Doanh nghiệp cần làm gì để cân bằng giữa nhu cầu gọi vốn đầu tư và phát triển bền vững?

(Banker.vn) Doanh nghiệp cần có sự trang bị kỹ càng, thấu đáo khi tham gia thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) thu hút nguồn lực để mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 110 dự án vào khu vực Tam giác phát triển Lào và Campuchia Sôi động thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Ngày 12/3, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra hội thảo ngành hàng tiêu dùng - phân phối với chủ đề “Xu hướng M&A và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam”. Hội thảo do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức.

Doanh nghiệp cần làm gì để cân bằng giữa nhu cầu gọi vốn đầu tư và phát triển bền vững?
Các diễn giả, chuyên gia kinh tế chia sẻ, thảo luận về "Xu hướng M&A và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam" tại hội thảo

Theo thống kê của Viện Mua bán sáp nhập và liên minh (IMAA), kể từ năm 1996 đến cuối năm 2022, có khoảng 6.550 thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Trong đó nổi bật là ba nhóm các nhà đầu tư chính: Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia kinh tế đã chia sẻ, phân tích các xu hướng lớn của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ thông qua: Tổng hợp tình hình mua bán sáp nhập trong ngành trong thời gian qua, nguồn vốn chủ lực đến từ đâu...

Với các doanh nghiệp có nhu cầu gọi vốn đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước, các diễn giả cũng đưa ra những lưu ý để vừa kiến tạo mối quan hệ hợp tác bền vững, vừa giữ vững được lợi ích chính đáng của mình trong các thương vụ M&A.

Doanh nghiệp cần làm gì để cân bằng giữa nhu cầu gọi vốn đầu tư và phát triển bền vững?
Luật sư Đào Tiến Phong - Điều hành Công ty Tư vấn InvestPush đưa ra những lưu ý cho doanh nghiệp trong các thương vụ M&A và gọi vốn tại hội thảo

Luật sư Đào Tiến Phong - Điều hành Công ty Tư vấn InvestPush tại hội thảo đã đưa ra những lưu ý trong các thương vụ M&A và gọi vốn. “Doanh nghiệp cần lên kế hoạch M&A, gọi vốn, tìm kiếm, thu thập thông tin, định giá bán, gọi vốn, chuẩn bị cấu trúc deal (cấu trúc giao dịch), chuẩn bị tài liệu… cho quá trình thẩm định”- ông Phong nói.

Cùng với đó, theo ông Phong, doanh nghiệp cần chuẩn bị dự thảo nội dung thỏa thuận (NDA), biên bản ghi nhớ (MOU), những điều khoản quan trọng cần lưu ý (term sheet), dự thảo hợp đồng chuyển nhượng, gọi vốn… Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý: MOU có giá trị pháp lý không; cảnh giác tài khoản ký quỹ (escrow account), xem xét quy định của Luật doanh nghiệp về việc chuyển nhượng vốn, tăng vốn, phát hành cổ phần...

TS. Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT) - cho rằng: Hiện nay, nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính. “Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn, môi trường chính sách ở Việt Nam phải thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thoái vốn. Bởi khi rót tiền vào, nhà đầu tư cân nhắc phải lấy ra được. Một yếu tố khác là phải làm sao để tạo điều kiện rút ngắn thời gian hoàn tất thương vụ” - TS. Nguyễn Tuấn Anh nêu quan điểm.

Dự báo năm 2024, thị trường M&A tiếp tục sôi động và có những chuyển biến tích cực. TS. Nguyễn Tuấn Anh nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành mạnh và có chọn lọc.

Theo đó, nhà đầu sẽ nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm, với nền tảng cơ bản của nền kinh tế - sản xuất và phân phối thực phẩm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài là xu hướng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi hiện nay, nguồn vốn trong nước cũng có nhưng đắt đỏ, chi phí vốn cao so với các nước xung quanh, chưa kể đến nước phát triển.

Theo vị chuyên gia này, bên cạnh tìm nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp còn tìm kiếm các yếu tố khác khi mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài qua các thương vụ M&A như công nghệ, kỹ năng, quản trị, thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết.

“Tìm kiếm các nhà đầu tư mới, tìm kiếm các nhà đầu tư từ bên ngoài là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần, nhưng cái cần hơn là chính sách vĩ mô phải tốt để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài và giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trong quá trình M&A" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương