Doanh nghiệp Hà Nam cam kết tiết giảm 21 MW qua điều chỉnh phụ tải

(Banker.vn) Dự báo phụ tải tăng cao trong các tháng mùa khô, cao điểm nắng nóng năm 2024, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nam đã cam kết điều chỉnh phụ tải, tiết giảm 21MW
Chung tay tiết kiệm điện qua Chương trình DR Gần 4.000 doanh nghiệp ở miền Bắc tham gia điều chỉnh phụ tải điện Tăng cường thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện năm 2024 Điều chỉnh phụ tải điện: Thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện

Dự báo nhu cầu phụ tải tăng 10,4%

Báo cáo của Công ty Điện lực Hà Nam cho biết, theo số liệu tính toán, trong khung giờ cao điểm từ 12h00-15h00 và từ 21h00 đến 24h00 các ngày trong tháng 5,6,7 năm 2024 dự kiến công suất cực đại toàn tỉnh Hà Nam sẽ đạt 712 MW, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2023. Điều này đặt ra những khó khăn trong việc đảm bảo cấp điện vào khung giờ cao điểm trong những ngày nắng nóng cực đoan kéo dài.

Doanh nghiệp Hà Nam: Cam kết tiết giảm 21 MW qua điều chỉnh phụ tải
Thay máy biến áp 180kVA lê 320kVA nhằm nâng công suất Trạm Nguyễn Đức cảnh- TP Phủ Lý đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho mùa nắng nóng 2024 (Ảnh: Thu Hường)

Để thực hiện công tác tuyên truyền vận động khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) đạt hiệu quả, PC Hà Nam thực hiện lập kế hoạch triển khai DR năm 2024 như: Rà soát lại danh sách các khách hàng thuộc đối tượng DR đã thực hiện ký kết thỏa thuận điều chỉnh phụ tải DR; Thực hiện làm việc, gia hạn và ký kết thỏa thuận DR với các khách hàng phát sinh mới, hết hạn DR trong năm 2023; Rà soát hệ thống đo xa các khách hàng thuộc đối tượng DR, kiểm tra biểu đồ phụ tải từng điểm đo trên hệ thống đo xa.

Lãnh đạo Công ty đã trực tiếp làm việc với khách hàng sản xuất kinh doanh lớn và giao cho các Điện lực trực thuộc chủ động lập kế hoạch bố trí lãnh đạo làm việc trực tiếp với từng khách hàng còn lại để trao đổi, tư vấn hỗ trợ, tuyên truyền kế hoạch cung cấp điện năm 2024.

Đồng thời triển khai các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và khuyến khích tất cả các khách hàng ký các văn bản thỏa thuận; dịch chuyển thời gian sản xuất, tránh các tháng cao điểm (mùa khô tháng 5 – 7), đặc biệt là các khung giờ cao điểm của hệ thống điện miền Bắc (từ 12h00 đến 15h00; 21h00 đến 24h00) các tháng này; tham gia các sự kiện DR tự nguyện phi thương mại nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp chia sẻ của khách hàng hưởng ứng tham gia cùng ngành Điện…

Bên cạnh đó, ngay từ cuối năm 2023, công ty đã chủ động chuẩn bị cho công tác cấp điện mùa khô năm 2024 trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn lưới điện.

Anh Hoàng Văn Minh, Đội trưởng đội sửa chữa điện nóng Hotline - PC Hà Nam chia sẻ: Do thực hiện bằng phương pháp hotline nên công nhân không phải cắt điện, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Doanh nghiệp Hà Nam: Cam kết tiết giảm 21 MW qua điều chỉnh phụ tải
Thay chuỗi sứ bằng công nghệ sửa chữa hotline không cắt điện trên lưới 22kV tại TP. Phủ Lý (Ảnh: Thu Hường)

Để đảm bảo cung cấp điện mùa nắng năm 2024, ngay từ đầu năm, đội đã quán triệt rà soát xử lý các khiếm khuyết, đến nay, đã thực hiện được 220 phiên sửa chữa hotline.

Theo kế hoạch năm 2024 chúng tôi sẽ triển khai thực hiện 540 phiên sửa chữa hotline, tăng 120 phiên so với năm 2023. Trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, áp lực công việc của Đội cũng vì thế tăng lên, để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, Ban lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo Đội tăng cường thêm các phiên làm việc trong mùa nắng nóng, đảm bảo nâng cao độ tin cậy cung cấp điện’- anh Hoàng Văn Minh cho hay.

Doanh nghiệp chung tay đồng hành cùng ngành điện

Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm của tỉnh Hà Nam, trung bình mỗi tháng sản lượng điện của Công ty TNHH Dệt Hà Nam (Dệt Hà Nam) ước khoảng 3,7 triệu kWh tương ứng với số tiền khoảng 5,4 tỷ đồng.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác tiết kiệm điện cũng như đồng hành với ngành điện trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong những năm qua công ty đã thường xuyên liên tục triển khai nhiều giải pháp quản lý nội vi cũng như các giải pháp có đầu tư đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện.

Doanh nghiệp Hà Nam: Cam kết tiết giảm 21 MW qua điều chỉnh phụ tải
Trung bình mỗi tháng sản lượng điện tiêu thụ của Công ty Dệt Hà Nam ước khoảng 3,7 triệu kWh (Ảnh: Thu Hường)

Theo đó, phải kể đến chương trình DR được công ty ký cam kết với ngành điện. Chia sẻ về vấn đề này ông Trương Công Kiên - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt Hà Nam nói: Năm 2023 có những thời điểm phụ tải tăng cao, chúng tôi đã tự nguyện đăng ký cắt điện dừng sản xuất để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cũng như giảm tối đa tình trạng cắt điện khu vực dân cư. Và thực tế, mùa khô và cao điểm mùa nắng nóng năm 2023, không một hộ dân nào ở Hà Nam bị cắt điện do phụ tải tăng cao.

Với nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm là vấn đề sống còn đặc biệt trong thời tiết nắng nóng, Dệt Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tiết kiệm điện. Cụ thể, công ty đã chủ động thuê tư vấn để đánh giá thiết bị sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả; lắp thêm biến tần cho các động cơ từ 7,5kW trở lên để giảm điện năng tiêu thụ. Cải tạo lại nhà xưởng, văn phòng tận dụng ánh sáng tự nhiên, thay bóng chiếu sáng sang bóng đèn led tiết kiệm điện.

Trong các đợt cao điểm, công ty đã chủ động cân đối sản xuất, giảm bớt phụ tải các thiết bị hỗ trợ trong giờ cao điểm. Chúng tôi cũng xây dựng các quy định về tiết kiệm điện, giao chỉ tiêu cho từng phân xưởng, bộ phận; thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên. Kết quả tiết kiệm điện được xem là 1 tiêu chí để đánh giá thi đua’- ông Trương Công Kiên chia sẻ.

Ông Trương Công Kiên cho hay, trong những năm vừa qua chúng tôi đã nhiều lần tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải khi được đơn vị điện lực thông báo. Có những thời điểm công ty đã tham gia điều chỉnh tiết giảm đến 6,5 MW.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, từ đầu năm đến nay hàng tháng Dệt Hà Nam tiết kiệm được khoảng 2-4% chi phí tiền điện tương đương với 110-220 triệu đồng/tháng.’- ông Kiên nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Công ty CP Nhựa Châu Âu chuyên sản xuất các hạt nhựa màu cô đặc, chất độn nhựa, hạt nhựa phụ gia và hạt nhựa kỹ thuật, trong đó 70% sản lượng phục vụ cho thị trường xuất khẩu, trung bình mỗi năm sản lượng điện tiêu thụ của công ty đạt 19 triệu kWh.

Ông Phạm Văn Dậu- Giám đốc Nhà máy Công ty CP Nhựa Châu Âu (KCN Đồng Văn- Thị xã Duy Tiên) cho biết: Năm 2024 kế hoạch sản xuất của chúng tôi dự kiến tăng 10-15%, do vậy nhu cầu sử dụng cũng tăng tương ứng khoảng 10%.

Bên cạnh các giải pháp như sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên tại khu vực sản xuất, sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao, tăng cường công tác quản lý năng lượng, sử dụng hệ thống điều hòa từ 26 độ C trở lên.

Đặc biệt, đối với chương trình điều chỉnh phụ tải, chúng tôi luôn ủng hộ và chia sẻ với Cty Điện lực Hà Nam ngay từ đầu và đã tham gia ký kết thực hiện. Trong những năm vừa qua chúng tôi đã nhiều lần tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải khi được Đơn vị Điện lực thông báo. Nhưng lần tham gia điều chỉnh, chúng tôi đã tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng/ngày và khoảng 100 – 200 trăm triệu/tháng. Riêng năm 2023, với các giải pháp tiết kiệm điện chúng tôi đã tiết kiệm được từ 5-7% tổng lượng điện tiêu thụ’- ông Dậu cho hay.

Hiện Nhà máy đang thực hiện sản xuất 3 ca, 4 kíp, do đặc thù ngành nghề việc sử dụng điện cao nhất hàng ngày là từ 19h30 đến 7h sáng hôm sau, vì vậy sau khi làm việc với Công ty Điện lực Hà Nam, Công ty đã thực hiện ký Phụ lục hợp đồng tham gia dịch chuyển phụ tải cụ thể: ‘Trong các khung giờ cao điểm mùa nắng nóng (từ 12h-15h và 21h đến 24h) đặc biệt các tháng 5,6,7: chúng tôi cam kết điều chỉnh tiết giảm 840 KW; Trong trường hệ thống điện gặp khó khăn và được Điện lực thông báo, chúng tôi cam kết điều chỉnh tiết giảm đến 50% công suất đạt 1,4 MW. Đối với các đối tác, nếu cần đảm bảo khối hàng hoá giao cho Khách hàng, chúng tôi sẽ sản xuất thêm vào các khung giờ khác.’- ông Dậu khẳng định.

Doanh nghiệp Hà Nam: Cam kết tiết giảm 21 MW qua điều chỉnh phụ tải
Nhà máy sản xuất của Nhựa Châu Âu tại KCN Đồng Văn cam kết tiết giảm lên đến 1,4MW trong điều kiện phụ tải tăng cao (Ảnh: Thu Hường)

Để công tác thực hiện DR đạt kết quả cao, PC Hà Nam đã căn cứ vào công suất khả dụng của hệ thống, qua đó xây dựng phương án dịch chuyển phụ tải vào các khung giờ cao điểm và đã được sự đồng thuận của các khách hàng sử dụng điện.

Theo đó, đến 30/4/2024, Công ty sẽ hoàn thành ký biên bản cam kết thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ đối với các khách hàng hành chính sự nghiệp, sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ.

Đồng thời, phát động chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện” hoặc “Gia đình xanh” đến các hộ gia đình sử dụng điện tại địa bàn quản lý tham gia các chương trình tiết kiệm điện trên môi trường website, App, mạng xã hội...

Được biết, năm 2024, Công ty Điện lực Hà Nam có 235 khách hàng là đối tượng ký thỏa thuận tham gia DR, những khách hàng có đủ điều kiện tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải là các khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên, đã được trang bị công tơ điện tử đo đếm từ xa và được truyền số liệu theo chu kỳ 30 phút một lần. Tổng công suất của 235 khách hàng tham gia đạt 21 MW.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục