Doanh nghiệp mong muốn có thêm gói tín dụng mới và được giảm thêm lãi suất

(Banker.vn) Lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất vay vẫn cao, rất khó tiếp cận nên mong muốn được hỗ trợ lãi suất và có thêm những chính sách mới, gói tín dụng mới.
Tiến độ giải ngân các gói tín dụng ưu đãi hiện nay ra sao? Các gói tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp chưa tiếp cận được vì chọn sai ngân hàng

Mong các ngân hàng có những chính sách mới, gói tín dụng mới

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay (14/3), ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) cho biết, việc tiếp cận tín dụng là không khó nếu doanh nghiệp đảm bảo được các vấn đề pháp lý và đây mới là nút thắt lớn hiện nay. “Với Becamex, chúng tôi cho rằng vướng mắc là do cơ chế, về vấn đề giải quyết công việc”, ông Cương nói.

Doanh nghiệp mong muốn có thêm gói tín dụng mới và được giảm thêm lãi suất
Ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Becamex mong muốn ngân hàng có những chính sách mới, gói tín dụng mới

Thêm một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp bất động sản vướng mắc và Becamex cũng không ngoại lệ, đó là tất cả kế hoạch, phát hành trái phiếu - là những lĩnh vực chính của Becamex, vì khi doanh nghiệp phát triển hạ tầng thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường có kế hoạch phát hành, kế hoạch sử dụng, kế hoạch trả nợ trái phiếu thường kéo dài nên ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ, dẫn đến ảnh hướng về vay tín dụng.

“Khi Becamex triển khai các dự án trên cả nước, thời gian thường chậm hơn. Trước đây, chúng ta có chủ trương của Thủ tướng, chúng ta có luôn một hoạch định và thời gian, chúng ta tính được hiệu quả của dự án, thì thời gian sau này, các bước thủ tục về pháp lý thường kéo dài, cho nên dòng tiền và kế hoạch trả nợ gặp khó khăn”, ông Cương nói.

Lãnh đạo Becamex cho biết, qua nhiều hội nghị năm 2023, Thủ tướng và các bộ, ngành đã gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ. Những chỉ đạo của Chính phủ đang lan toả tới tất cả các địa phương. Becamex mong rằng, sự lan toả này sẽ đến từng cán bộ nhân viên, công chức.

Doanh nghiệp mong muốn có thêm gói tín dụng mới và được giảm thêm lãi suất
Các đại biểu tham dự hội nghị

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, trong xu thế mới, nếu hoạt động đơn thuần là kinh doanh bất động sản thì sẽ rất khó khăn, vì vậy, lĩnh vực mà Becamex tập trung trong năm 2024 là phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân và người dân tại Bình Dương.

“Becamex dự định vừa xây dựng và vừa mở rộng từ 10.000-20.000 căn hộ trong năm nay. Tất cả các dự án tại các địa phương khác, Becamex cũng đưa ra mô hình này để phát triển nhà ở xã hội”, ông Cương khẳng định.

Theo ông Cương, trong giai đoạn hiện nay, để khu công nghiệp thu hút đầu tư trong điều kiện mới về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khí thải carbon…, Becamex đang phát triển một hệ sinh thái về năng lượng tái tạo, tiếp cận các hệ sinh thái để bổ trợ cho việc thu hút đầu tư cho địa phương, cho cả nước.

“Becamex mong các ngân hàng có những chính sách mới, có những gói tín dụng mới triển khai để các doanh nghiệp nắm bắt, có cơ sở xây dựng và tạo điều kiện kết nối nguồn vốn tín dụng tốt nhất, đảm bảo lĩnh vực mới này phát triển vì hiện nay năng lượng tái tạo chưa có ưu đãi đặc biệt, khác biệt so với những quy định hiện tại”, ông Cương đề nghị, đồng thời mong Chính phủ quan tâm việc tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp cũng như Becamex trong thời gian sắp tới, để có nguồn lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đề nghị hỗ trợ lãi suất vay trung, dài hạn

Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chia sẻ, đối với ngành hàng không, trong giai đoạn vừa qua, giai đoạn Covid-19, hậu Covid-19 chịu ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi xác định đây là vai trò của ngành vận tải đi trước mở đường để đưa phát triển kinh tế - xã hội, địa phương, du lịch, đầu tư… đưa kinh tế Việt Nam ra thế giới và đưa kinh tế thế giới tới Việt Nam”, ông Hòa nói.

Doanh nghiệp mong muốn có thêm gói tín dụng mới và được giảm thêm lãi suất
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đề nghị được hỗ trợ lãi suất vay trung, dài hạn

Chủ tịch Vietnam Airlines khẳng định, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp hết sức quyết liệt hỗ trợ cho các ngành chịu ảnh hưởng của Covid-19 như: Nghị định 31/2022/NĐ-CP, các Thông tư số 01, 02 của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó giúp ngành hàng không nói chung và Hãng hàng không Quốc gia nói riêng từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Trong năm 2023, phục hồi của ngành hàng không vẫn chưa được như trước đại dịch. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ như: Chính sách visa đã giúp Vietnam Airlines phục hồi khoảng 80-90% so với trước dịch năm 2019. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng rất quyết tâm để đạt được mục tiêu đặt ra.

“Chúng tôi xác định chất lượng dịch vụ, an toàn tuyệt đối để phục vụ bà con là quyết định. Trong năm 2023, 2024 và những năm tiếp theo, Vietnam Airlines vẫn đang tiến tới mở rộng sản xuất, kinh doanh của mình, mở lại các đường bay cũ cũng như mở các đường bay mới, đặc biệt những đường bay xuyên lục địa”, ông Hòa khẳng định.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết thêm, ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề chính trị, đặc biệt là vấn đề Trung Đông cũng như: Nga và Ukraine làm cho chi phí tăng lên rất cao. “Tuy nhiên, chúng tôi rất quyết tâm. Năm 2024, phấn đấu mở rộng mảng bay, cân đối thu chi, hoặc tiệm cận được cân đối thu chi vào năm 2024”, ông Hòa nói.

Đối với chính sách tiền tệ và các chính sách chung, Chủ tịch Vietnam Airlines kiến nghị:

Thứ nhất, lãi suất vay vẫn cao và rất khó tiếp cận. Chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Thứ hai, đối với tỷ giá, Vietnam Airlines sẽ mất 300 tỷ nếu tỷ giá thay đổi dù chỉ 1%, còn nếu 5% thì chi phí của Vietnam Airlines một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng. Do đó, chúng tôi mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Ông Hòa cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng cho Vietnam Airlines. Và đặc biệt trong Đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có giải pháp tăng vốn điều lệ, rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ Vietnam Airlines phần tăng vốn này.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương