Doanh nghiệp chăn nuôi hưởng lợi lớn từ đà tăng giá heo
Sau hai năm 2022 - 2023 đầy biến động do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và giá thịt heo hơi lao dốc, ngành chăn nuôi Việt Nam bước sang năm 2024 với những tín hiệu tích cực. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), trong năm 2024 giá thịt heo hơi có xu hướng tăng nhẹ nên đã tạo động lực cho người nuôi heo, nhất là doanh nghiệp duy trì và tiếp tục mở rộng sản xuất, nhìn chung đàn heo và đàn gia cầm vẫn tăng trưởng tốt. Theo đó, giá heo hơi xuất chuồng ở thời điểm đầu năm ổn định quanh mức 52-60 nghìn đồng/kg. Thời điểm giữa năm, giá heo hơi có xu hướng tăng và tăng mạnh vào tháng 6/2024, có thời điểm tăng lên đến 70.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống quanh mức 64.000-66.000 đồng/kg. Xu hướng tăng kéo dài đến thời điểm Tết Dương lịch 2025, dao động từ 65.000-67.000 đồng/kg.
![]() |
Hình minh họa |
Nhờ giá thịt heo ổn định ở mức cao, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 13.573 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2023. Biên lợi nhuận gộp của công ty tăng từ 9,9% lên 14%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, gấp 30,8 lần năm trước. Dabaco cho biết ngoài yếu tố giá heo, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu cũng ổn định, giúp giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, kéo theo nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.
Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) cũng đạt lợi nhuận kỷ lục từ khi niêm yết với 324 tỷ đồng, gấp 10,7 lần so với năm trước. Dù doanh thu chỉ tăng 7%, nhưng giá vốn giảm 1%, giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 6,6% lên 13,2%. BAF cho biết giá heo hơi năm 2024 duy trì trên mức 60.000 đồng/kg và có xu hướng tiệm cận 70.000 đồng/kg. Ngoài ra, sản lượng heo của công ty cũng tăng gần gấp đôi nhờ chiến lược mở rộng chăn nuôi.
Không chỉ các doanh nghiệp thuần chăn nuôi hưởng lợi, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) – một ông lớn ngành thép – cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong lĩnh vực nông nghiệp. Mảng nông nghiệp đem về 7.081 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.038 tỷ đồng, cao hơn 5 lần so với năm 2023. Ngoài mảng chăn nuôi heo vượt kế hoạch, Hòa Phát cũng thành công trong mảng gia cầm khi sản lượng trứng gà đạt 330 triệu quả, mở rộng mạng lưới phân phối ra hơn 100 siêu thị khu vực phía Bắc và trên cả nước.
Một doanh nghiệp khác có sự chuyển biến mạnh mẽ là Công ty CP Masan MeatLife (MML). Sau ba năm liên tục thua lỗ, năm 2024 công ty đã chính thức có lãi. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, doanh thu thuần của MML đạt 7.650 tỷ đồng, tăng 9,6%, chủ yếu nhờ tăng trưởng ở mảng thịt ủ mát MEATDeli và thịt chế biến. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 14,3% lên 25,6% nhờ tối ưu chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, công ty chuyển từ lỗ 540 tỷ đồng sang lãi 25,3 tỷ đồng.
Ngành chăn nuôi bước vào giai đoạn tái cấu trúc lớn
Theo báo cáo của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ trong giai đoạn 2025 - 2026. Xu hướng tiêu dùng đang dần thay đổi khi người dân ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe và an toàn thực phẩm. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, có hệ thống sản xuất khép kín, đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng sản phẩm cao.
Một trong những yếu tố tác động lớn đến ngành chăn nuôi là Luật Chăn nuôi 2018, có hiệu lực từ năm 2020, quy định việc chăn nuôi không được phép diễn ra tại khu dân cư. Các địa phương được phép chuẩn bị trong vòng 5 năm, đến hạn chót ngày 1/1/2025, tất cả các cơ sở chăn nuôi không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ phải di dời. Điều này có thể khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung thịt giảm, trong khi các doanh nghiệp quy mô lớn có cơ hội mở rộng thị phần.
Ngoài ra, mô hình chăn nuôi trang trại đang dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này giúp giảm bớt tác động của dịch bệnh và biến động giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh. Các doanh nghiệp lớn có lợi thế về quy mô, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và công nghệ hiện đại sẽ dễ dàng tối ưu hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo ước tính, sản lượng thịt heo toàn cầu năm 2025 sẽ đạt khoảng 115,1 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm trước. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm sản lượng ở Trung Quốc và EU, trong khi Mỹ, Việt Nam và Brazil ghi nhận mức tăng nhẹ. Riêng Việt Nam, sản lượng thịt heo dự kiến đạt 3,8 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2024. Việc kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi và xu hướng mở rộng đàn là những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng này.
Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang dần ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Với sự hỗ trợ từ chính sách và xu hướng dịch chuyển sang mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ngành chăn nuôi Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước vào một giai đoạn phát triển bền vững và ổn định hơn trong những năm tới.
Thu Hà