Doanh nghiệp chưa hết áp lực lãi vay, lại thêm gánh nặng tỷ giá

(Banker.vn) Trong hai tháng trở lại đây, tỷ giá đã trở thành "điểm nóng" trên thị trường tiền tệ khi tỷ giá liên tục leo thang. Điều này đã gây tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp nhập khẩu, khiến họ phải "gồng mình" trước việc gia tăng thêm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Áp lực lãi vay

Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã công bố hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, đồng thời tung ra các gói vay ưu đãi mới nhằm kích cầu tín dụng những tháng cuối năm. Tuy nhiên, mặc dù lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao, khoảng trên 10%/năm.

Theo ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tín dụng là đòn bẩy rất quan trọng trong tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp rất mong được tiếp tục giảm lãi suất, giảm các loại phí dịch vụ ngân hàng, phí định giá, đấu giá... "Lãi suất mà doanh nghiệp có thể hấp thụ hiệu quả ở mức khoảng 6-7%/năm", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 5,56% so với cuối năm 2022, chỉ bằng hơn 1/3 so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Giới chuyên gia nhận định, ngoài việc nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện hoặc không dám vay, thì lãi suất cho vay vẫn được neo ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế không như kỳ vọng.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội được tổ chức vào chiều 21/9, nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay vẫn quá cao, vượt quá sức chịu đựng của họ, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm, thị trường gặp khó.

Doanh nghiệp chưa hết áp lực lãi vay, lại thêm gánh nặng tỷ giá
Ảnh minh họa

Gánh nặng tỷ giá

Theo khảo sát, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.060 VND/USD (tại thời điểm kết phiên giao dịch ngày 22/9). So với phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2023 (3/1), tỷ giá trung tâm đã tăng 448 đồng, đồng thời nếu so với mức thấp nhất trong năm (ngày 15/4 - 23.588 đồng/USD), tỷ giá trung tâm đã tăng 472 đồng.

Cùng với đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã bật tăng mạnh và vượt 24.500 đồng/USD, tăng khoảng 50 đồng so với phiên trước và tăng 515 đồng so với phiên đầu năm.

Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có tác động trực tiếp làm tăng giá trị đối với hàng xuất khẩu, nhất là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày… tuy nhiên mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhiều hơn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, tỷ giá VND/USD đã tăng khá mạnh, hầu hết các ngân hàng mua vào, bán ra quanh mức 24.200 đồng đến 24.500 đồng/ USD. Tỷ giá liên tục "nhảy múa" khiến doanh nghiệp vô cùng lo ngại. Trong bối cảnh bình thường, các thị trường nhập khẩu không có lạm phát, tỷ giá tăng tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại lạm phát đang gia tăng, đi liền với sự thắt chặt chi tiêu ở nhiều quốc gia phát triển, việc tỷ giá leo thang khiến hàng hoá chậm lưu thông, đơn hàng sụt giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng phải chịu gánh nặng này.

Về nguyên nhân tỷ giá leo thang được bắt nguồn từ những thay đổi về lãi suất gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), bởi tính từ tháng 5/2022 đến thời điểm hiện tại, Fed đã 11 lần tăng lãi suất, dự báo của giới chuyên gia, trong tháng 11/2023 nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần tiếp theo.

Tỷ giá "nhảy múa" còn một nguyên nhân nữa, đó là trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay khiến áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam tính đến hết 15/9 đạt hơn 464 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 242 tỷ USD, nhập khẩu là 222 tỷ USD.

Nền kinh tế xuất siêu đạt hơn 20 tỷ USD trong 9 tháng của năm 2023. Trong đó, các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 70% (tương ứng khoảng 320 tỷ USD) tổng kim ngạch thương mại cả nước, xuất siêu đạt hơn 34 tỷ USD.

Số liệu này cho thấy, khu vực doanh nghiệp FDI đang "gánh" nhập siêu hơn 14 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp trong nước, điều này thể hiện sự khó khăn của khu vực trong nước từ nay đến cuối năm.

NHNN phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày

Ngày 21/9/2023, Sở Giao dịch NHNN thông báo về việc bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua phương thức đấu thầu lãi ...

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các TCTD được gia hạn thực hiện đến cuối năm 2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14, theo đó sẽ kéo dài thời hạn thi ...

Lãi suất tiền gửi chạm đáy, dòng tiền sẽ chảy về đâu?

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi chạm đáy, dòng tiền có thể sẽ tìm đến thị trường chứng khoán, nhất là khi thị trường ...

Hải Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán