Tăng tốc sản xuất trở lại
Ngay sau khi TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khu vực phía Nam nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp dệt may bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất. Mặc dù vẫn còn những khó khăn, tuy nhiên theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt- May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh, tình hình không quá "gay cấn" như tiên lượng.
Đầu tiên là về lao động, theo khảo sát sơ bộ của Hội Dệt- May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh, với các doanh nghiệp lớn, lao động chỉ biến động khoảng 10%, còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ vài %. Đối với các trường hợp lao động về quê phần lớn có hoàn cảnh đặc biệt hoặc lao động tự do. Lao động ngành dệt may tương đối ổn định.
Dự báo từ nay đến hết năm, đơn hàng sẽ tốt lên và doanh nghiệp sẽ tăng tốc sản xuất. Thực tế, đã có doanh nghiệp tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp trả đơn hàng.
Chia sẻ về tình trạng của doanh nghiệp, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH may mặc Donny – cho biết: Thời điểm giãn cách, để đảm bảo tiến độ giao hàng Dony đã chuyển một phần đơn hàng sang các đối tác khu vực ngoài vùng tâm dịch để sản xuất. Hiện, doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất, hoạt động hết công suất.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, song các doanh nghiệp dệt may vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó thiếu vốn là vấn đề nổi cộm. Điều này không chỉ diễn ra với doanh nghiệp trong nước mà còn cả với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng đó là những quy định không thống nhất giữa các địa phương khiến người lao động gặp khó khăn khi đi chuyển đến nơi làm việc.
Kinh nghiệm vượt "bão" dịch
Dịch Covid-19 là "phép thử" với cộng đồng doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp đã vượt qua. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên - bày tỏ: Nhờ tích tụ vốn, khi dịch Covid – 19 bùng phát, doanh nghiệp có thể trụ vững và trả lương cho người lao động 6 tháng. Cùng đó là chiến lược nguồn lao động, theo ông Nguyễn Xuân Dương, biến động lao động trong doanh nghiệp may rất khốc liệt. Doanh nghiệp ứng phó bằng cách chấp nhận sự biến động để sàng lọc, định hình đội ngũ lao động phù hợp. Cải tiến công tác quản lý, cải tiến công nghệ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo môi trường và thu nhập tốt để giữ chân người lao động.
Với Tổng công ty CP Phong Phú, giải pháp để doanh nghiệp vượt "sóng" Covid-19 là linh hoạt trong điều hành. Ông Dương Khuê - Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú - chia sẻ: Trong khó khăn, doanh nghiệp phải chuyển từ quản trị theo kế hoạch sang quản trị trạng thái với ưu tiên cao nhất là tuân thủ chỉ đạo của chính quyền và sự tồn tại của doanh nghiệp. Theo đó, tổng công ty thường xuyên cập nhật sự thay đổi về năng lực cung ứng với các khách hàng, bằng mọi cách giảm thiểu tổn thương các chuỗi cung ứng đang tham gia cũng như các đối tác trực tiếp.
Dự báo năm 2022, dịch bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ được kiểm soát tốt hơn, thị trường dệt may "ấm" dần do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Doanh nghiệp dệt may mong muốn được hỗ trợ giảm lãi suất vốn vay, các địa phương thống nhất quy định phòng, chống dịch… nhằm thuận lợi hơn trong quá trình khôi phục sản xuất.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|