Doanh nghiệp chuẩn bị gì khi VND mạnh dần lên trong nửa cuối năm?

(Banker.vn) Tỷ giá được giới phân tích tài chính nhận định sẽ dịu dần về cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Tỷ giá USD hôm nay 17/7/2024: Đồng USD tiếp tục tăng nhẹ sau dữ liệu doanh số bán lẻ tại Mỹ Các chuyên gia kinh tế nói gì về việc duy trì lãi suất USD 0%? Tỷ giá USD hôm nay 18/7/2024: Đồng USD bất ngờ “rơi thẳng đứng” xuống dưới mức 104

USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm và VND sẽ mạnh dần lên

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2024, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD. Nhận xét về mức biến động này, ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: “Diễn biến này hoàn toàn nằm trong xu thế chung của hầu như toàn bộ các đồng tiền châu Á và các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển vốn liên kết chặt chẽ với sức khỏe đồng USD là đồng tiền quan trọng nhất trong các hoạt động thương mại, đầu tư và là đồng tiền dự trữ toàn cầu mang tính thanh khoản cao nhất”.

Ông Quang nêu dẫn chứng, trong 6 tháng qua, đồng Yên Nhật mất giá 14%, đồng Won Hàn Quốc giảm 7%, đồng tiền của Thái Lan, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Philippin cũng mất giá khoảng 6% so với USD. Ngân hàng trung ương các nước trên đều dùng các biện pháp can thiệp thị trường khác nhau trong nỗ lực ổn định vĩ mô, hạn chế dòng vốn ngoại ra đi và sự mất giá đồng nội tệ. Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và Cơ quan quản lý cũng phải hành động tương tự.

“Áp lực từ lãi suất USD tiếp tục được duy trì ở mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sức hấp dẫn từ các tài sản đầu tư gắn với USD sẽ tiếp tục là bài toán khó cho tất cả các Cơ quan quản lý các nước, cho đến khi có một dấu hiệu rõ ràng là nền kinh tế Mỹ cần thiết phải có các đợt cắt giảm lãi suất liên tục” - ông Quang nhận định.

Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh. (Ảnh: Hoàng Hà)
Trong 6 tháng đầu năm 2024, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD

Các chuyên gia của UOB đang duy trì quan điểm Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có 2 lần cắt giảm lãi suất USD, mỗi lần 0,25% vào tháng 9 và tháng 12 năm 2024. Nếu thực tế diễn ra như dự báo này thì đây sẽ là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế khác có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không cần tăng lãi suất chính sách nữa; áp lực tỷ giá lên các đồng tiền mới nổi cũng sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một khả năng rất cao là lãi suất USD sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn trong vài năm tới.

Dự báo về xu hướng của tỷ giá VND so với USD trong thời gian tới, ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB - cho biết: “Với dự đoán của UOB về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm nay, chúng tôi thấy khả năng đồng USD sẽ giảm giá trong nửa cuối năm. Đây là kịch bản mà chúng tôi đã dự báo kể từ cuối năm 2023. Quan điểm của chúng tôi là đồng VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 cùng với sự phục hồi của CNY và sự suy yếu của USD trên diện rộng khi việc cắt giảm lãi suất của Fed được chú trọng. Chúng tôi kỳ vọng đồng VND sẽ mạnh dần so với USD lên 25.200 trong quý 3/2024, 25.000 trong quý 4/2024, 24.800 trong quý 1/2025 và 24.600 trong quý 2/2025”.

Doanh nghiệp cẩn trọng việc nắm giữ ngoại tệ

Dựa trên những phán đoán về tình hình tỷ giá trong thời gian tới, các chuyên gia của UOB khuyến nghị các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu mua bán ngoại tệ hợp pháp nên nghiên cứu, phân tích và sử dụng các sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình vận hành hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình.

đà tăng trưởng đang chậm lại do giá tôm cao và cạnh tranh gay gắt từ các thị trường khác
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần lập kế hoạch hợp lý về dòng tiền và mức độ nắm giữ của cả ngoại hối và nội tệ

Bên cạnh đó, ông Suan Teck Kin cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần có kế hoạch hợp lý và cân đối trong việc nắm giữ cả ngoại tệ và nội tệ. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có rủi ro về ngoại hối do xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài, điều quan trọng là phải có chính sách phòng ngừa rủi ro phù hợp như một phần của chiến lược quản lý rủi ro để bảo vệ vị thế tài chính của họ. Ngoài phòng ngừa rủi ro, một cách khác là duy trì sự cân bằng và lập kế hoạch hợp lý về dòng tiền và mức độ nắm giữ của cả ngoại hối và nội tệ.

Theo các chuyên gia của UOB, cả hai đều có thể được yêu cầu để thanh toán cho nhà cung cấp và do đó việc nắm giữ quá nhiều ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ hoặc ngược lại là thu được lợi nhuận. Đồng thời, cần có nội tệ để trả cho các nhà cung cấp địa phương, tiền lương, tiền thuê nhà, thuế…

Đối với rủi ro từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Suan Tec Kin nhận định: “Một giải pháp quan trọng là mở rộng và đa dạng hóa thị trường và nguồn cung để tránh bị ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng và gián đoạn vận chuyển. Ví dụ, bán sản phẩm cho các thị trường lân cận sẽ mở ra những cơ hội mới và giảm rủi ro lô hàng bị trì hoãn do khoảng cách xa, cũng như đối với nguồn cung”.

Ngân Thương - Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương