Doanh nghiệp công nghệ Việt đang bước vào giai đoạn phát triển mới

(Banker.vn) Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Với các thế mạnh hiện có, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phát triển năng lực, phục vụ thị trường nước ngoài thì đích đến sẽ là không có giới hạn.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trong năm 2022 đạt 1,977 tỷ USD (khoảng 46.500 tỷ đồng).

Năm qua, Việt Nam có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với 550.000 kỹ sư. Trong số này, khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm vươn ra thị trường nước ngoài.

Tổng doanh thu tại thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đạt hơn 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên doanh thu giải pháp, dịch vụ phần mềm của một doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ số tại nước ngoài đạt hơn 1 tỷ USD.

Trong khi đó, thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin Việt chỉ chiếm 0,1% so với thị trường thế giới có quy mô 1.803 tỷ USD. Do đó, cơ hội thị trường là rất lớn. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin hiện nay cũng như trong tương lai.

Từ thực tế này cho thấy, nếu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, khai thác năng lực của toàn bộ hệ sinh thái công nghiệp ICT để phục vụ các thị trường nước ngoài thì đích đến, tiềm năng thị trường là không giới hạn.

Các chuyên gia nhận định rằng thị trường quốc tế đang mở ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Bởi tổng doanh thu thị trường phần mềm và dịch cụ công nghệ thông tin của toàn bộ các BigTech mới chỉ chiếm khoảng 30% (hơn 530 tỷ USD), đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, doanh nghiệp ICT Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán