Doanh nghiệp dệt may tiếp tục ứng phó với đơn hàng nhỏ và khó

(Banker.vn) Xu hướng đơn hàng trong thời gian tới vẫn là nhỏ, khó và đòi hỏi thời gian giao nhanh, doanh nghiệp dệt may đã và đang nỗ lực đáp ứng.
Doanh nghiệp dệt may đáp ứng xu hướng sản xuất xanh như thế nào? Tiêu chuẩn xanh của EU: Doanh nghiệp dệt may đáp ứng ra sao? Nhiều doanh nghiệp dệt may TP. Hồ Chí Minh đã phục hồi đến 80% đơn hàng xuất khẩu

Linh hoạt trước biến động thị trường

Trước những diễn biến không mấy tích cực của thị trường, doanh nghiệp dệt may trong nước đã bằng mọi cách xoay sở nhằm ổn định sản xuất, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP (May 10) chia sẻ, thế mạnh của May 10 là sơ mi nhưng năm 2023 lại thiệt hại nặng nhất về mặt hàng này. May 10 phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi. Sơ mi trước chiếm tỷ trọng 60% của doanh nghiệp, nhưng hiện nay chỉ chiếm 39%.

Xu thế “work from home” cùng những yếu tố tỷ giá, lạm phát, địa chính trị, chiến tranh đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khách hàng của May 10. Điều này đặt doanh nghiệp vào tình thế phải xác định lại sản phẩm thế mạnh. May 10 hiện yêu cầu mỗi xí nghiệp phải làm tốt 3 mặt hàng.

Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp may mặc tiếp cận được với nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may dễ dàng hơn và với chi phí tối ưu hơn
Doanh nghiệp dệt may tiếp tục ứng phó với đơn hàng nhỏ, khó

Ông Phạm Phú Cường- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè CTCP (May Nhà Bè) nêu, chưa khi nào doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, thị trường giảm sâu, đơn hàng nhỏ, giá giảm… Để ứng phó với tình hình thị trường, veston của May Nhà Bè đã chuyển về các nhà máy ở địa phương sản xuất, còn tại TP. Hồ Chí Minh sản xuất hàng lacoste không có đường may và thời trang săn bắn với đơn giá gia công có thể lên tới 30-50 USD/sản phẩm.

May Nhà Bè sẵn sàng “tấn công” những mặt hàng khó, không nhận đơn hàng quá 15% khả năng sản xuất… căn cứ vào khu vực, địa lý, tay nghề công nhân để đưa dòng sản phẩm vào sản xuất. Vì vậy, đầu năm 2023, May Nhà Bè sản xuất 8 dòng sản phẩm thì hiện nay đang thực hiện 10 dòng sản phẩm.

Tăng năng suất, chú trọng chất lượng sản phẩm

Quý IV/2023, thị trường dệt may thế giới được đánh giá có những chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo); lạm phát tại EU tháng 9/2023 giảm 4,3%.

Về xuất khẩu dệt may của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2023 sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 2% và 11% so với cùng kỳ; ngành khăn-gia dụng tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra; ngành may có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi, đặt hàng…

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp dệt may là công tác thị trường, năng suất lao động và bị cạnh tranh nặng nề bởi các quốc gia đối thủ.

Ông Trần Hữu Phong- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng cho rằng, các đơn vị cần xác định lại thị trường rõ ràng hơn, có quyết tâm với mục tiêu đề ra. Đối với doanh nghiệp có thị trường, cần cải thiện chất lượng để khẳng định vị trí của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt May Huế nhận định, năm 2024 sẽ là năm cạnh tranh rất lớn về giá. Giá cũng sẽ không tốt hơn bình quân giá 6 tháng cuối năm 2023.

Khách hàng sẽ yêu cầu giao hàng nhanh và rất nhanh, đơn hàng ít, độ phức tạp của sản phẩm cũng cao, mẫu mã đa dạng, chất lượng yêu cầu rất khắt khe. Khách hàng rất quan tâm tới chất lượng sản phẩm và lựa chọn doanh nghiệp để ký kết hợp tác lâu dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm tới năng suất lao động, đầu tư thiết bị tự động hóa nhiều hơn, sâu hơn, kịp thời hơn. Đồng thời doanh nghiệp cũng quan tâm tới cách thức quản trị, nâng cao tay nghề công nhân.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên- CTCP (May Hưng Yên) cho rằng, tình hình thị trường thế giới hiện nay rất khó khăn, giá dầu, chất đốt, lương thực đều tăng làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may.

Năm 2024 đơn giá sản xuất mặt hàng gia công khó mà tăng, thậm chí còn giảm. Vì vậy, May Hưng Yên bắt đầu định hướng, nghiên cứu tiếp tục nâng cao năng suất, nhận làm cả đơn hàng chất lượng cao và đơn hàng gia công, bảo hộ lao động. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần đầu tư tự động hóa cao, nâng cao năng lực của người lao động, giảm một số chi phí quản lý vốn…

Đại diện cho doanh nghiệp ngành sợi, bà Trần Thị Kim Chi- Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài cho rằng, thời gian tới phải tính toán thận trọng, cần tiếp tục sản xuất sợi chất lượng cao, tốt, tiết giảm chi phí, lựa chọn khách hàng. Đặc biệt, Phú Bài bám sát thị trường, nhận thấy mặt hàng nào đang cần sẽ tăng cường sản xuất. Với quan điểm như vậy, năm 2024 Phú Bài không quá chủ quan nhưng cũng không bi quan trước tình hình biến động khó lường như hiện nay.

Trước những khó khăn và thách thức cho những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, trong xu thế bất định hiện nay, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, cẩn trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm vì còn liên quan đến đầu tư thiết bị. Khi nghiên cứu thị trường cần xác định ngắn hạn và trung hạn để điều chỉnh các đơn hàng.

Với khoảng cách khá lớn về năng suất lao động giữa các doanh nghiệp may, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, cần sớm thu hẹp để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cùng đó, cần đẩy nhanh, mạnh các giải pháp như số hóa, tổ chức sản xuất khoa học, tìm kiếm thị trường… Có như vậy, năm 2024, doanh nghiệp mới phần nào khắc phục được khó khăn.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương