Doanh nghiệp gỗ ván ép đối mặt với thuế chống phá giá từ Hàn Quốc cao hơn 4% so với trước

(Banker.vn) Với sự chênh lệch mức thuế chống bán phá giá biên độ dao động từ 4,2 - 13,04% của Hàn Quốc gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván ép của Việt Nam.
Đề nghị Mỹ xem xét lại kết quả tính thuế chống phá giá cho tôm Việt Việt Nam đứng trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn trên thế giới Xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hàn Quốc tăng gần 180%

Chi Hội Gỗ dán Việt Nam cho biết, trong thời gian gần đây, Chi Hội nhận được nhiều thông tin phản ảnh từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng ván ép (hay còn gọi là ván dán) làm từ gỗ rừng trồng của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc về việc phía cơ quan quản lý Hàn Quốc tái điều tra lại việc thuế chống bán phá giá sản phẩm ván ép xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc giai đoạn 2020 - 2023. Thời gian phía cơ quan quản lý của Hàn Quốc sang kiểm tra các doanh nghiệp và kết thúc trong tháng 11/2023.

Theo Chi hội Khoảng 152 doanh nghiệp dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4% - theo số liệu năm 2023.
Theo Chi hội Gỗ dán Việt Nam, sẽ có khoảng 152 doanh nghiệp dự kiến phải chịu mức thuế chống phá giá cao hơn 4% từ thị trường Hàn Quốc - theo số liệu năm 2023.

Đến thời điểm hiện tại là giai đoạn phía cơ quan quản lý của Hàn Quốc sắp ra các phán quyết cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp tham gia điều tra và các doanh nghiệp không nằm trong diện điều tra lại. Trong giai đoạn này doanh nghiệp nhận được rất nhiều thông tin rằng: ‘Có sự chênh lệch mức thuế rất lớn biên độ dao động từ 4,2 - 13,04%’.

Theo ông Trịnh Xuân Dương – Phó chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam, việc điều tra và áp thuế từ phía Hàn Quốc là chưa khách quan. Bởi lẽ, trong số các doanh nghiệp được (hoặc bị) điều tra thì chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp việt xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Hàn Quốc. Doanh số các doanh nghiệp này xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc các năm cũng chiếm không quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp không được điều tra (bắt buộc điều tra) có biên độ tương đối lớn so với các doanh nghiệp được điều tra.

Trong tổng số 6 doanh nghiệp điều tra thì có công ty Rongjia đã đóng cửa công ty. Với Công ty Rongjia đã đóng cửa nhà máy không tham gia vào quá trình điều tra, theo thông tin sơ bộ là hơn 20%++ mức thuế áp dụng cho doanh nghiệp có thể nói là lẩn tránh điều tra/không tham gia vào điều tra lần thứ 2 thì mức thuế như vậy là cũng không hợp lý,… Số lượng các doanh nghiệp được/bị điều tra chưa phán ánh đầy đủ tổng quan số lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu vào hàn quốc của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đông - Thư ký Chi hội cho biết, Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng với sản phẩm gỗ ván ép. Hiện, có những doanh nghiệp không hoặc có rất ít sản lượng xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, thậm chí chưa từng xuất khẩu vào Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này tất nhiên là không thuộc phạm vi điều tra, trong tương lai khi họ muốn xuất khẩu vào thị trường này mà bị áp thuế chung là sự thiệt thòi và không công bằng với các doanh nghiệp đó trong dài hạn. Và làm hạn chế thị trường xuất khẩu cho ngành ván ép Việt Nam trong lâu dài.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong xuất khẩu mặt hàng ván ép của Việt Nam, Chi Hội Gỗ dán Việt Nam đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) kiến nghị tới cơ quan quản lý của Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện thông thoáng cho sản phẩm ván ép Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này một cách tốt nhất.

Bởi theo ông Trịnh Xuân Dương, nếu việc này không được tháo gỡ thì sẽ có khoảng 152 doanh nghiệp dự kiến phải chịu mức thuế cao hơn 4% (theo số liệu năm 2023). Các doanh nghiệp này sẽ không thể cạnh tranh và phải dừng hoạt động. Công nhân của các doanh nghiệp này sẽ mất việc làm do hàng trăm nhà máy phải đóng cửa. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng sẽ phải dừng hoạt động. Rừng không được trồng mới do không có đầu ra. Toàn bộ chuỗi cung ứng trồng rừng và chế biến lâm sản sẽ bị ngắt quãng.

Như vậy đối với các mục tiêu của nhà nước trong thời gian tới, liên quan đến việc chứng chỉ xanh và hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam và cả hệ thống đi cùng với việc kinh doanh của họ cũng sẽ đối mặt với vấn đề rất lớn.

“Chúng tôi đề nghị phía Cục Phòng vệ thương mại trao đổi để có giải pháp và đề xuất phía cơ quan quản lý Hàn Quốc giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá như lần điều tra trước (10,54%). Việc này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam duy trì được thị trường và ổn định sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế chung toàn cầu đang bị suy giảm như hiện nay”, ông Trịnh Xuân Dương kiến nghị.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sản phẩm gỗ dán, gỗ ghép của Việt Nam xuất khẩu sang 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong năm 2023. Tuy nhiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Malaysia là bốn thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam vào năm 2023, chiếm 77,1% về lượng và 77,4% về giá trị. Trong đó, riêng thị trường Hàn Quốc chiếm 29% về lượng và 22,7% về giá trị (đạt 804,71 nghìn m3, với kim ngạch đạt 201,75 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2022).

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục