồm: Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) nắm gần 14,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 16,42%; bà Nguyễn Thị Hạnh nắm gần 6,5 triệu triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 7,42%; Công ty CP Rượu Bình Tây nắm hơn 5,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 6,31%.

Theo bản công bố thông tin về công ty đại chúng của Sabibeco, doanh nghiệp này đang trực tiếp sở hữu 3 công ty con là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bia Sài Gòn – Bình Tây, Công ty THNN Bia Sài Gòn – Ninh Thuận, Công ty TNN MTV Bia Sài Gòn - Phủ Lý với cùng tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, Sabibeco còn góp vốn vào 2 công ty liên kết, đó là Công ty CP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn (39,96%) và Công ty CP Bia Sài Gòn – Long Khánh (20,2%). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có 5 nhà máy thành viên với tổng công suất đạt 510 triệu lít bia/năm, bao gồm: Nhà máy Bia Sài Gòn – Hoàng Quỳnh (TP. Hồ Chí Minh), Nhà máy bia Sài Gòn – Bình Dương (Bình Dương), Nhà máy bia Sài Gòn - Đồng Tháp (Đồng Tháp), Nhà máy bia Sài Gòn – Ninh Thuận (Ninh Thuận) và Nhà máy bia Sài Gòn - Phủ Lý (Hà Nam).

Là một thành viên trong hệ sinh thái Sabeco, Sabibeco tham gia sản xuất gia công các sản phẩm bia “đình đám” của “ông lớn” này như Saigon Larger, Saigon Export, Saigon Special và Saigon 333. Đồng thời, Sabibeco cũng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu riêng là bia Sagota và nước uống lúa mạch Malty.

Về tình hình kinh doanh của công ty, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Sabibeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.546 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Mặc dù giá vốn hàng bán đã được tiết giảm nhưng không mạnh bằng sự sụt giảm của doanh thu thuần, đã dẫn đến lợi nhuận gộp của “bốc hơi” 91% so với cùng kỳ, chỉ đạt vỏn vẹn 14 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhờ vào lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh mà doanh thu hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm của Sabibeco tăng tới 60%, lên mức 13 tỷ đồng.

Sau cùng, lợi nhuận gộp vẫn không đủ trả chi phí, Sabibeco báo lỗ gần 72 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 28 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành bia - công ty liên kết của Sabeco sắp “gia nhập” UPCoM: Nỗ lực giảm nợ để “chào sàn”
Tóm tắt kết quả kinh doanh tại bản công bố thông tin của Sabibeco

Đáng nói, “chu kỳ” thua lỗ tại doanh nghiệp ngành bia này đã bắt đầu 2020, sau khi báo lãi 88 tỷ đồng vào năm 2019.

Nhìn lại năm 2022, Sabibeo ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.356 tỷ đồng. Công ty cho biết, tổng sản lượng sản xuất trong năm là 218,3 triệu lít (tăng 19,7%), trong đó gia công Bia Sài Gòn chiếm 78,1%. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lỗ sau thuế hơn 3,4 tỷ đồng, giảm đáng kể so với số lỗ 79,8 tỷ đồng vào năm 2021.

Điểm sáng là trong gần 5 năm trở lại đây, từ 2019 đến cuối quý III/2023, nợ phải trả của Sabibeco liên tục được cải thiện. Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, nợ phải trả của công ty ở mức 1.471 tỷ đồng, trong đó chiếm đa phần là nợ ngắn hạn. Vay và nợ thuê tài chính của công ty đạt 889 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành bia - công ty liên kết của Sabeco sắp “gia nhập” UPCoM: Nỗ lực giảm nợ để “chào sàn”
Cơ cấu nợ của Sabibeco thời gian gần đây

Sau đó 1 năm, khoản nợ và vay tài chính của Sabibeco giảm xuống còn 763 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 14%.

Các năm sau đó, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng dần “co” lại. Tại ngày 30/9/2023, nợ phải trả ghi nhận ở mức 931 tỷ đồng, giảm 36% so với số nợ ở năm 2021. Trong đó, nợ thuê tài chính của công ty cũng giảm xuống còn 439 tỷ đồng.

Buồn của Sabeco: Doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, cổ phiếu rớt giá mạnh

Sau khi Sabeco công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 kém sắc vào cuối giờ chiều ngày 26/10, bước sang phiên giao dịch ngày ...

Trụ cột mảng sản xuất malt bia của đại gia Đường "bia" chịu lỗ nặng, tổng nợ gấp hơn 8 lần tổng vốn

Thành lập năm 2002, Đường Man đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất malt bia đồng bộ, hiện đại và tự động hóa ...

‘Rủng rỉnh’ tiền, Sabeco lên kế hoạch thâu tóm hai công ty

Sau một năm “ăn nên làm ra”, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã lên ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán