Doanh nghiệp lên sàn chứng khoán: Thiếu vắng cả "chất" và "lượng"

(Banker.vn) Những hoạt động niêm yết trong 2 năm gần đây không chỉ thiếu vắng về "lượng", mà ngay cả "chất" cũng không đủ. Chẳng hạn trên HOSE, số lượng hồ sơ chờ duyệt chỉ khoảng hơn 10, đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang giao dịch trên UPCOM muốn chuyển niêm yết. Bóng dáng các "bom tấn" gần như không có sau khi một số tên tuổi được chờ đợi đã "quay xe" vì nhiều lý do khác nhau...

Loạt tân binh lên sàn

Hôm nay (12/7), cổ phiếu DTG của Công ty CP Dược phẩm Tipharco đã chính thức có phiên giao dịch đầu tiên trên HNX, với giá tham chiếu 25.000 đồng/cp. Sau khi chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ UPCOM lên niêm yết trên HNX, DTG sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ. Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2023, Tipharco sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng theo tỷ lệ 1:3 (hơn 22,3 triệu cổ phiếu), chia cổ tức năm 2022 gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Doanh nghiệp lên sàn chứng khoán: Thiếu vắng cả
Thị trường chứng khoán kỳ vọng đón thêm nhiều "tân binh" chất lượng trong thời gian tới

Sau đó gần 1 tháng, ngày 8/8/2023, cổ phiếu SIP của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (Sài Gòn VRG) cũng dự kiến chuyển sàn sang HoSE với khối lượng niêm yết gần 93 triệu cổ phiếu. Đây là doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có quỹ đất khá lớn, sẵn sàng đón khách cho thuê thuộc các khu công nghiệp Phước Đông (Tây Ninh), Đông Nam (TP.HCM), Lê Minh Xuân 3 (TP.HCM), Lộc An (Đồng Nai).

Một cái tên đáng chú ý khác trên UPCoM là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng mong muốn sớm được chuyển lên niêm yết trên HoSE. Tuy nhiên, hồ sơ niêm yết đang gặp vướng mắc, liên quan đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp mà Lọc hóa dầu Bình Sơn góp vốn từ nhiều năm trước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hướng dẫn công ty xin ý kiến Bộ Tài chính để tháo gỡ vấn đề kỹ thuật này, qua đó có căn cứ cấp phép niêm yết mới. Nếu thuận lợi, công ty có thể chuyển sàn trong quý III năm nay.

Được biết, mùa đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa qua, có thêm một số ngân hàng và doanh nghiệp đã công bố kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên niêm yết trên HoSE và HNX.

Ngoài ra, hiện có không ít doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết, đến từ cả doanh nghiệp trên UPCoM và doanh nghiệp đại chúng ngoài sàn như Công ty CP Tập đoàn Dược Bảo Châu, Công ty CP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba, Công ty P Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đông Dương...

Với Công ty CP Sơn Á Đông, doanh nghiệp này đã đăng ký niêm yết 23 triệu cổ phiếu trên HoSE và được chấp thuận ngày 29/6/2023. Theo quy định, Sơn Á Đông sẽ chọn ngày niêm yết trong vòng 90 ngày kể từ khi được cấp phép.

Vẫn cần thêm những cái tên chất lượng

Có thể thấy, việc chuyển sàn sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, có thể tạo thêm giá trị cho cổ phiếu khi doanh nghiệp tham gia sân chơi lớn, đòi hỏi các yêu cầu cao hơn về quản trị và tuân thủ pháp luật chứng khoán.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, những cái tên đáng chú ý như Gelex Electric (GEE), Gỗ An Cường (ACG), Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), thậm chí "ông lớn" ngành điện EVNGENCO 3 (PGV) chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE đều không tạo ra được hiệu ứng nào thực sự rõ rệt.

Thậm chí ngay cả "kỳ lân” công nghệ VNG (VNZ) lên sàn UPCoM cũng không để lại dấu ấn nào thực sự ấn tượng, ngoại trừ thị giá cao ngất ngưởng, khi mà thanh khoản quá nhỏ giọt thậm chí nhiều phiên không có giao dịch khiến tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp từng chạm đến mức vốn hoá tỷ USD này gần như không đáng kể.

Thực tế, những cái tên nêu trên cũng giao dịch không quá nổi bật, may mắn nhất là cổ phiếu SIP có diễn biến khả quan, tăng gần gấp đôi so với đầu năm nay.

Nhìn chung, những hoạt động niêm yết trong 2 năm gần đây không chỉ thiếu vắng về "lượng", mà ngay cả "chất" cũng không đủ. Chẳng hạn trên HOSE, số lượng hồ sơ chờ duyệt chỉ khoảng hơn 10, đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang giao dịch trên UPCOM muốn chuyển niêm yết. Bóng dáng các "bom tấn" gần như không có sau khi một số tên tuổi được chờ đợi đã "quay xe" vì nhiều lý do khác nhau.

Có thể kể đến như Nova Consumer (NCG) lỗi hẹn niêm yết sau khi nhận được thông báo của HOSE vào tháng 12 năm ngoái về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết do chưa bổ sung các tài liệu phát sinh theo thời hạn. Hay như Tôn Đông Á cũng bất ngờ gửi công văn đến HoSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu hồi tháng 4 năm nay.

Một số doanh nghiệp khác như Sơn Đông Á, Lập Phương Thành đã rút hồ sơ niêm yết để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Trong khi đó, HOSE cũng thông báo dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Cảng Quy Nhơn do doanh nghiệp chưa bổ sung hồ sơ và giải trình theo yêu cầu.

Trong khi đó, những doanh nghiệp nhà nước đang nằm trong danh sách cổ phần hoá thực sự được nhà đầu tư quan tâm lại chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1... và lộ trình lên sàn vẫn còn bỏ ngỏ.

Việc thiếu vắng các "bom tấn" niêm yết mới được cho là sẽ khiến thị trường không có động lực lớn thúc đẩy những doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể tạo được "sóng lớn" từ những thương vụ chuyển sàn cũng như niêm yết mới. Bởi thực tế, trong quá khứ, những "con sóng thần" của chứng khoán Việt Nam thường gắn liền với làn sóng các "bom tấn" IPO lên sàn, bên cạnh việc tham gia các tổ chức, Hiệp định thương mại quan trọng…

Khối ngoại hãm đà bán ròng phiên 11/7, cổ phiếu ngân hàng VCB là tâm điểm bán ra

Phiên giao dịch ngày 11/7, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh giải ngân cổ phiếu chứng khoán SSI và hãm đà bán ròng với giá ...

Nhận định chứng khoán ngày 12/7/2023: Chú ý đến nhóm chứng khoán, bán lẻ và thép

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến ...

Nhận định chứng khoán ngày 12/7/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 12/7/2023. Tạp ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán