Doanh nghiệp lúa gạo, thuỷ sản: Vốn ngân hàng “lúc không cần thì có, lúc khó lại không thấy”

(Banker.vn) Không phải vấn đề về lãi suất, vướng mắc được các doanh nghiệp lúa gạo, thuỷ sản nêu lên lại xoay quanh thủ tục tiếp cận vốn ngân hàng.
Giải pháp nào để vốn ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa “gặp được nhau”? Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng Vay ngân hàng để “đảo nợ”, khách hàng cần lưu ý gì?

Linh hoạt thời điểm cung ứng vốn

Tại hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, các doanh nghiệp cho rằng, đặc điểm ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tính mùa vụ cao nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng mang tính thời điểm. Vì vậy, việc cung ứng nguồn lực vốn từ phía ngân hàng cũng cần linh hoạt để giúp giảm “tồn kho tiền” lớn như hiện nay.

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn (Cà Mau), doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu 30 triệu USD/năm than phiền việc tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm, thủy sản triển khai chậm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thiếu linh hoạt trong việc cấp hạn mức.

Theo ông Hiển, tôm quảng canh chính vụ của Cà Mau được thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6, cho nên, doanh nghiệp cần tiền vào thời điểm này để mua sản phẩm cho người nông dân. “Điều này có nghĩa, doanh nghiệp mua tôm cũng theo mùa vụ, nhưng hạn mức ngân hàng chỉ cho tôi vay 100 tỷ đồng, khi tôi mua hết tiền đó tôi nghỉ”, ông Hiển cho biết.

Từ chỗ doanh nghiệp “đứt vốn”, ngưng thu mua, dẫn đến nông dân phải bán qua thương lái, qua nhiều trung gian khác nhau nên không có được giá tốt. Đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải quay lại mua tôm với giá cao vì trái vụ, còn nông dân không bán được cho doanh nghiệp thì thường xuyên dẫn đến tình trạng giá tôm chính vụ mà “rẻ như khoai lang”.

Chính vì vậy, ông Hiển đề nghị, ngân hàng cần linh hoạt cấp hạn mức tùy theo thời điểm, bởi lẽ, nếu đầu năm doanh nghiệp cần 50 tỷ đồng, nhưng cho vay 100 tỷ đồng; giữa năm cần 150 tỷ đồng, nhưng cho vay 100 tỷ đồng hoặc cuối năm cần 60 - 70 tỷ đồng, cho vay 100 tỷ đồng,… là không phù hợp. “ Ngân hàng cần tránh trường hợp khi doanh nghiệp cần tiền mua hàng thì không vay được, lúc không cần thì lại dồi dào”, ông Hiển nói.

Hình minh họa
Lĩnh vực lúa gạo có tính chất mùa vụ rất cao, cho nên hạn mức tín dụng cũng cần linh hoạt để đáp ứng

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo cho rằng, lĩnh vực này có tính chất mùa vụ rất cao, cho nên, về hạn mức tín dụng các ngân hàng thương mại cũng cần linh hoạt để đáp ứng. “Ví dụ, thời điểm nông dân thu hoạch, thì nhu cầu mua lúa gạo lớn nên chính sách tín dụng cần có hạn mức đầy đủ và linh hoạt ở những thời điểm như vậy”, ông Nhựt cho hay.

Ngoài ra, theo ông Nhựt, đối với ngành hàng lúa gạo, năm nay có đặc điểm giá tăng cao, khoảng 20 - 40% so với năm ngoái (tuỳ loại), tức nhu cầu vốn để thu mua cũng tăng theo, cho nên, ngân hàng cũng cần xem xét, tạo thuận lợi. “Ví dụ, mua 10.000 tấn gạo trước đây là 100 tỷ đồng, nhưng bây giờ giá tăng 40%, thì 10.000 tấn gạo cần đến 140 tỷ đồng”, ông Nhựt dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho biết, năm nay đơn vị này ký được một hợp đồng xuất khẩu rất lớn, bằng doanh thu xuất khẩu cả năm 2022, cho nên, lập tức khiến nhu cầu vốn tăng đột biến.

“Chúng tôi có đầu ra, có năng lực sản xuất, có vùng nguyên liệu, nhưng nhu cầu vốn “nhảy vọt” nên chúng tôi đề nghị ngân hàng, đặc biệt lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, có những chính sách cấp vốn cho các doanh nghiệp như trường hợp của Lộc Trời”, ông Nhiên kiến nghị.

Ngoài ra, với đặc thù là đơn vị tham gia sản xuất toàn chuỗi, bao gồm lúa giống, vật tư, sản xuất lúa thương phẩm và xuất khẩu, cho nên, cần thời hạn vay vốn dài, lên đến 18 tháng thay vì là 6 tháng như các ngân hàng thương mại đang áp dụng như hiện nay. “Lộc Trời sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, thì chúng tôi cần 12 tháng. Trong khi đó, đối tác bán lẻ nước ngoài kéo dài nợ 6 tháng, cho nên, nếu đẩy mạnh đơn hàng bán trực tiếp thì chúng tôi cần 18 tháng”, ông Nhiên giải thích.

Thúc đẩy tín dụng, cần sự tháo gỡ từ hai phía

Trước những phản ánh của doanh nghiệp, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các địa phương phải kiểm tra ngay tiến độ triển khai gói tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản 15.000 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại phải linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng từng thời điểm cho người dân, doanh nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn.

Doanh nghiệp lúa gạo, thuỷ sản: Vốn ngân hàng “lúc không cần thì có, lúc khó lại không thấy”
Đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng

Theo Phó Thống đốc, thúc đẩy tín dụng, cần có sự tháo gỡ từ hai phía. Đầu tiên, phải tháo gỡ cho doanh nghiệp khó khăn về thị trường, về tạm trữ… để doanh nghiệp yên tâm vay vốn. Bởi ngân hàng không thể cho vay nếu doanh nghiệp cứ “xua tay” không cần vốn.

Đương nhiên, phía ngân hàng cũng phải tích cực phát huy vai trò chủ động, giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng. Theo Phó thống đốc, trước đây vẫn có tình trạng một số ngân hàng thương mại chậm giảm lãi vay song hiện nay, không còn ngân hàng nào không giảm lãi suất nếu không muốn mất khách hàng. Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác đã tạo sức ép khiến các ngân hàng cạnh tranh về lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Để tháo gỡ vướng mắc, từ phía các ngân hàng thương mại, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV chia sẻ, mong muốn doanh nghiệp sẽ hoạt động minh bạch, rõ ràng, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân hàng để tạo niềm tin cho ngân hàng.

“Ngân hàng rất mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp song ngược lại cũng mong các doanh nghiệp doanh nghiệp minh bạch để tạo niềm tin với ngân hàng. Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không hoạt động ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, Tổng giám đốc BIDV bày tỏ.

Tương tự, lãnh đạo Agribank cũng cho rằng, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng, cần có thêm các giải pháp kích thích tổng cầu; đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến Dự án đầu tư như hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng, môi trường,... đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án khả thi, đầy đủ pháp lý. Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền…

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp (lúa gạo, thủy sản…), các ngân hàng cho hay, việc giải ngân khó khăn vì nhiều lý do.

Thứ nhất, đặc thù thu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân không có hóa đơn chứng từ gây khó khăn cho các tổ chức tính dụng trong việc thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước trong quy định giải ngân cho vay bằng tiền mặt và kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.

Thứ hai, phần lớn tài sản bảo đảm trong cho vay nông nghiệp nông thôn là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy hải sản,... có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao.

Thứ ba, đối với tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, khoản phải thu khó quản lý và dễ dẫn đến tình trạng trùng lắp giữa nhiều ngân hàng (một tài sản đảm bảo có thể được sử dụng để thế chấp tại nhiều ngân hàng).

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%), chiếm 51,76% tổng dư nợ của Đồng bằng sông Cửu Long và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Riêng với lĩnh vực lúa gạo và thuỷ sản, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2022 và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục