Doanh nghiệp cần làm gì để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ?

(Banker.vn) Doanh nghiệp phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ.
Nối lại hoạt động giao thương hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn: Thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các địa phương

Chuyển đổi xanh - xu thế và lựa chọn tất yếu

Chiều ngày 4/7/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) triển khai Hội nghị "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh & quản lý tranh chấp".

Doanh nghiệp cần làm gì để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ?
Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - ITPC (Ảnh: Thanh Minh).

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhận định, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều này tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường và kết nối đối tác.

Đứng trước xu hướng phát triển chung của toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu.

"Với tình hình đó, doanh nghiệp cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội, xây dựng lợi thế từ các xu hướng. Hướng tới mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức, thông tin giá trị để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tôi kỳ vọng hội nghị sẽ tập trung phân tích các vấn đề nổi cộm, từ đó, giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải", bà Hồ Thị Quyên phát biểu.

Doanh nghiệp cần làm gì để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ?
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Thanh Minh).

Về phía Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC cũng đưa ra đánh giá chung liên quan đến tình hình doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu trong thời gian qua.

Theo LS. Châu Việt Bắc, trong bối cảnh thế giới đang dành sự quan tâm lớn cho mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu và logistics đang bị đặt dưới nhiều áp lực liên quan đến rào cản kỹ thuật về môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thời gian tới, bức tranh xuất nhập khẩu của nước ta sẽ phân hoá rất rõ rệt khi các doanh nghiệp thay đổi kịp thời, ứng phó hiệu quả chắn sẽ tận dụng được cơ hội, phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, doanh nghiệp thích nghi chậm hơn sẽ có nguy cơ đối mặt nhiều thách thức mới khi nhiều quy định siết chặt được đặt ra tại các thị trường mục tiêu.

LS. Châu Việt Bắc cho biết thêm, trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Do đó, “Quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng” - ông Bắc nhấn mạnh.

Linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác - thị trường mục tiêu

Tại hội nghị, các chuyên gia đã cung cấp và đưa ra những thông tin về sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp. Đồng thời, thảo luận và trao đổi sôi nổi vào khai thác các thực tiễn, khó khăn đang tồn tại. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện giao dịch ngoại thương an toàn và hiệu quả.

Doanh nghiệp cần làm gì để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ?
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (Ảnh: Thanh Minh).

Liên quan đến nội dung yêu cầu về chuyển đổi xanh và vấn đề đặt ra với hoạt động xuất nhập khẩu, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: Khi sự nhận thức về phát triển bắt đầu thay đổi một cách rõ rệt hơn, các quốc gia và bản thân các cá nhân trong xã hội không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế nói riêng mà còn để tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững nói chung.

Như vậy, áp lực từ thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận động cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh. Hiện nay, cách mạng tiêu dùng gắn chặt với các yếu tố “xanh”; “an toàn” và “nhân văn” cùng với việc thực thi các cam kết liên quan đến nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế như TPP/CPTPP, EVFTA,…

Từ đó, TS. Võ Trí Thành chỉ ra các vấn đề đối với thương mại quốc tế phát sinh nhiều phần từ sự cải cách thị trường và độ ổn định vĩ mô cùng sự hội nhập, mở cửa với trọng tâm là các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) chất lượng cao và sự phát triển quan hệ đối tác quan trọng. Do đó, “Để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, doanh nghiệp nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực” - TS. Võ Trí Thành khuyến nghị.

Ngoài ra, việc “xanh hóa” trong doanh nghiệp cũng nên được quan tâm đúng mực, trong đó, việc thực hiện ESG là nhân tố mang tính “sống còn” trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đối với định hướng về mặt chính sách, TS. Võ Trí Thành đề xuất, Việt Nam cần tháo gỡ được 2 điểm nghẽn cố hữu là hạ tầng và nhân lực, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể gia tăng giá trị, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tận dụng lợi thế và cơ hội để “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” trong một thế giới nhiều biến động.

Doanh nghiệp cần làm gì để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ?
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh Khu vực TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh).

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh Khu vực TP. Hồ Chí Minh cũng có nhiều trao đổi liên quan đến việc tận dụng các cam kết, hiệp định liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa giao dịch giữa doanh nghiệp Việt với đối tác quốc tế.

Đánh giá chung, ông Nam cho rằng các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đóng vai trò đắc lực cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất nhập khẩu, bên cạnh các FTAs đã ký kết và đang vận hàng, các Hiệp định thương mại tự do mới cũng cho thấy nhiều giá trị mới. Qua thực tiễn, có thế thấy, các Hiệp định thương mại tự do mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội trong việc tối ưu hóa các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế quan. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút dòng vốn đầu tư, thúc đẩy chuỗi cung ứng và xa hơn là tạo động lực cho sự cải cách, đổi mới trong chính doanh nghiệp.

Tuy vậy, song song với những điểm sáng, các Hiệp định thương mại tự do cùng lúc cũng đặt ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp khi buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới để không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh. Qua nghiên cứu, ông Nguyễn Hữu Nam thấy rằng, các thị trường lớn thời gian qua và sắp tới đây sẽ tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ, đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội mới trên các thị trường mới.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới (NewSun Law Firm), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam cũng đã có nhưng chia sẻ liên quan đến “Giải pháp hợp đồng cho một số thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm và phương thức hạn chế sự chi phối của đối tác trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài”.

Qua số liệu thống kê về hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Luật sư Bùi Văn Thành nhận định so với các ngành nghề khác, biểu đồ xuất nhập khẩu thường không ổn định do đây là ngành nghề dễ chịu tác động bởi biến động thị trường. Chính vì vậy, để giao dịch được hiệu quả, doanh nghiệp phải rất “nhạy cảm” với những thay đổi mới, những tình huống mới có thể phát sinh, đặc biệt liên quan đến pháp lý.

Đặc biệt, qua kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong và ngoài nước về pháp lý, chuyên gia này đã phân tích và đúc kết một số vấn đề nổi bật thường phát sinh trong giao dịch với đối tác quốc tế. Thông qua thực tiễn vụ việc và các thiệt hại mà doanh nghiệp Việt phải gánh chịu, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hoá hay không.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiến hành rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Đối với hoạt động giải quyết tranh chấp, Luật sư Bùi Văn Thành cho rằng, các yếu tố quan trọng khi quản lý tranh chấp trong giao dịch ngoại thương chính là luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Để không chịu thiệt thòi khi phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng khi soạn thảo các điều khoản quy định những nội dung trên.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương